Xúc động Cùng nhau giữ nước giữa Hoàng thành Thăng Long
- Cập nhật: Thứ ba, 19/11/2024 | 2:01:26 PM
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
"Cùng nhau giữ nước" tôn vinh giai đoạn vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc, từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ...
|
Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức, giao Trung tâm PT-TH Quân đội thực hiện, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Đại tướng Phan Văn Giang - phó bí thư Quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng… tới dự.
Chương trình đặc biệt hoành tráng biểu dương sức mạnh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta - Ảnh: BTC
Chủ đề được lấy cảm hứng từ lời căn dặn "Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" của Bác Hồ với các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại sân Đền Giếng (thuộc Đền Hùng, Phú Thọ) năm xưa, trở thành cái tên rất ý nghĩa cho lịch sử vẻ vang của dân tộc ta nói chung và lịch sử 80 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.
70 năm sau lời căn dặn của Bác Hồ, "cùng nhau giữ nước" như một lời hịch của non sông, in đậm trong tâm trí của mọi thế hệ người dân Việt Nam.
Chương trình quy tụ gần 500 nghệ sĩ, diễn viên tham gia - Ảnh: BTC
Chương trình nghệ thuật chính luận với khoảng 500 nghệ sĩ tham gia trên một sân khấu ngoài trời rộng lớn tại sân vận động Cột Cờ, đã tạo dựng một khung cảnh rất hoành tráng, xúc động, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.
Chương trình cũng là lời nhắc nhớ và tri ân của thế hệ hôm nay với sự hy sinh anh dũng, quật cường của bao thế hệ ông cha, để cho đất nước ta nở hoa "độc lập", kết trái "tự do".
Những bài ca cách mạng được các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Quốc Hưng, NSND Hồng Hạnh, NSND Phạm Phương Thảo, NSƯT Hoàng Tùng, ca sĩ Đông Hùng… biểu diễn cùng tập thể nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và dàn quân nhạc Đoàn nghi lễ Quân đội.
Đặc biệt, công nghệ trình chiếu 3D mapping tái hiện 6 thời khắc hào hùng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam tại không gian linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long đã tạo nên khúc mở đầu đầy hào hùng cho chương trình.
Đó là các hoạt cảnh: Cội nguồn dân tộc Việt Nam - Con Lạc cháu Hồng; Hùng Vương dựng nước; Hai Bà Trưng khởi nghĩa: Lý Công Uẩn dời đô; Trần Hưng Đạo - Hịch tướng sĩ; Lê Lợi - Sự tích trả kiếm Hồ Gươm.
Trên nền ấy, chương trình nghệ thuật dàn dựng công phu, khắc họa những cột mốc trọng đại trong thời đại Hồ Chí Minh từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến những mốc son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ...
Các ca khúc Hào khí Việt Nam (Đông Hùng diễn cùng dàn hợp xướng), Đất nước (NSND Hồng Hạnh biểu diễn cùng dàn hợp xướng và tốp múa), Dấu chân phía trước (NSND Quốc Hưng diễn cùng dàn hợp xướng),
Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc (NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Vũ Thắng Lợi và Viết Danh biểu diễn cùng vũ đoàn), Tiến bước dưới quân kỳ (tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và dàn quân nhạc Đoàn nghi lễ Quân đội biểu diễn)… đã làm nên một chương trình nghệ thuật đặc biệt.
Những tiết mục hoành tráng biểu dương văn hóa và lịch sử của dân tộc - Ảnh: BTC
Ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping với độ phân giải 4K Ultra HD và hệ thống âm thanh surround SoundScape, lần đầu tiên xuất hiện trong một chương trình nghệ thuật ngoài trời ở miền Bắc, tạo nên trải nghiệm đồng bộ hoàn hảo, sống động và chân thực.
Sân khấu rộng lớn, thiết kế công phu với chiều cao lên tới 18m, cùng hệ thống ánh sáng và màn chiếu panorama, biến tiết mục thành một không gian trình diễn mãn nhãn.
Sân khấu lớn ngoài trời tạo điều kiện cho biểu diễn 'thực cảnh' làm tăng độ hoành tráng của chương trình - Ảnh: BTC
Các tin khác
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ Khai mạc Tuần phim vào hồi 19 giờ ngày 2/12/2024 tại Điện ảnh Quân đội nhân dân và trình chiếu tám bộ phim khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.