Báo chí và công nghệ - Sự gắn kết tạo nên sức bật mới cho sự phát triển
- Cập nhật: Chủ nhật, 8/12/2024 | 11:12:06 AM
Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 (Ban Chỉ đạo của Chính phủ) đã ký ban hành Kế hoạch 141 sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, sự gắn kết giữa báo chí và công nghệ chính là động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiệu quả trong công tác truyền thông, góp phần xây dựng một hệ sinh thái truyền thông mạnh mẽ và bền vững.
|
Trong bài toán công nghệ, chúng ta không tiến ắt sẽ lùi
Theo kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Khoa học và Công nghệ được xác định sẽ hợp nhất thành một bộ mới. Bộ này sẽ đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo đánh giá, việc gắn kết các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và báo chí trong một bộ quản lý nhà nước thống nhất sẽ tạo ra nhiều tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của báo chí, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Theo các chuyên gia, trước hết, điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào báo chí. Việc kết hợp công nghệ sẽ giúp báo chí nhanh chóng chuyển đổi số, từ quy trình sản xuất nội dung đến cách thức tiếp cận độc giả. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây sẽ hỗ trợ phân tích hành vi người đọc, tối ưu hoá nội dung và cải thiện trải nghiệm người dùng.
Với công nghệ song hành, báo chí cũng sẽ được tiếp cận trực tiếp những công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện để thử nghiệm các hình thức mới như báo chí đa phương tiện (multimedia), thực tế ảo (VR) hoặc tương tác trực tuyến.
Việc kết hợp quản lý báo chí với công nghệ còn giúp xây dựng hệ thống kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn, hạn chế thông tin sai lệch (fake news) và bảo vệ quyền lợi của công chúng.
Riêng với phát thanh và truyền hình - những hình thức báo chí truyền thống – cũng không thể tách rời hạ tầng số. Hệ thống cáp quang, vệ tinh, tần số vô tuyến điện và internet chính là nền tảng để phát triển mạnh mẽ các loại hình này. Việc quản lý và phát triển phát thanh, truyền hình đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.
Chia sẻ ở góc độ truyền hình, ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc VTV Digital, cho biết VTV là đơn vị sản xuất nội dung và phân phối trên tivi truyền thống nhưng phải chuyển sang phân phối nội dung trên đa nền tảng. VTV đưa ra mô hình Total VTV để phân phối nội dung với đa nền tảng.
Ông Chiến cho rằng hệ sinh thái phải được xây dựng trên hạ tầng công nghệ điện toán đám mây tập trung, duy nhất và thống nhất thì mới có thể kinh doanh được. VTV đưa ra khái niệm kinh doanh mới là kinh doanh dịch vụ nội dung mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Vì vậy, việc tổ chức của VTV cũng phải thay đổi để phù hợp với mô hình số.
Đồng quan điểm đó, ông Trần Tiến Duẩn – Tổng biên tập báo Vietnamplus cho rằng, trong bài toán công nghệ, chúng ta không tiến ắt sẽ lùi, sẽ lạc hậu. Điều quan trọng nhất là dám thay đổi, khuyến khích được phóng viên, biên tập viên cùng thay đổi, đóng góp ý kiến, cùng xây dựng và thúc đẩy tờ báo phát triển hơn. Hơn thế nữa, thời điểm hiện tại, báo chí Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo nên động lực và là đòn bẩy cho những ý tưởng sáng tạo tiếp tục được chắp cánh.
Có thể nói, để phát triển, các cơ quan báo chí ở Việt Nam không có cách nào khác là phải xác định đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược. Bài toán đặt ra là làm sao để bắt kịp được sự phát triển công nghệ trong làm báo tiên tiến trên thế giới, làm sao để đi tắt đón đầu. Đòi hỏi mỗi một cơ quan báo chí phải đa năng, sẽ không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ sản xuất tin bài, đó còn là một toà soạn của công nghệ, của những sáng tạo nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Đôi cánh công nghệ số và báo chí - truyền thông
Sự kết hợp giữa báo chí sáng tạo với công nghệ số mang thêm nhiều trải nghiệm mới tới công chúng, góp phần giúp báo chí giữ được "trận địa” thông tin. Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Ngành TT&TT tạo thành một đôi cánh: Một cánh là công nghệ số, một cánh là báo chí và truyền thông. Đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa dựa trên sức mạnh nội lực về vật chất và tinh thần.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, báo chí – truyền thông, ngoài vai trò tạo ra niềm tin, khát vọng, khơi dậy tinh thần nội lực dân tộc, góp phần tạo nên thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia thì tự thân cũng là một đối tượng phải tiến hành quá trình chuyển đổi số của chính mình.
Cũng giống như công cuộc chuyển đổi số ở tất cả ngành nghề khác, công cuộc chuyển đổi số ngành báo chí - truyền thông không đơn giản là đưa lên mạng Internet một cách thuần vật lý, mà phải thể hiện ở cả các hoạt động mang tính đồng bộ, cả chiều sâu lẫn bề rộng.
Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Quan trọng là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh...nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí; tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới.
Giữ vững chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng
Hiện nay, tất cả các cơ quan báo chí cơ bản đã hoạt động trong môi trường số. Quá trình quản lý, giám sát tuân thủ pháp luật đối với báo chí phụ thuộc lớn vào hạ tầng và công nghệ số. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các nền tảng phân tích dữ liệu giúp báo chí không chỉ nắm bắt xu hướng thông tin mà còn định hướng dư luận, đấu tranh chống lại thông tin xấu độc và giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.
Trong thời đại số, mỗi người dân đều có thể trở thành một nhà báo thông qua mạng xã hội và các nền tảng truyền thông trực tuyến. Điều này mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn đối với việc quản lý truyền thông. Các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube hay Tiktok với hàng triệu người dùng tại Việt Nam, nếu không được kiểm soát tốt có thể trở thành mối nguy hại cho an ninh thông tin và an toàn chế độ chính trị của đất nước.
Do vậy, sự gắn kết giữa các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và báo chí đang trở thành một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng và sự phát triển không ngừng của môi trường truyền thông số. Việc hợp nhất quản lý giữa các lĩnh vực này không chỉ tối ưu hoá nguồn lực mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để báo chí và truyền thông phát triển, đồng thời bảo vệ chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ vào kiểm duyệt nội dung trên báo chí và mạng xã hội có thể giảm thiểu việc duy trì bộ máy kiểm duyệt cồng kềnh nếu sử dụng con người. Lấy ví dụ từ các nền tảng lớn như Facebook, khối lượng nội dung được đăng tải mỗi ngày lớn gấp hàng triệu lần so với một tờ báo, nhưng số lượng nhân sự tham gia kiểm duyệt lại rất khiêm tốn.
Tương tự, Tiktok cũng dựa vào các thuật toán và công nghệ trí tuệ nhân tạo để kiểm soát nội dung thay vì sử dụng lực lượng lớn nhân sự. Điều này cho thấy, nếu biết tận dụng sức mạnh của công nghệ, việc kiểm duyệt không chỉ trở nên hiệu quả hơn mà còn tiết kiệm nguồn lực đáng kể.
Có thể thấy, hạ tầng số chính là chìa khoá để quản lý hiệu quả không gian mạng. Thực tế đã chứng minh, nhờ sự quản lý chặt chẽ đối với hạ tầng số như mạng viễn thông và internet, các nền tảng lớn đã tuân thủ pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ thông tin xấu độc và thực hiện đóng thuế đầy đủ theo quy định.
Nhìn chung, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của hạ tầng và công nghệ số. Chính vì vậy, nếu tách các lĩnh vực hạ tầng số, chuyển đổi số khỏi truyền thông số sẽ làm hạn chế, suy giảm hiệu quả quản lý thông tin trên không gian mạng, có thể ảnh hưởng đến việc giữ vững chủ quyền thông tin quốc gia trên không gian mạng; đồng thời hạn chế sự phát triển và hiệu quả hoạt động của báo chí, truyền thông.
Các tin khác
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT vừa công bố phát hành ‘Sách trắng lĩnh vực PTTH&TTĐT năm 2024’.
Chiều 25/12, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức lễ tổng kết, trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa Liềm Vàng) lần thứ 11 và Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024 trong Công an nhân dân.
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Báo Thế giới và Việt Nam phối hợp Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền tổ chức hội thảo khoa học “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024), thảo luận những giải pháp, cách thức để thúc đẩy công tác truyền thông đối ngoại về quyền con người trong bối cảnh hiện nay.
Vào thời điểm này các tổ chức Đảng trong cả nước đã và đang triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ở địa phương, nhiều cơ quan báo Đảng đã và đang đồng hành, linh hoạt với các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đại hội Đảng các cấp…