Đại lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tác nghiệp với niềm vinh dự và tự hào!
- Cập nhật: Thứ hai, 6/5/2024 | 10:44:50 AM
Trong không khí nhớ về những ngày hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ, các nhà báo, phóng viên đã có mặt tại Điện Biên để gặp gỡ những nhân vật lịch sử, lắng nghe những câu chuyện ý nghĩa; thông tin kịp thời, nhanh chóng những sự kiện, chương trình đặc sắc chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Báo Nhà báo & Công luận ghi lại những chia sẻ của các đồng nghiệp đang tác nghiệp nơi đây.
Nhà báo Lê Đức Anh và cộng sự tại Điện Biên những ngày tháng 5 lịch sử.
|
Nhà báo Nguyễn Phong Sơn - Báo Công an nhân dân:
Vinh dự, tự hào được tác nghiệp tại chiến trường xưa của ông nội
Đại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại của đất nước, có ý nghĩa lịch sử, chính trị rất lớn với quân và dân Việt Nam. Là một phóng viên ảnh được có cơ hội tác nghiệp tại sự kiện lớn như vậy, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào và đặc biệt hơn là tôi được trở lại chiến trường xưa của ông nội mình.
Xét trên khía cạnh chuyên môn báo chí thì đây là một cơ hội, cũng là một sự thử thách độ nhạy bén chính trị của một phóng viên để có được thông tin hay, khai thác và cho ra đời một tác phẩm báo chí đúng với định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Thử thách sự nhanh nhạy của phóng viên trong quá trình tác nghiệp, với đặc thù là phóng viên ảnh phải đến tận nơi, tận mắt chứng kiến và từ đó cho ra một tác phẩm báo chí.
Trong các ngày qua, hàng loạt các hãng truyền thông, tờ báo lớn, chuyên gia quốc tế đã có nhiều bài viết về chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, trong đó khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam mà còn làm thay đổi cục diện thế giới, đồng thời cho rằng, thắng lợi đó được bắt nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ của những người phóng viên như tôi là đưa đến những hình ảnh chân thực nhất, mang nhiều thông điệp ý nghĩa vẻ vang nhất về chiến thắng lẫy lừng này. Vào ngày tổng duyệt và ngày lễ chính 7/5 thì phóng viên ảnh, phóng viên truyền hình phải có mặt sớm nhất có thể để có được vị trí tốt. Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lần này chắc chắn sẽ có hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước tới đưa tin nên việc có cho mình một vị trí tốt là rất quan trọng.
Ở lần tác nghiệp này, nhà báo, phóng viên được tạo điều kiện cấp thẻ, điều kiện tác nghiệp tốt nhất có thể. Song, với một sự kiện lớn như vậy sẽ không tránh khỏi có những điểm sai sót nhỏ nhưng không ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi có mặt tại Điện Biên lần này đều xác định tinh thần hết mình vì công việc, đảm bảo tuyên truyền cho sự kiện đúng, hay và đẹp. Đây không chỉ là tuyên truyền cho một sự kiện lớn của đất nước mà cũng là cơ hội để báo chí trung ương, các địa phương tới tìm hiểu, tuyên truyền cho tỉnh Điện Biên.
Ấn tượng nhất đối với tôi từ khi đến Điện Biên vào ngày 2/5 là không khí rạo rực, tự hào được lan toả ở khắp nơi, đặc biệt là tình cảm ấm áp của quân dân Điện Biên suốt những ngày qua.
Nhà báo Lê Văn Viết Niệm - Báo Nông thôn ngày nay/điện tử Dân Việt
Trong lớp ký ức của những cựu binh nơi đây còn vẹn nguyên những năm tháng chiến đấu đầy tự hào
Tôi là phóng viên duy nhất của báo điện tử Dân Việt đi từ Hà Nội lên Điện Biên tác nghiệp trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bắt chuyến xe giường nằm với 13 tiếng đồng hồ di chuyển và rất nhiều trang thiết bị tác nghiệp, niềm háo hức được tác nghiệp tại mảnh đất lịch sử anh hùng khiến cảm xúc trong tôi vừa hồi hộp nhưng cũng đầy tự hào.
Ấn tượng lớn nhất khi đặt chân đến Điện Biên hoà mình vào hàng loạt các sự kiện tại đây là tình quân dân thắm thiết, nồng nàn. Để động viên, hỗ trợ các lực lượng diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều gia đình đã chủ động chuẩn bị các loại nước uống, hoa quả phục vụ miễn phí và giao lưu văn nghệ cùng các chiến sĩ lúc giải lao.
Để tuyên truyền cho sự kiện mang tầm vóc lịch sử lớn lao này, báo điện tử Dân Việt đã mở một chuyên mục mang tên "70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” để thông tin các sự kiện một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất. Đến nay chuyên mục này đã được cập nhật khoảng 40 tin, bài viết và video. Bên cạnh đó, tại chuyên mục này còn có những bài viết về các nhân vật lịch sử, những anh hùng tham gia trận chiến "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!”
Tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện cùng cụ Vũ Đình Bình (SN 1936). Cụ từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó ít lâu, cụ lại xung phong lên Lai Châu làm đường. Nửa đời người còn lại cụ làm cán bộ và cống hiến xây dựng vùng phên dậu phía Tây của Tổ quốc.
Hôm chúng tôi đến thăm, cụ Bình vừa đi khám bệnh về. Năm nay đã sắp bước sang tuổi 90, nhưng nom cụ còn khỏe và minh mẫn. Biết có khách đến chơi, vợ chồng cụ ra tận cửa đón chúng tôi như những người con đi làm ăn xa về. Người cựu binh già với mái tóc đã điểm bạc, nhưng tinh thần còn minh mẫn. Cụ vẫn trực tiếp pha trà mời khách. Khi đã yên vị, tôi mới để ý xung quanh phòng khách, cụ treo nhiều ảnh gia đình. Trong đó có những bức ảnh chụp từ thời kháng chiến chống Pháp. Mỗi bức ảnh trên tường là một câu chuyện đầy thú vị về những năm tháng sống và chiến đấu, bảo vệ xây dựng quê hương Điện Biên.
Sau bao sóng gió, điều đọng lại ở người chiến sĩ Điện Biên năm xưa là niềm tự hào khôn xiết. Cụ là một trong những người lính hiếm hoi có tới 3 lần trở lại Điện Biên. Tham gia chiến đấu rồi tham gia làm thanh niên xung phong, và lần thứ ba là đón cả gia đình lên đây để xây dựng quê hương Điện Biên anh hùng.
Sức khoẻ là yếu tố quan trọng nhất cho một phóng viên đa phương tiện tác nghiệp trong lịch trình dày đặc, các sự kiện nối tiếp nhau, mỗi ngày có khoảng 3-4 sự kiện lớn nhỏ, ngoài ra còn các bài viết bên lề, video và phóng sự ảnh. Tôi cần thức dậy vào 3h sáng và làm việc đến đêm để đảm bảo dòng thông tin được cập nhật nhanh chóng, xuyên suốt.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp công việc sao cho logic, nắm bắt những nội dung chính, quan trọng là điều vô cùng cần thiết, để tránh bị quá tải, cũng như bỏ lọt thông tin. Trang thiết bị tác nghiệp cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, luôn phải có phương án phòng bị cho những trường hợp xấu nhất.
Nhà báo Lê Đức Anh - Báo Pháp luật Việt Nam:
Đèo Pha Đin vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng
Đây là lần thứ hai tôi trở lại Điện Biên trong không khí hào hùng của dân tộc hướng tới Đại lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi cùng các cộng sự lựa chọn tự lái xe lên Điện Biên để cảm nhận sâu sắc nhất những đổi thay của vùng đất lịch sử anh hùng này. Bên cạnh công việc của một phóng viên tác nghiệp về những sự kiện, chương trình, diễu binh được tổ chức với quy mô lớn, chất lượng, hùng tráng, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng về sự đổi thay ở nơi đây.
Đặc biệt, trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại đèo Pha Đin huyền thoại. Đây là tuyến đường huyết mạch, chứng kiến hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã vượt bao gian khổ, hiểm nguy để vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm... phục vụ cho chiến trường và làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây đèo Pha Đin vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng và đã được công nhận là Di tích Quốc gia. Con đường dẫn qua đèo đã được xây mới, giúp việc đi lại thuận lợi hơn, cuộc sống mới bên đèo cũng đang ngày một đổi thay. Hiện khu du lịch Pha Đin lấy vị trí Di tích lịch sử Quốc gia đèo Pha Đin làm trung tâm tạo thành quần thể Khu du lịch Pha Đin, đã và đang trở thành điểm đến thăm quan hấp dẫn của Nhân dân và du khách trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Có thể nói, đối với mỗi người Việt Nam, khi nhắc đến địa danh đèo Pha Đin là nói đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày nay, đèo đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn tại tỉnh Điện Biên và Sơn La, được mệnh danh là "Tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc, mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách và người dân khắp mọi miền đến thăm quan và ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc.
Trong lần tác nghiệp này, Bộ Công an, Bộ TT&TT và UBND tỉnh Điện Biên đã tạo điều kiện hết sức nhiệt tình để các phóng viên, nhà báo được tác nghiệp thuận lợi, có hiệu quả, mang đến những hình ảnh, bài viết chất lượng nhất, hào hùng nhất gửi tới khán thính giả. Diện mạo Điện Biên nay đã thay da đổi thịt, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, khang trang, hiện đại hơn rất nhiều, nhưng có một điều không hề thay đổi là tấm lòng của bà con nơi đây, tấm lòng hiếu khách nồng nàn, tình cảm đồng bào đồng chí thấm đượm, giúp chúng tôi có thêm động lực tác nghiệp miệt mài trong tiết trời nắng nóng gió Lào này.
Các tin khác
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại là sự kiện cấp quốc gia diễn ra hằng năm, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 với mục đích ghi nhận, tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đối ngoại, đã góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới.
Chiều 2/12, tại Hà Nội, Cuộc họp Tổng kết Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, năm 2024 diễn ra nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác tổ chức Cuộc thi.
Chương trình đã thu hút hơn 100 nhà báo là các biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại phía Nam tham dự.
Chiều 29/11, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Lễ ra mắt nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin. Nền tảng sách, báo quốc gia có tên miền là sachdientu.vn và ebook.gov.vn.