Nhà báo Thái Mạnh Thắng – VOV Giao thông: “Để có sự tin yêu của khán thính giả, tôi luôn hướng đến sự chân thành”
- Cập nhật: Thứ năm, 3/2/2022 | 8:12:17 PM
Nhà báo Thái Mạnh Thắng đã để lại ấn tượng đặc biệt với tôi bởi giọng nói trầm ấm, sôi nổi, linh hoạt và làm chủ câu chuyện nghề nghiệp đầy thú vị.
|
Lựa chọn một người dẫn chương trình trên sóng phát thanh, tôi quyết định phương án tác nghiệp là trò chuyện qua điện thoại. Một phần vì dịch bệnh còn phức tạp, phần nữa là muốn cảm nhận "sức hút” của âm thanh, sự lôi cuốn của một MC đã thực đúng như nhiều người hâm mộ. Và nhà báo Thái Mạnh Thắng đã để lại ấn tượng đặc biệt bởi giọng nói trầm ấm, sôi nổi, linh hoạt và làm chủ câu chuyện nghề nghiệp đầy thú vị.
Làm công việc yêu thích thì không phải là làm việc nữa mà là… hưởng thụ
+ Được biết anh là một BTV, MC vô cùng quen thuộc của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Đặc biệt là các chương trình trên sóng của kênh VOV giao thông Fm91mhz: "Kết nối yêu thương", "Giờ cao điểm", "Hẹn hò Radio", "Trên mọi nẻo đường"... Khi nhắc về nghề, lúc này anh nghĩ đến điều gì nhất?
- Là chữ duyên! Tôi thấy công việc phát thanh của mình là duyên trời định. Thực ra trước khi là một người dẫn chương trình phát thanh, tôi đã có khoảng 5, 6 năm làm việc ở lĩnh vực truyền hình, như VTV và một số Đài truyền hình khác. Tôi học đại học về lĩnh vực công nghệ thông tin, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghề báo, làm phát thanh cả. Nhưng trong quá trình học, tôi có tham gia các hoạt động đoàn đội rồi thấy Đài Truyền hình Việt Nam tuyển dụng cộng tác viên, tôi đi thi thử và đỗ. Thế là tôi quyết định làm song song cả MC và việc học.
Và quãng thời gian đó, càng làm lại càng thấy mê, tôi tiếp tục học thêm báo chí để nâng cao trình độ, kỹ năng cho hành trang làm nghề chuyên nghiệp. Ngồi nghĩ lại, nghề đến với tôi hết sức tình cờ và có duyên, đúng kiểu nghề chọn người vậy. Sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam tuyển người, tôi thi vào Ban Âm nhạc VOV3, rồi sang đầu quân cho VOV Giao thông đến bây giờ. Lộ trình nghề nghiệp đủ đầy màu sắc và rặt những hứng khởi với âm thanh và ánh sáng.
+ Hứng khởi với công việc "trời định”… từ ngày đó, và trong câu chuyện của anh lúc này tôi vẫn còn thấy đầy nhiệt huyết. Hẳn là anh phải sống và làm việc lý tưởng lắm?
- Thực ra tôi không có một quan niệm rõ ràng cho công việc mình làm, đơn thuần là khi tôi tiếp nhận công việc nào đó thì luôn phải bắt đầu bằng niềm yêu thích. Khi đó, tôi thấy không phải là làm việc mà là… hưởng thụ, là sự thăng hoa đặc biệt mà nghề nghiệp mang đến. Có thể một phần là do tôi may mắn, bởi tôi được lãnh đạo VOV tín nhiệm giao cho nhiều đầu mối chương trình, trước kia là "365 ngày hạnh phúc”, "Thử làm ca sỹ”, "Hẹn hò”… sau này là "Kết nối yêu thương”, "Giờ cao điểm”. Tất cả những công việc ấy tôi đều yêu thích, mà khi đã thích thì có cảm giác làm việc lúc nào cũng đầy năng lượng tích cực. Cho nên khi bước vào phòng thu, đèn On/Air bật sáng, tôi giống như một con người khác vậy.
Mắt tinh, tay dẻo, nhanh nhạy khi xử lý tình huống
+ Trước khi gặp anh, tôi thấy các đồng nghiệp đùa rằng: "Cứ "Giờ cao điểm” anh Thắng dẫn là thể nào đường cũng đông và tắc... Câu chuyện đùa ấy khiến tôi tò mò rằng, sức ép của một người dẫn trực tiếp "Giờ cao điểm” trên VOV Giao thông như thế nào thưa anh?
- Nói về "Giờ cao điểm” thì đúng như tên gọi đã thấy cả sự hối thúc và ít nhiều áp lực. Dẫn chương trình này thường tôi sẽ có áp lực từ hai phía, phải đảm bảo sức khỏe để hoàn thành các giờ lên sóng liên tục. Hàm lượng thông tin mà tôi nhận được trong giờ cao điểm khá nhiều phải linh hoạt xử lý. Quá trình 3 tiếng của "Giờ cao điểm” được phối hợp nhịp nhàng.
Đầu tiên chúng tôi có hệ thống camera giao thông của VOV giao thông, đặt ở những điểm giao thông, ngã tư; nhiều đơn vị, cơ quan chức năng phối hợp cung cấp thông tin cho chúng tôi, như lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, công ty đường bộ. Một nguồn tin quý báu nữa là khán giả, thông qua hotline, fanpage... Chúng tôi có một đội ngũ biên tập sẽ lập tức biên tập và chuyển thông tin đó về cho người dẫn.
Nếu chưa quen, mọi người nhìn vào sẽ thấy choáng ngợp, khi khối lượng thông tin lớn đồng thời dồn đến. Chúng tôi đã có kinh nghiệm, sẽ phân chia ra quãng thời gian này lựa chọn ý kiến của khán thính giả nào, khi họ ở rất nhiều nơi khác nhau, họ chính là vệ tinh quan trọng nhất để chúng tôi có thông tin cụ thể. Chúng tôi lấy ý kiến của các lực lượng chức năng, họ sẽ đưa ra những khuyến cáo các khu vực đang sửa đường, cấm đường… nghĩa là mình sẽ có sự phân bổ cho phù hợp trong cùng một thời điểm và chắt lọc, đúc kết ra thông tin nào quan trọng nhất để chuyển cho khán thính giả.
Nghĩa là phải đảm bảo tiêu chí: mắt tinh, tay dẻo, nhanh nhạy khi xử lý tình huống. Ngoài ra, trong giờ cao điểm, chúng tôi có những phóng viên hiện trường, đó là các anh chị đi đến những điểm nóng giao thông, truyền về cho hotline, cho đội trực tổng đài. Thông tin ấy sẽ được tổng hợp chuyển về cho phòng thu. Chúng tôi có khoảng 10 người, 5 bạn trực tổng đài, đội ngũ phóng viên hiện trường, chưa kể lực lượng chức năng, khán thính giả thì khó thống kê được số lượng.
Nếu không có dấu ấn thật sự rõ nét thì sẽ bị nhạt nhòa
+ Tôi cũng được biết là nhiều bác tài rất thích nghe giọng dẫn của nhà báo Thái Mạnh Thắng trên sóng của VOV Giao thông. Để có được sự tin yêu ấy, trong một chương trình dẫn trực tiếp, vừa phải rất linh hoạt vừa phải giữ sự gần gũi, chân thật như một người đồng hành... Anh đã cân bằng như thế nào, thưa anh?
- Để có được sự tin yêu, tôi luôn hướng đến sự chân thành, trò chuyện một cách chân thành với khán thính giả. Bắt đầu với sự chân thành đó tôi thường chia sẻ về bản thân, gia đình, chuyện con cái, thậm chí là người yêu cũ ở trên sóng để tạo sự thoải mái, thân thiện. Tạo được thiện cảm của thính giả, cũng là cách để mình tạo được sự kết nối, kéo gần hơn khoảng cách giữa mình và khán thính giả. Lúc đó câu chuyện với mọi người sẽ mềm mại hơn rất nhiều. Khi mình cảm thấy thoải mái thì tôi tin rằng khán thính giả cũng sẽ thoải mái. Tôi may mắn khi tính cách của mình, có vẻ cũng phù hợp với tính chất công việc đang làm.
+ Việc cạnh tranh thông tin diễn ra hàng ngày, ngay cả các MC của các nhà Đài cũng chịu áp lực bởi luôn có một lớp trẻ tài năng nở rộ, có sự sáng tạo trong lĩnh vực dẫn chương trình, và anh… có cho đó là "nỗi niềm” không?
- Tôi thấy giờ các bạn trẻ rất giỏi, họ có nhiều cách sáng tạo khác nhau, họ tạo ra những dấu ấn riêng và điều đó hoàn toàn cần thiết. Chúng ta thấy hiện nay các bạn BTV, MC rất nhiều, có hàng nghìn, chục nghìn ở những nền tảng lĩnh vực khác nhau. Quả thực trong bối cảnh hiện nay, nếu mình không có dấu ấn thật sự rõ nét thì mình sẽ bị nhạt nhòa, mình không cố gắng mình sẽ không có được một vị trí nhất định trong lòng những người yêu thích mình hoặc yêu thích nội dung, chương trình mình mang đến cho họ.
Ngay cả ở kênh VOV giao thông, mỗi năm chúng tôi đều có các bạn phóng viên mới, làm trẻ hóa, tươi mới các chương trình. Tôi luôn coi các bạn là những người để mình học, học cách làm nghề, cách bắt trend để những thứ mình mang lên sóng không bị cũ. Ngược lại, tôi chưa bao giờ cho mình là người có tuổi trong nghề mà chỉ là người làm nghề lâu hơn nên có những kinh nghiệm đối mặt với khó khăn trong nghề phát sinh để chia sẻ lại cho các bạn trẻ.
+ Trong bối cảnh nhiều thay đổi hiện nay, theo anh người làm phát thanh phải thay đổi như thế nào để bắt nhịp cách nghe mới, sống nhanh, nghe nhanh trong xã hội hiện đại?
- Khi công nghệ phát triển, sự cạnh tranh ngày một lớn, các loại hình truyền thông phải thay đổi, thay đổi hàng ngày. Ở VOV giao thông, các lãnh đạo đã nhìn thấy sự cạnh tranh đó từ sớm, nên phần lớn các fomat chương trình đều có nhiều thay đổi. Đó là, việc rút ngắn thời gian chương trình lại tạo ra những chuyên mục ngắn để khi thính giả đi trên xe một quãng thời gian ngắn, họ có thể có được những thông tin cơ bản. Đối với những chương trình dài, chúng tôi sắp xếp vào những khung thời gian phù hợp để khán thính giả vừa nghe vừa cảm nhận, nghỉ ngơi. Chúng tôi còn kết hợp với báo điện tử để quảng bá, truyền thông, thậm chí cùng một chương trình nhưng phát trên đa nền tảng để tiếp cận được đông đảo các đối tượng, khán giả, thính giả,…
+ Vâng xin cảm ơn anh!
Theo Báo NB&CL(NT)
Các tin khác
Chương trình đã thu hút hơn 100 nhà báo là các biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại phía Nam tham dự.
Chiều 29/11, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Lễ ra mắt nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin. Nền tảng sách, báo quốc gia có tên miền là sachdientu.vn và ebook.gov.vn.
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.