Theo thống kê, trong năm 2022 số người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 997.470 người (tăng 3,55% so cùng kỳ năm 2021). Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thực trạng nêu trên cho thấy, đã đến lúc phải có các giải pháp căn cơ trong việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội để giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần...
Thực trạng đáng lo ngại
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, giai đoạn từ năm 2016-2022, cơ quan bảo hiểm xã hội tại các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong đó số người quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng).
Theo đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tuy nhiên có thể tập trung một số nguyên nhân chủ yếu, như: Ða số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Hầu hết lao động trẻ có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ sự thiếu liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến chưa thực hiện tốt việc duy trì việc làm cho người lao động (hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề để chuyển đổi nghề nghiệp). Và một số quy định, chính sách còn chưa thật phù hợp, hấp dẫn người lao động...
Trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận: "Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó bảo đảm an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó bảo đảm tính bền vững".
Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần ở nước ta còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này chưa được thực hiện hiệu quả. Vì vậy, theo Bộ trưởng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.
Sửa đổi căn bản những vướng mắc
Tại phiên họp thẩm định dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, qua hơn bảy năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách theo nguyên tắc đóng-hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, dự án Luật Bảo hiểm xã hội lần này sẽ sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; hướng tới hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Ðể giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hiện nay cũng đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất: giữ nguyên quy định hiện hành "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".
Phương án thứ hai: quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu. Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đồng tình với việc sửa đổi theo phương án hai của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đồng thời đề xuất điều chỉnh phương án hai theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng. Cụ thể, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu. Thời gian bảo lưu này không được tính cho lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần tiếp theo, trừ trường hợp quy định tại một số điểm.
Bên cạnh việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có các giải pháp căn cơ khác nhằm hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Ðó là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thật sự là công cụ hiệu quả hơn.
Cần tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật, tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia bảo hiểm xã hội nói riêng .
NT- Theo Báo Nhân Dân