Nhà báo Lục Hương Thu:Nữ phóng viên "xông xáo" miền biên viễn
- Cập nhật: Thứ năm, 22/2/2024 | 5:00:38 PM
“Tôi vẫn thấy mình là phóng viên mới toanh cần được trải nghiệm, học hỏi nhiều” là chia sẻ của nhà báo Lục Hương Thu - phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Lào Cai.
Nhà báo Lục Hương Thu phỏng vấn chiến sĩ biên phòng tại khu vực mốc giới số 100 (2) cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tháng 1/2024.
|
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì chị và ekip vội vã lên đường tác nghiệp ở một vụ cháy rừng nhưng chúng tôi đã kịp nghe lại ít nhiều trải nghiệm thú vị, đặc biệt hơn cả là những trải nghiệm khi tác nghiệp trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về của chị… Với chị, những con người được gặp, những câu chuyện được kể, được nghe luôn thôi thúc mọi hành trình của người làm nghề và đều giúp những tác phẩm báo chí trở nên sinh động, thẫm đẫm hơi thở cuộc sống…
Tác nghiệp nơi đầu nguồn biên ải
Nhà báo Lục Hương Thu chia sẻ: Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch sôi động với cộng đồng 25 dân tộc mang đậm nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc. Với những người làm báo ở "nơi con Sông Hồng chảy về đất Việt” cũng có rất nhiều những kỉ niệm đáng nhớ… Năm nào cũng vậy, không khí những ngày Tết ở Lào Cai luôn rộn ràng ngay khi bà con vùng cao chuẩn bị lên rừng hái lá dong gói bánh, mổ trâu, lợn để làm các món ăn truyền thống; các cơ quan chức năng trao quà, chăm lo Tết cho người nghèo... Đây cũng là thời điểm bận rộn nhất năm của các phóng viên thường trú tại Lào Cai khi nỗ lực phản ánh đầy đủ và toàn diện bức tranh đón Tết của đồng bào vùng cao. Đặc biệt, được cùng lực lượng biên phòng tổ chức Tết sớm cho đồng bào biên giới luôn là những ấn tượng khó quên đối với tôi.
Những chuyến tác nghiệp mới đây, tôi được may mắn theo chân các chiến sĩ biên phòng đến với chương trình "Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” tại các xã biên giới của các huyện Bát Xát, Mường Khương và Si Ma Cai. Điều dễ nhận thấy trong những chuyến đi này là chương trình đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân nơi biên thùy; quan tâm, động viên kịp thời đồng bào các dân tộc tiếp tục chung sức đồng lòng xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Được gần hơn với người dân, với bà con dân bản nên tôi luôn trân trọng từng cơ hội được tiếp cận và cố gắng làm sao để quan sát thật kỹ những chi tiết hay, vừa để nhìn ngắm những gì đẹp đẽ nhất của con người nơi đây, vừa là khai thác được thật nhiều thông tin quý phục vụ cho bài viết của mình. Còn nhớ, trong chương trình "Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” năm 2022 tổ chức tại xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, tôi đặc biệt chú ý một chị người Mông còn trẻ, với nét mặt hân hoan. Chị vừa lắc lư, đung đưa ru con ngủ vừa chăm chú theo dõi chương trình văn nghệ trên sân khấu. Khi thấy tôi bắt chuyện, với vốn tiếng Kinh lơ lớ, chị Thào Thị Mỷ cười ngại ngùng, cố ngoái lại sau lưng có cô con gái Lù Thị Dỉ, 3 tuổi đang ngồi trong địu, nói với tôi: "Cho nó ngồi trong địu để ấm hơn và dễ ngủ. Tôi muốn con đến đây xem văn nghệ cho vui. Vui nhất là hai mẹ con sẽ được nhận quà Tết dành cho hộ nghèo”.
Đầu tháng 1/2024, trong chương trình "Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” tổ chức tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, trong số các học sinh đến nhận học bổng của chương trình có một em nhỏ khá trầm tính và ít nói. Mọi người cho biết đó là em Trần Bảo Nam, lớp 9, trường Trung học cơ sở thị trấn Bát Xát cùng mẹ xuống tham dự chương trình. Bố của Nam là liệt sĩ Trần Văn Duẩn, nguyên là cán bộ Đồn biên phòng A Mú Sung, đã anh dũng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ năm 2011. Từ khi bố hy sinh, Nam được Đồn biên phòng A Mú Sung nhận đỡ đầu trong chương trình "Nâng bước em đến trường”. Nam chia sẻ: "Các chú, các bác trong đơn vị thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên gia đình. Nhận quà Tết và học bổng trong chương trình, cháu sẽ cố gắng rèn luyện, học tập tốt, tiếp bước cha, trở thành người có ích”…
Còn với các chiến sĩ biên phòng, nếu hỏi về chuyện ăn Tết tại các cửa khẩu, đồn biên phòng Lào Cai, câu trả lời quen thuộc mà phóng viên nhận được là: "Chúng tôi quen với việc luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không thể năm nào cũng được đón Tết ở nhà”. Với các cán bộ, chiến sĩ, trực và đón Tết tại đơn vị là niềm tự hào vì được góp một phần công sức chung vào mùa xuân lớn của đất nước.
Thiếu tá Nguyễn Trọng Tuấn quê ở Hải Dương, công tác ở Lào Cai đã hơn 20 năm cho biết: Gia đình là chỗ dựa vững chắc để bản thân anh yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Anh kể với tôi rằng, lựa chọn nghề này là anh luôn xác định tư tưởng nếu được phân công ở lại trực Tết sẽ nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó, chăm lo cho nhân dân biên giới một cái Tết vui vẻ, an toàn.
Vừa chuyển công tác từ miền Nam ra Lào Cai, Tết Giáp Thìn là cái Tết đầu tiên Thượng úy Nguyễn Minh Hiếu đón ở đơn vị mới. Anh bộc bạch rằng, chuẩn bị đón Tết tại đơn vị mới, mọi thứ với anh còn quá nhiều bỡ ngỡ. Nhưng được sự giúp đỡ của cấp trên và đồng đội, anh cảm thấy rất yên tâm và sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bài báo của mình có giúp được cho người khác không?
"Bài báo của mình có thay đổi được điều gì không và có giúp đỡ được cho người khác không?”- Đó là hai câu hỏi và cũng là mục tiêu trong nghề báo của nhà báo Lục Hương Thu.
Chị tâm sự: Là nữ phóng viên rất vất vả, nhất là những khi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, hay trong môi trường khắc nghiệt, thời gian hạn chế. Rất may mắn tôi được gia đình chia sẻ và hỗ trợ tối đa để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù đã gắn bó với nghề được 16 năm, tôi vẫn thấy mình là phóng viên "mới toanh” cần được trải nghiệm, học hỏi nhiều hơn nữa. Nghề báo đã cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người với những hoàn cảnh khác nhau và hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống. Đó là những vốn quý mà tôi nghĩ mình may mắn đã có được.
Là phóng viên thường trú nhưng cũng là người địa phương nên năm nào tôi cũng được phân công trực Tết vào đêm Giao thừa và ngày đầu tiên của năm mới. Trong những ngày này, tôi không chỉ lo quán xuyến việc nhà, cùng gia đình sắm Tết, trang hoàng nhà cửa như những gia đình khác mà còn thường xuyên giữ liên lạc, kết nối với các đơn vị có liên quan để nắm bắt tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông... trên địa bàn. Năm nào cũng được phân công thực hiện bài ghi nhanh không khí đón Giao thừa, ngay chiều 30 Tết, tôi đã chủ động sắp xếp mọi công việc từ sớm, chuẩn bị bữa cơm tất niên, mâm cơm cúng, sau đó tranh thủ ra đường làm nhiệm vụ và kịp thời xử lý thông tin, gửi sản phẩm về Tổng xã trước giờ quy định.
Làm việc trong dịp Tết, giáp Tết, sau Tết đều là những ngày tác nghiệp sôi động, nhất là khi được tác nghiệp tại các lễ hội Xuân của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Lào Cai có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ được tổ chức trong tháng Giêng. Mỗi lễ hội là một lát cắt văn hóa thể hiện bản sắc riêng của từng dân tộc. Được sống, được hòa mình vào dòng chảy ấy và thể hiện chúng trên các tác phẩm báo chí chính là động lực để tôi cống hiến, đam mê với nghề…
Các tin khác
Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.
Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.