Bình xét danh hiệu văn hóa: Khách quan, thực chất, người dân đồng thuận

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/11/2024 | 10:52:26 AM

Hiện nay, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) và Công tác gia đình các cấp trong tỉnh đang tiến hành đánh giá, bình xét các danh hiệu. Quá trình thực hiện được các địa phương, đơn vị phát huy dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch, thực chất.

Người dân thôn Tân Thiếp, xã Xương Lâm (Lạng Giang) biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024.
Người dân thôn Tân Thiếp, xã Xương Lâm (Lạng Giang) biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024.

Tích cực xây dựng đời sống văn hóa

Thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng phong trào "TDĐKXDĐSVH” giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã triển khai việc đăng ký các danh hiệu văn hóa và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các địa phương. Qua tuyên truyền, toàn tỉnh có hơn 454 nghìn hộ đăng ký đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”, chiếm 96,8% số hộ; 99,5% thôn, tổ dân phố đăng ký danh hiệu văn hóa và 96,9% hộ đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh phát động các phong trào, cuộc vận động hưởng ứng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giúp người dân nắm vững các tiêu chí để thực hiện. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gần 89% hộ gia đình; 82% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa. Đặc biệt, tập trung xây dựng "Khu dân cư văn hóa, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Tìm hiểu tại tổ dân phố Chi Ly 2, phường Trần Phú (TP Bắc Giang), đầu năm 2024, sau khi triển khai đăng ký các danh hiệu đã có 347/350 hộ dân đăng ký đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”.

Năm nay, toàn tỉnh có hơn 454 nghìn hộ đăng ký đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", chiếm 96,8% số hộ; 99,5% thôn, tổ dân phố đăng ký đạt danh hiệu văn hóa và 96,9% hộ đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tỉnh Bắc Giang phấn đấu có gần 89% hộ gia đình; 82% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa.

Ông Hà Xuân Nhàn, Bí thư Chi bộ tổ dân phố cho biết: "Người dân tại đây phần lớn là cán bộ quân đội, công an về hưu hoặc đang công tác tại các cơ quan, đơn vị nên đời sống ổn định. Phát huy kết quả của những năm trước, ban lãnh đạo tổ dân phố và tổ chức hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, quy định của Đảng, nhà nước, hương ước, quy ước của khu dân cư. Phong trào văn nghệ, thể thao sôi nổi; trật tự đô thị, vệ sinh môi trường ở tổ dân phố được bảo đảm... Mới đây, chấm theo thang điểm quy định, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hóa với mức 97/100 điểm”.

Đợt bình xét này, gia đình anh Phạm Tiến Phong (SN 1980), thôn Đồi Rồng, xã Ngọc Lý (Tân Yên) vẫn giữ vững danh hiệu văn hóa và được UBND xã khen thưởng. Vợ chồng anh nhận thầu khu ruộng trũng hơn 15 nghìn m2 đầu tư nuôi thủy sản, vịt đẻ và trồng cây ăn quả. Nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật nên việc sản xuất mang lại hiệu quả cao, thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Anh Phong chia sẻ: "Mọi người trong gia đình tôi luôn bảo ban nhau chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Đồng thời tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, xây dựng tình làng, nghĩa xóm đoàn kết; tham gia vệ sinh thôn, xóm sạch đẹp”.

Công khai, dân chủ, đúng quy định

Để việc đánh giá, bình xét, công nhận các danh hiệu thực chất, căn cứ theo Nghị định số 86 của Chính phủ, tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2024 về quy định tiêu chuẩn; cách thức bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa”, "Thôn, tổ dân phố văn hóa”, "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) nhiều năm đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”.

Theo quyết định, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu gia đình; thôn, tổ dân phố văn hóa gồm nhiều tiêu chí.Trong đó có một số tiêu chí trọng tâm như: Các hộ gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực thi đua lao động, sản xuất, học tập; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng. Thôn, tổ dân phố có kinh tế ổn định và phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp; giữ vững trật tự, an toàn xã hội...

Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, ngay sau khi có quyết định mới của UBND tỉnh, Sở đã hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai đến các thôn, bản, tổ dân phố. Các huyện, thị xã, TP đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở về nội dung Nghị định số 86 và Quyết định số 2024, quán triệt những nội dung chính, điểm mới trong tiêu chuẩn đánh giá để khi thực hiện bảo đảm chính xác. Sở yêu cầu các đơn vị tổ chức bình xét danh hiệu công khai, dân chủ, đúng quy trình.

Từ cuối tháng 10, các phường, xã, thị trấn tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này. Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lâm (Lạng Giang) cho hay: "Căn cứ các quy định về xét tặng danh hiệu, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đánh giá các danh hiệu, bảo đảm nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng và trên cơ sở tự nguyện. Chỉ xét khi các hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia và bảo đảm theo thang bảng điểm đúng quy định”.

Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của ngành cấp trên, các thôn, bản, tổ dân phố đã tổ chức họp dân để bình xét danh hiệu văn hóa công khai, dân chủ. Bà Hà Thị Sáp, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Nam Giang, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) cho biết: "Cuối tháng 10, tổ dân phố tổ chức họp với thành phần là cấp ủy, trưởng các đoàn thể, đại diện một số gia đình để đánh giá kết quả phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa của từng hộ. Sau khi bình xét danh hiệu, tổ dân phố niêm yết danh sách công khai tại nhà văn hóa để người dân cùng góp ý kiến bảo đảm kết quả bình xét chính xác, xứng đáng”.

Đến nay, các thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh đã hoàn thành việc bình xét các danh hiệu, lấy ý kiến của nhân dân và đề xuất danh sách lên UBND cấp trên để thẩm định, công nhận danh hiệu. Kết quả sơ bộ cho thấy, tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa đạt danh hiệu văn hóa tăng so với năm trước; kết quả bình xét cơ bản nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bình xét năm nay được xem xét kỹ hơn với việc chấm điểm theo từng tiêu chí nhỏ ở các lĩnh vực nên có tính toàn diện.

Các tin khác

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ Khai mạc Tuần phim vào hồi 19 giờ ngày 2/12/2024 tại Điện ảnh Quân đội nhân dân và trình chiếu tám bộ phim khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự