Nhà báo Trần Thu Đông và ký ức phóng viên chiến trường năm ấy

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/8/2024 | 1:21:11 PM

Trong hồi ký của mình, nhà báo Trần Thu Đông, viết: “Tôi không rõ trên thế giới này có phóng viên mặt trận nào như chúng tôi? Chúng tôi ra trận chủ yếu là cây viết cộng với cái đầu và lòng dũng cảm, ngoài ra chẳng có dụng cụ, máy móc gì trợ giúp”.

Nhà báo Trần Thu Đông (1944-2024).
Nhà báo Trần Thu Đông (1944-2024).

Nhà báo Trần Thu Đông từng là phóng viên chiến trường thuộc Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá (B43) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông làm công tác quản lý nhiều cơ quan báo chí ở tỉnh An Giang, sau đó giữ chức Giám đốc Sở Thể dục Thể thao An Giang, trước khi nghỉ hưu ông là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam…

Chúng tôi thuộc thế hệ làm báo đàn em, đàn cháu của nhà báo Trần Thu Đông, thường gọi ông bằng những "cái tên” thân mật "anh Tám Đông”, "chú Tám Đông”, "bác Tám Đông”.

Tuổi thơ bên dòng Xà No

Nhà báo Trần Thu Đông, sinh năm 1944 trong một gia đình nông dân tương đối khá giả, có đến gần 100 công ruộng ở kênh Mười Hai Ngàn thuộc quận Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá nay là xã Vị Thanh, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang.

Anh Tám Đông, kể lại trong Hồi ký của mình, khi Nhật đảo chính Pháp, người dân quê anh trắng tay, phải tản cư về vùng miệt thứ kiếm sống, chủ yếu là vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Riêng gia đình nhà báo Trần Thu Đông trôi dạt về Kênh Năm thuộc vùng Chắc Băng, huyện Vĩnh Thuận với hai bàn tay trắng, "Cậu (gọi cha là Cậu) đào đất, cuốc mướn. Má ươm tơ, dệt lụa cho hàng xóm lấy tiền mua gạo sống đắp đổi qua ngày”. Đến năm 1952, làng quê anh Tám được giải phóng, người chú của anh xuống Kênh Năm đưa cả gia đình anh rời Chắc Băng (Vĩnh Thuận) trở về xứ sở, được chính quyền cách mạng cấp đất sinh sống.

Chưa được 10 tuổi đầu, Trần Thu Đông tận mắt chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh trên quê hương. Căm hờn giặc sâu sắc, ước mơ cháy bỏng của chàng thanh niên 16 tuổi Trần Thu Đông cương quyết phải đi bộ đội, "nhất là bộ đội chủ lực tăng cường cho miền Đông như anh Tường, anh Nghiêu trong xóm, hoặc ít ra cũng như thằng Chút, thằng Giáo, bạn tôi. Tôi thổ lộ ý định này với Cậu má và các anh chị nhưng cả nhà không ai đồng ý”. Tất cả chỉ vì gia đình lo lắng cho anh tuổi còn nhỏ, không biết có tham gia chiến đấu được hay không!

Ước mơ vào bộ đội không thành, vào du kích xã cũng không xong là nỗi thất vọng vô cùng của chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết Trần Thu Đông. Không từ bỏ ước mơ, hoài bão của tuổi thanh xuân, Trần Thu Đông nhờ anh Bí thư Chi đoàn xin dùm cậu má cho theo làm cách mạng, cuối cùng gia đình chấp nhận cho anh làm du kích ấp tại quê nhà. Vào Đội du kích ấp kênh Mười Hai Ngàn không bao lâu, Trần Thu Đông cùng anh em dũng cảm tham gia nhiều trận đánh diệt đồn địch, ngăn chặn tàu Mỹ chở gạch đá từ Vị Thanh về kênh Mười Hai Ngàn xây đồn ở làng quê mình. Sau này, nhà báo Trần Thu Đông, hào hứng kể lại: "không chỉ bao vây đồn bót, chúng tôi còn bắn cả tàu chiến địch”.

Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, chàng trai trẻ Trần Thu Đông được các chú, các anh cùng quê ở Mười Hai Ngàn đưa về căn cứ cách mạng U Minh Thượng, thoát ly gia đình đi kháng chiến. Công việc đầu tiên, Trần Thu Đông được đồng chí Lê Minh Huệ (Hai Huỳnh), Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Rạch Giá phân công là làm cán bộ Nhà in Hồ Văn Tẩu, cơ quan đóng ngay trong vùng căn cứ U Minh Thượng.

Vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu

Đầu năm 1966, giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, Trần Thu Đông được lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh Rạch Giá điều sang công tác mới tại Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá với mật danh B43. Về đơn vị mới, bỡ ngỡ với công việc mới, "tôi vừa mừng, vừa lo…, mừng vì được toại nguyện trở thành nhà báo,…lo vì chưa học nghiệp vụ…” – Nhà báo Trần Thu Đông kể.

Sau thời gian ngắn, anh cán bộ trẻ Trần Thu Đông cùng Trương Thanh Nhã được đơn vị cử đi học Lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí do Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ mở tại xã Nguyễn Phích, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau trong căn cứ U Minh Hạ. Lớp học do nhà báo Nguyễn Thuỵ Nga (1925-2018), phu nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn trực tiếp giảng dạy, bà là nữ nhà báo từng được đào tạo đại học báo chí tại Trung Quốc, từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo Đảng, chính quyền và quản lý báo chí tại các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, An Giang, TPHCM…Trước khi nghỉ hưu, nhà báo Nguyễn Thuỵ Nga là Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng – cơ quan ngôn luận của Thành uỷ TPHCM.

Kể từ sau lớp học nghiệp vụ báo chí ở U Minh Hạ do Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ mở, Trần Thu Đông thật sự trở thành phóng viên chiến trường tại Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá (B43), một cái nghề mà ông từng đam mê và cho rằng, được làm báo là "toại nguyện”.

Với sức trẻ dẻo dai, yêu nghề, đam mê, nhiệt huyết của tuổi thanh xuân thế hệ Hồ Chí Minh, được đào tạo về chính trị, nghiệp vụ làm báo cách mạng, suốt những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, dường như không nơi nào thiếu vắng bước chân của nhà báo trẻ, phóng viên chiến trường Trần Thu Đông.

Những tác phẩm báo chí thời chiến của nhà báo Trần Thu Đông đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh Rạch Giá, và góp phần quan trọng trong nhiệm vụ tuyên truyền của Ban Tuyên huấn tỉnh Rạch Giá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những bài tường thuật về trận đánh 76 ngày đêm ở Ba Hòn – Hòn Đất hay Trận phục kích đánh đồn Thuỷ Liễu, huyện Gò Quao năm 1967 với chiến thắng vang dội của quân và dân tỉnh Rạch Giá kịp thời đăng tải, phát sóng trên các ấn phẩm của Thông tấn xã Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc in ấn trên báo Chiến Thắng – Cơ quan ngôn luận của Tỉnh uỷ Rạch Giá.

nha bao tran thu dong va ky uc phong vien chien truong nam ay hinh 2Các đại biểu dự sinh nhật lần thứ 80 của nhà báo Trần Thu Đông tại thành phố Rạch Giá.


Cho đến bây giờ, nhà báo Trương Thanh Nhã vẫn còn giữ nhiều ấn phẩm của báo Chiến Thắng, trong đó có nhiều tác phẩm báo chí của tác giả Trần Thu Đông và các phóng viên chiến trường ở B43, như: nhà báo Trương Thái Hoà, nhà báo Lê Trắc, nhà báo Thái Đông Thắng, nhà báo Phạm Xuân Yên, nhà báo Trương Thanh Nhã, nhà báo Lê Nam Thắng, nhà báo Ngô Hoàng Vân…Đó là những đồng nghiệp thân thương mà nhà báo Trần Thu Đông không thể nào quên, khi có ai nhắc đến.

Làm báo, đặc biệt là phóng viên chiến trường ai cũng biết dẫu rằng, đó là một nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý, nhưng cũng vô cùng vất vả, cam go, nguy hiểm, và có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Khi vấn thân vào nghề giữa cuộc chiến tàn khốc, nhà báo trẻ Trần Thu Đông luôn mang năng trong mình tình yêu quê hương, đất nước, hoài bão, ước mơ, khát vọng cháy bỏng của chàng trai trẻ.

Nhà báo Trương Thanh Nhã, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang, từng chia sẻ "làm báo hồi đó không có lương, nhưng bom đạn thì chia đều cho anh em”. Trong hồi ký của mình, nhà báo Trần Thu Đông, từng viết: "Tôi không rõ trên thế giới này có phóng viên mặt trận nào như chúng tôi? Chúng tôi ra trận chủ yếu là cây viết cộng với cái đầu và lòng dũng cảm, ngoài ra chẳng có dụng cụ, máy móc gì trợ giúp”.

Thời kháng chiến, làm báo thiếu thốn đủ thứ, không phải ai cũng có máy ảnh riêng, máy ảnh chủ yếu do cơ quan giao mỗi khi đi tác nghiệp, còn phim chụp ảnh thì khan hiếm vô cùng nên phóng viên nào cũng phải tiết kiệm phim. Nhà báo Trần Thu Đông, kể: "Máy ảnh không có tê lê hiện đại như ngày nay. Vì vậy, phải dùng mắt thường…để quan sát và cái đầu…để nhớ! Còn chụp ảnh? Phải để địch đến thật gần hoặc truy kích chúng thật sát mới bấm máy”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà báo Trần Thu Đông từng làm công tác quản lý tại các cơ quan báo chí tỉnh An Giang, sau đó giữ chức Giám đốc Sở Thể dục Thể thao tỉnh An Giang trong nhiều năm, và trước khi nghỉ hưu ông là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Tiệc sinh nhật cuối cùng

Cách đây hơn một năm, sau Tết nguyên đán Quý Mão 2023 vài ngày, nhà báo Lê Nam Thắng gọi điện cho tôi "ngày mai, có anh Tám Đông về Rạch Giá chúc Tết anh em đã từng một thời làm báo ở Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá (B43), năm đó anh Tám Đông vừa bước sang tuổi 80”.

Các đồng chí Thường trực Hội Nhà báo tỉnh có nhà báo Lê Thành Phương (Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh) và tôi cùng nhà báo Lê Nam Thắng tổ chức tiệc sinh nhật đơn sơ, ấm áp tại nhà hàng Năm Nhỏ, thành phố Rạch Giá để "bí mật” chúc mừng nhà báo Trần Thu Đông tròn 80 tuổi. Buổi tiệc có đông đủ các đồng nghiệp của anh, như: Nhà báo Phạm Xuân Yên, nhà báo Trương Thanh Nhã, nhà báo Trương Văn Nhu, nhà báo Nguyễn Thanh Hà, nhà báo Ngô Hoàng Vân, nhà báo Lê Nam Thắng…

Trong buổi tiệc hôm ấy, nhà báo Trần Thu Đông xúc động và bất ngờ, cảm ơn Hội Nhà báo tỉnh, các đồng nghiệp và anh em thế hệ đi sau đã có sự quan tâm đến mình bằng tình cảm ấm áp, thân thương. Chia tay Kiên Giang đầy xúc động, luyến lưu, Anh Tám còn hứa, khi có dịp sẽ trở lại thăm hỏi anh em, đồng nghiệp, nhưng giờ anh không thể thực hiện được. Và lần sinh nhật đó là lần cuối cùng các anh em, đồng nghiệp Kiên Giang không thể gặp lại anh Tám nữa.

Vào lúc 20 giờ ngày 23/8/2024, nhà báo Trương Thanh Nhã gọi điện cho tôi, báo tin nhà báo Trần Thu Đông đã từ trần lúc 17 giờ 44 phút, ngày 23/8/2024, nhằm ngày 20 tháng 7 năm Giáp Thìn, hưởng thọ 81 tuổi.


 
Theo Báo NB&CL

Các tin khác
Tác giả Trần Việt Hoàng đang là học viên Trường Sĩ quan Chính trị.

Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Nhà báo Lý Văn Sáu (thứ 4 từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo Báo Khánh Hòa trong một lần đến thăm tòa soạn. (Ảnh tư liệu)

Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ cảm xúc về 3 cuốn sách.

Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Các bạn trẻ thích thú với những ấn phẩm báo xưa. Ảnh: Lê Tâm

Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự