Tấm chăn chiên

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/11/2024 | 10:21:33 AM

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Minh họa: Hiền Nhân.
Minh họa: Hiền Nhân.

Ở đầu bên kia, giọng một người đàn ông còn trẻ:

- Thưa bác! Cháu xin lỗi, bác cho cháu được hỏi ạ!

Thấy cách nói và âm sắc miền Trung từ tốn, ấm áp của người lạ, ông bắt lời:

- Vâng! Anh cứ nói!

- Dạ thưa, bác có phải là thầy Phan ngày trước dạy ở trường sư phạm sơ tán ở Đông Mẫu, giờ đang ở thành phố Bắc Hà không ạ?

Nghĩ nhanh trong đầu anh ta không phải kẻ xấu, nhưng ông vẫn chậm rãi:

- Vâng! Là tôi đây! Nhưng anh là ai? Anh học sư phạm à? Không, chắc không phải!

Người đang gọi giọng ấm áp:

- Vâng! Không phải ạ! Cháu ở miền trong, mới ngoài 40 tuổi thôi bác ạ!

- Thế... Thế sao anh biết tôi?

- Thưa bác, cháu là con bố Chức. Bố cháu là bộ đội, có biết bác ạ!

Ông nhăn trán: Chức? Chức nào nhỉ? Sao ông chả nhớ gì về người này?

- Thú thực với anh, tôi không nhớ? Chắc do tôi có tuổi rồi. Anh nói tôi nghe nào?

Như chỉ chờ có vậy, tiếng người đàn ông hồ hởi: Bác nhận lời nói chuyện là cháu vui rồi! Chuyện chắc dài bác ạ. Cháu là "đặc phái viên" của bố cháu. Bố cháu giao cháu tìm bác. Cháu đang ở thành phố! Bác cho địa chỉ, cháu đến thăm bác và xin được báo cáo với bác ạ!

Hơn tiếng đồng hồ sau có chiếc xe con từ từ đỗ trước cửa nhà ông. Người lái mở cửa xe bước xuống, nhanh nhẹn tiến đến phía ông bà và hai con trai (ông vừa gọi họ về), cúi đầu chào:

- Cháu là Vụ, là người vừa điện thoại cho bác ạ!

Ông gật gật đầu:

- Mời anh vào nhà xơi nước!

Người tên là Vụ nhỏ nhẹ:

- Vâng bác! Nhưng cháu xin phép bác...

Vụ quay lại mở cốp xe lấy ra một hộp vuông vức, đóng gói đẹp đẽ. Anh trân trọng đem vào nhà trong sự ngạc nhiên của gia đình ông.

- Thưa bác trai, bác gái và hai anh! Bố Chức cháu gửi biếu bác chút quà gọi là... Chiếc chăn nhẹ, vâng siêu nhẹ ạ!

Hai tay anh nâng hộp chăn mà không thấy ông đưa tay đón. Ông vẫn không hết ngạc nhiên: Là... là thế nào, thế này?

Anh thanh niên nhìn ông, đổi cách xưng hô: Xin bác cứ nhận đã ạ, rồi con thưa chuyện ạ!

Chả nhẽ cứ đứng thế này, ông nhận để mọi người cùng ngồi xuống. Người khách lạ sau khi uống chén trà mới lên tiếng:

- Bác ơi! Tấm chăn bố con biếu bác hôm nay còn có giá, in ít tiền thôi, chứ tấm chăn chiên năm xưa của bác là vô giá, là không định được giá! Nhờ tấm chăn chiên của bác mà người lính ấy, bố con đó bác, được đưa đi cấp cứu kịp thời!

"Chăn chiên. Người lính được cấp cứu kịp thời". Nhớ rồi! Tôi nhớ ra rồi! Tay ông Phan run run.

- Bố cháu bảo chúng con khắc ghi câu chuyện, không phải chỉ là trận chiến ác liệt giữa máy bay địch và bộ đội ta mà đậm hơn là chuyện chiếc chăn chiên. Trận ấy bố con bị thương nặng, máu ra rất nhiều. Một người đồng đội được lệnh đưa bố con về trạm xá xã, cách trận địa không xa. Không có phương tiện, ông đã cõng bố con trên lưng, băng đồi. Có lúc ông ngã dúi dụi. Máu bố con thấm cả lưng áo ông. Bố con thì mê man, bất tỉnh. Ông ấy đã nghĩ điều không hay sẽ đến với bố con. May mắn thay, như ông tiên, ông phật ấy, bác xuất hiện. Bác ở trong hố tránh bom cá nhân trườn lên. Bác gọi người lính cõng bố con, rồi bác giật hai đoạn cây khung căn lều dựng tạm, lấy tấm chăn chiên trong lều ra làm cáng.

Bác cùng người lính khiêng bố con về trạm xá xã. Qua câu chuyện, ông ấy biết tên bác, biết bác dạy ở trường sư phạm, biết bác đang ở lều để trông sắn tăng gia của gia đình. Đến trạm quân y, ông băn khoăn nhìn chiếc chăn bê bết máu. Bác hiểu ý bảo: "Cứ để lại đắp cho chú ấy! Để tôi đi giặt sạch, phơi khô. Tôi phải về còn có tiết dạy. Chú nhớ bảo y tá. Bị mất máu mà rét thì lâu khỏi”. Bố con được cấp cứu rồi đơn vị đưa về quân y viện điều trị. Bố con sống. Khi đơn vị đã chuyển đi nơi khác, bố con hồi phục và trở về đấy, cùng chiếc chăn chiên y tá bảo là của bố con. Người lính cõng bố con cũng chuyển đơn vị khác rồi. Mãi sau gặp lại, ông mới gặp lại bố con. Bố con biết những điều con vừa nói là do ông kể lại. Lúc ấy, cả bố con và ông đều đi sâu vào phía trong. Cho đến ngày giải phóng, trước khi được sang nước ngoài học, bố con có tìm về nơi mình bị thương, mong gặp bác thì trường đã chuyển, bác cũng chuyển trường. Bố con áy náy lắm, luôn bắt chúng con để tâm tìm.

Con trai thứ của ông Phan nắm tay người khách:

- Gia đình mình chu đáo, cẩn thận quá! Một chiếc chăn chiên mỏng manh nào có đáng là bao.

Người khách vội vàng:

- Không anh ạ! Bố em bảo chúng em, hồi ấy, chăn chiên dày, rộng là cả một gia tài, một ao ước với người nghèo, thậm chí với cả người bậc trung. Quan trọng hơn, nó là tình thương, là sự sẻ chia, nhường nhịn, cứu giúp. Ngày bà nội em còn, nghe bố em kể chuyện, cụ lấy câu Kiều răn dạy con cháu:

"Nhỡ khi lỡ bước sẩy vời

Non vàng đâu dễ đền bồi tấm thương

Ngàn vàng gọi chút lễ thường

Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân!"

Vợ ông hỏi người khách:

- Làm sao mà cháu tìm được ông nhà bác?

Người khách cười:

- May quá bác ạ! Nhờ facebook. Con đọc trên facebook thấy có người mang họ, tên bác hay viết bài. Con tò mò đọc truyện, nhất là hồi ký và phần bình luận, con ngờ ngợ. Ơ trùng khớp thế nhỉ, bác này cỡ tuổi, dạy trường này, năm này. Chỉ tuyệt nhiên không thấy bác kể gặp người lính bị thương nên con còn chưa khẳng định. Bố con bảo, con đóng quân trên này, cứ thăm dò. Bố con vết thương hành hạ chưa lên được. May quá! Hôm nay con tìm thấy bác. Hạnh phúc quá cho bố con rồi! Rồi con sẽ đưa bố con lên ạ!

* * *

Ông xa xăm nhớ về chiếc chăn. Màu sắc, độ dày của nó, cả một nốt thủng bằng đồng xu trên góc hiện lên, rõ lắm! 7 năm nó ở với ông cơ mà!

Mùa đông năm ông học lớp 10, trời rét thế! Nhà có hai chiếc giường, một ở bên ngoài, một trong buồng, chiếc nào chiếc ấy đều được lót một lớp rơm dày. Mùi rơm mới thơm ngòn ngọt. Đặt lưng lên giường thấy êm êm, âm ấm nhưng mà về đêm thì nằm co con tôm, lớn thế này vẫn rúc vào người bố, bố ôm vẫn run lên vì rét. Chiếc chăn chiên đã cũ lại mỏng không đủ ngăn gió lạnh tràn vào qua tấm mành thưa che cửa. Trong buồng, tiếng đứa em nhỏ mới sinh ọ ẹ rồi oe khóc cùng tiếng vỗ lưng và tiếng giỗ, tiếng ru à ơi của mẹ. Ông biết mẹ và em cũng không ngủ được vì rét.

Sáng hôm sau bố ông đi chợ huyện mua một chiếc chăn chiên. Mẹ mở, trải chăn trên giường ngoài. Chiếc chăn màu nâu sẫm có từng sợi xanh chạy song song, vắt ngang. Chăn rộng phủ khắp chiếc giường tre mét sáu. Mặt chăn mềm mại, phẳng phiu. Chăn dày đến đốt tay. Mùi chăn nồng nàn ấm. Bố bảo:

- Mẹ mày đem chăn này vào trong buồng rồi đem chiếc chăn trong ấy ra cho bố con tôi.

Thấy thằng em ông mặt nhăn nhăn, bố cười:

- Này tổ ba người, tổ tam tam của bố thời đánh Pháp: "Thằng nghiêng nằm giữa thằng co. Ba thằng quặp chặt gió lùa vào đâu?". Bây giờ tổ tam tam của bố con mình có thêm một chiếc chăn nữa khéo ấm quá cu cậu ngủ quên không dậy đi học được!". Em ông cười, hết phụng phịu.

Thế mà vài tháng sau, ngày ông nhập trường đại học, bố mẹ gói chiếc chăn chiên này để ông mang đi. Ông giãy nảy:

- Không! Con đem đi, u và em bé sẽ rét!

U nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghiêm:

- Bây giờ đang là mùa nóng, còn mấy tháng nữa mới rét, lúc ấy u mua cái khác. Nhà người ta còn sắm chăn mới, thậm chí chăn bông cho con người ta đi học trung cấp, đằng này... Nếu không chê mùi sữa mẹ, mùi tè dầm của em bé, dù u giặt sạch lắm rồi nhé, thì anh chịu khó đem đi.

U nói thế thì anh không thể chối từ, dù trong tâm áy náy lắm, áy náy với cả thằng em giai.

Bốn năm học đại học, hơn năm làm thầy giáo trường sư phạm ông đắp chiếc chăn chiên này. Hôm nào rét quá, một nửa làm đệm, một nửa đắp. Chăn là chiếc tổ tò vò. Mùi của mẹ, mùi của em cứ quấn lấy ông bao năm tháng. Cái lần ông để đèn dầu trong màn nằm học bài rồi ngủ quên, tay gạt vào làm đèn đổ nghiêng, lửa bén cháy màn, cháy cả góc chăn may mà dập ngay được. Cái lỗ thủng bằng đồng xu trên góc chăn có là thế. Dạy học một năm, ông mua được hai chiếc chăn bông, chiếc 3 cân, chiếc 2 cân. Ông đem chiếc nặng hơn về biếu bố mẹ, chiếc nhẹ ông dùng, định bụng năm sau mua về biếu bố mẹ chiếc nữa. Chiếc chăn chiên gấp đôi làm đệm. Thế rồi, ông lấy vợ. Bố biên thư lên bảo đã sắm được chăn rồi. Ông rơm rớm nước mắt biết rằng bố mẹ thương ông. Lúc đủ chăn bông, ấm lưng rồi, ông vẫn dùng chiếc chăn chiên. Vợ ông trêu:

- Anh chưa già mà sao thích dùng đồ cổ, thích nói chuyện ngày xưa.

Ông rỉ rả kể vợ nghe về chiếc chăn. Chính vợ ông lại mủi lòng, mắt ướt ướt:

- Em xin lỗi anh, anh nói em mới biết. Thế thì phải giữ! Nó là tài sản quý, rất quý anh ạ!

Khi hai vợ chồng dạy học, ông xin với địa phương được khai phá vạt đồi trồng sắn, phần để ăn, phần để chăn nuôi, phần để bán lấy tiền tiêu pha. Đồi cách nhà, cách trường khá xa, mùa thu hoạch ông phải dựng lều để khi không có giờ lên lớp vào trông. Không ngờ, thời gian ấy, đơn vị pháo cao xạ về lập trận địa ở đó. Thế là gặp chuyện đơn vị bộ đội bị bom, người lính bị thương... Ông về kể với bà.

- Lúc im tiếng súng, tiếng bom nổ, tôi nhô đầu trên miệng hố cá nhân thấy cảnh hai người lính cõng nhau, sợ quá! Chỉ kịp nghĩ thế kia thì anh lính trẻ sẽ chết mất và phải lấy chăn làm cáng thương...

Không để ông nói hết câu, bà bảo:

- Không còn chiếc chăn, xót thật. Nhưng anh ạ! Anh vừa làm được việc nên làm!

- Anh có biết tên người lính ấy không?

- Anh không hỏi. Chỉ tin rằng chú ấy không hy sinh.

* * *

Ông đang chìm sâu vào kỷ niệm, chợt bừng tỉnh vì tiếng bà:

- Ông này! Chiếc chăn chiên năm xưa vẫn còn. Nghe vậy, ông ngơ ngác:

- Vẫn còn? Chiếc chăn chiên vẫn còn? Năm chục năm rồi!

Tiếng người khách:

- Vâng bác ạ! Chiếc chăn của bác vẫn còn! Bố con gói ghém cẩn thận, cất trong tủ, cứ đến hôm kỷ niệm ngày bố con bị thương lại lấy ra để nhìn, rồi kể chuyện, rồi nhắc chúng con tìm bác. Thế nào chúng con cũng đưa bố con cùng tấm chăn của bác lên với bác, về với bác!

Ông bật đứng dậy, bước về phía khách. Ông giang rộng cánh tay ôm vị khách, bàn tay thuận vỗ vỗ vào lưng. Cả nhà lặng nhìn hai người, mắt ai cũng chớp chớp.

Theo Báo BGĐT

Các tin khác

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ Khai mạc Tuần phim vào hồi 19 giờ ngày 2/12/2024 tại Điện ảnh Quân đội nhân dân và trình chiếu tám bộ phim khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Quốc hội thông qua toàn văn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 23/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự