Giải bài toán đổi mới nội dung, ứng dụng công nghệ ở các đài phát thanh truyền hình
- Cập nhật: Thứ hai, 4/4/2022 | 4:24:21 PM
Dù gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tuy nhiên nhiều các đài phát thanh truyền hình (PTTH) trong cả nước vẫn duy trì các chương trình phát sóng, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, đổi mới nội dung, ứng dụng công nghệ vào hoạt động.
Ê kíp thực hiện chương trình Truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Hà Nội. Ảnh: hanoitv.vn
|
Kịp thời thông tin về các vấn đề xã hội, đáp ứng nhu cầu của khán, thính giả
Hiện nay cả nước có 72 cơ quan PTTH đang hoạt động, bao gồm 2 Đài Quốc gia (Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam); 64 Đài PTTH địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thuộc Đài tiếng nói Việt Nam.
Trong năm 2021, mặc dù gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các Đài PTTH đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân.
Nhiều đơn vị đã kịp thời triển khai ứng dụng hạ tầng số để chuyển tải các sản phẩm, chương trình, tiếp cận được nhiều khán giả, duy trì lượt truy cập cao, chất lượng ổn định, thông tin nhanh. Tận dụng lợi thế của truyền thông xã hội để phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất chương trình, kịp thời thông tin về các vấn đề xã hội và đáp ứng nhu cầu của khán, thính giả.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan báo chí đã xung trận cùng với lực lượng y tế, công an, quân đội, tổ chức truyền thông đồng loạt, đầy đủ và minh bạch, kịp thời. Các tác phẩm truyền hình có những phân tích sâu sắc để nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh, nhanh chóng khắc phục hậu quả và ổn định phát triển kinh tế xã hội.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Doanh thu năm 2021 của các đơn vị phát thanh truyền hình khoảng 9.200 tỷ đồng. Các Đài PTTH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt doanh thu khoảng 3.900 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo của các đài đạt 2.833 tỷ đồng; Nguồn kinh phí được cơ quan nhà nước cấp là 1.275 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn thu quảng cáo của các Đài ước tính sụt giảm 40 - 50%. Trong khi đó, ngân sách nhà nước cũng giảm. Các Đài PTTH đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước để thông tin kịp thời, toàn diện, trong đó tập trung và tuyên truyền kịp thời về dịch bệnh Covid-19 cũng như các nỗ lực trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ
Tuy nhiên, chính trong khó khăn này nhiều Đài PTTH đã chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, mang sản phẩn phẩm truyền hình chất lượng tới gần công chúng hơn. Tại Đài PT-TH Nghệ An, đơn vị này đã xác định chuyển đổi số là giải pháp duy nhất cho sự phát triển bền vững của Đài PTTH cấp tỉnh. Đài đã tập trung ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của mình, làm thay đổi các quy trình, hoạt động của Đài.
Như mô hình quản trị khép kín quá trình từ tổ chức sản xuất đến phát sóng các chương trình PTTH trên nền tảng số, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng theo tiêu chuẩn số hoá; Việc ứng dụng công nghệ số để quản lý nội dung các đề tài tránh trùng lặp, đánh giá đúng và sát nhu cầu của người xem…
Nhờ ứng dụng các công nghệ mới, hiện nay hệ thống các nền tảng số của Đài PTTH Nghệ An đã có: Trang TTĐT truyenhinhnghean.vn, 2 Youtube truyenhinhnghean, NgheanTV, mỗi tháng thu hút hơn 5 triệu lượt xem và 10.000 lượt đăng ký; 2 Fanpage truyenhinhnghean, NgheanTV; 01 Tiktok; 01 APP NTVgo; 01 ứng dụng NTVgo...
Theo nhà báo Trần Minh Ngọc, Giám đốc đài Nghệ An, chuyển đổi số là giải pháp duy nhất cho sự phát triển bền vững của Đài PTTH cấp tỉnh: "Chúng tôi tập trung thay đổi nhận thức trong sản xuất phân phối nội dung chuyển sang các nền tảng số; có lực lượng để sản xuất các nội dung riêng trên các nền tảng số”.
Tương tự tại Đài PT-TH Lào Cai, việc chuyển đổi sang cơ chế đặt hàng được khi Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quyết tâm thực hiện, điều này giúp Đài vượt qua những khó khăn trong quá trình chuyển đổi. Từ 01/01/2021 Đài đã thành lập, duy trì được hoạt động hàng ngày của Hội đồng biên tập, điều phối mọi thông tin trên các kênh phát thanh, truyền hình và hạ tầng thông tin điện tử, mô hình toà soạn hội tụ, tận dụng tối đa tài nguyên thông tin để tạo hiệu ứng truyền thông đồng bộ hơn.
Trong 2 năm 2020, 2021, Đài đã tổ chức được 12 khóa bồi dưỡng kỹ năng, kỹ năng nâng cao cho hơn 200 lượt phóng viên, biên tập viên, quay phim và anh chị em làm công tác kỹ thuật. Điều này góp phần nâng cao chất lượng hình ảnh mỗi tác phẩm truyền hình.
Nhà báo Nguyễn Thị Hải Anh, Giám đốc Đài PTTH Lào Cai chia sẻ: "Đời sống của người lao động sau khi chuyển sang đặt hàng tuyên truyền cũng được nâng lên, thu nhập ngoài lương như nhuận bút, thù lao, thu nhập tăng lên so với năm 2017. Sau khi đặt hàng, được quyền chủ động áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí, nhất là hoạt động của Hội đồng biên tập hướng tới mô hình toà soạn hội tụ, chênh lệch thu chi có thể đạt tới 20% tổng giá trị đặt hàng và dịch vụ thông tin tuyên truyền. Cùng với nguồn thu từ kinh doanh dịch vụ khác, đây là cơ sở để cải thiện thu nhập cho người lao động”.
Nói kết quả hoạt động của các Đài PTTH trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng cần phải có nhiều thay đổi hơn, tập trung vào 3 vấn đề lớn nhất gồm phát triển nội dung, quản lý kinh tế và tập trung nguồn lực để ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.
"Kinh tế và nội dung luôn song hành với nhau. Việc chuyển đổi từ giao nhiệm vụ chuyển sang đặt hàng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các Đài hoạt động khi được tự chủ kinh phí để thu hút nhân tài cũng như chủ động trong các hoạt động khác. Ngược lại, khi các Đài PTTH đã có cơ chế tài chính theo hướng đặt hàng thì sẽ giải quyết được vấn đề nội dung. Do đó, các Đài PTTH xác định định hướng lớn là quản lý tốt nội dung, tiếp tục thực hiện tuyên truyền các hoạt động của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã định hướng đặc biệt là phòng chống dịch trong điều kiện thích ứng an toàn; khôi phục và phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Các tin khác
Chương trình đã thu hút hơn 100 nhà báo là các biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại phía Nam tham dự.
Chiều 29/11, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Lễ ra mắt nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin. Nền tảng sách, báo quốc gia có tên miền là sachdientu.vn và ebook.gov.vn.
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.