Nhà báo Lý Văn Sáu với những bài học về nghề còn nguyên giá trị

  • Cập nhật: Chủ nhật, 3/11/2024 | 10:34:19 PM

Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.

Nhà báo Lý Văn Sáu (thứ 4 từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo Báo Khánh Hòa trong một lần đến thăm tòa soạn. (Ảnh tư liệu)
Nhà báo Lý Văn Sáu (thứ 4 từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo Báo Khánh Hòa trong một lần đến thăm tòa soạn. (Ảnh tư liệu)

Nơi bắt đầu sự nghiệp làm báo của nhà báo Lý Văn Sáu

Suốt cuộc đời làm báo, nhà báo Lý Văn Sáu đã có nhiều cống hiến trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, thông tin đối ngoại và xây dựng ngành phát thanh truyền hình Thông tấn, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên mặt trận chính trị ngoại giao. Những hoạt động báo chí của ông đã phục vụ có hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Trung tuần tháng 4/1946, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội nghị mở rộng ở thôn Đại Điền Đông (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) và đưa ra nghị quyết về việc xuất bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh, lấy tên là Báo Thắng. Tên gọi tờ báo thể hiện quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, khí thế cách mạng của quân và dân Khánh Hòa lúc bấy giờ.

Sau một năm chuẩn bị, ngày 26/4/1947, Báo Thắng đã ra số đầu tiên tại chiến khu Hòn Dữ (huyện Khánh Vĩnh). Buổi đầu, đội ngũ làm Báo Thắng chỉ có 5 người: Ông Nguyễn Minh Vỹ - nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Khánh Hòa, Chủ nhiệm Báo Thắng; ông Lý Văn Sáu - chịu trách nhiệm nội dung và được xem là chủ bút của Báo Thắng.

Với vai trò phụ trách nội dung cho tờ Báo Thắng, ông Lý Văn Sáu đã bước những bước đầu tiên trên con đường trở thành một nhà báo lớn của đất nước. Những ngày đầu làm Báo Thắng, nhà báo Lý Văn Sáu thu thập thông tin từ đài phát thanh tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và từ báo cáo của các địa phương để viết bài, đưa tin. Đồng thời, ông cũng là người trực tiếp biên tập tin, bài của những người khác.

Ngay sau khi tờ Báo Thắng ra đời đã nhận được sự yêu mến, đón nhận và bảo vệ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Sự động viên về tinh thần và cả vật chất của người dân từ thành thị đến nông thôn đã cổ vũ những người làm Báo Thắng để hết số báo này đến số báo khác.

Từ Báo Thắng năm xưa đã hòa mình vào dòng chảy lịch sử đấu tranh kháng chiến, giành độc lập dân tộc do Tỉnh ủy lãnh đạo. Tờ báo đã mang tiếng nói của Đảng, các chủ trương chỉ đạo kháng chiến của Tỉnh ủy, các bài viết động viên tinh thần yêu nước, yêu quê hương, căm thù quân giặc… tất cả cho kháng chiến thắng lợi.

Nhà báo Cung Phú Quốc, Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa khẳng định: "Qua những câu chuyện về buổi đầu làm Báo Thắng của nhà báo Lý Văn Sáu và những người cùng thời kỳ đó, các thế hệ làm Báo Khánh Hòa luôn khắc ghi và kế tục truyền thống vượt khó, yêu nghề, mong muốn phát triển tờ báo để phục vụ công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước".

nha bao ly van sau voi nhung bai hoc ve nghe con nguyen gia tri hinh 2Nhà báo Cung Phú Quốc - Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm chuyên đề "Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt”. Ảnh: Sơn Hải

Đã hơn 77 năm, trôi qua người làm báo Khánh Hòa hôm nay vẫn luôn tự hào về một truyền thống cách mạng tờ báo của mình, trong suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ phóng viên hôm nay được hun đúc nên từ suốt chiều dài lịch sử hào hùng của tờ báo Thắng trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trải qua biết bao giai đoạn khó khăn ác liệt, nhưng kẻ thù vẫn không thể xóa sổ được tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa. Để hôm nay báo Khánh Hòa trở thành một trong số rất ít những tờ báo Đảng ra đời sớm nhất của nền báo chí cách mạng.

Xây dựng chuẩn mực nghề báo

Năm 1949, Liên Khu V giao cho nhà báo Lý Văn Sáu trực tiếp biên tập, giúp Giám đốc Nguyễn Văn Nguyễn điều hành Đài Tiếng nói Miền Nam (Bí danh Ban Tây Sơn). Đài Tiếng nói Nam bộ phát bằng tiếng Việt, một thời gian sau phát thêm tiếng Pháp, tiếng Anh. Chương trình của Đài có cả thời sự, chủ yếu là tin chiến sự, tình hình trong nước, thế giới, truyền đạt các chỉ thị của Chính phủ và phần bình luận giúp nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, kêu gọi tinh thần ái quốc, đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Từ thành công trong công tác tuyên truyền, trong giai đoạn năm 1968 – 1973, ông được lựa chọn là người phát ngôn của Mặt trận rồi Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri. Tháng 9/1973 là Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, văn hóa của Ban Miền Nam (Ban Thống nhất).

nha bao ly van sau voi nhung bai hoc ve nghe con nguyen gia tri hinh 3Các đại biểu xem tư liệu, hình ảnh về nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu. Ảnh: Sơn Hải

Tháng 5/1975, nhà báo Lý Văn Sáu được giao làm Phó Giám đốc thứ nhất Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Tháng 7/1977-1986 là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương 1977-1980; Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam 1980-1985.

Nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: Trong suốt quá trình làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Lý Văn Sáu thường xuyên gặp gỡ những người làm báo trẻ, thanh niên. Ông có những bài nói chuyện thú vị về nghề báo. Trong đó nhấn mạnh đến việc người làm báo phải biết nhìn xa trông rộng. Người làm báo hạnh phúc nhất là được sống và làm việc trong sự kiện, trong thời khắc lịch sử. Tắm mình ở trong đó và phản ánh một cách trung thực, vì chính điều đó tạo nên linh hồn của tác phẩm.

"Nhà báo Lý Văn Sáu luôn chia sẻ với người làm báo trẻ, khi làm một bài viết, một mẩu tin người làm báo phải phát hiện thêm chi tiết mới, cái mới đó dù rất nhỏ nhưng cũng cần phát hiện ra, nếu không sẽ chỉ là người thường. Làm phát thanh truyền hình phải hoạt khẩu, nói chuyện, chia sẻ, trao đổi cần khúc triết và ngắn gọn. Để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ” ông Trần Đức Nuôi nhớ lại.

Trong mỗi giai đoạn khác nhau, nhà báo Lý Văn Sáu đều biết cách vận dụng cách làm báo từ lịch sử truyền thống cha ông để lại, đồng thời ông cũng ứng dụng hiệu quả cách làm báo hiện đại để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đưa tiếng nói Việt Nam ra thế giới.

Nhà báo Trần Đức Nuôi tâm sự: Tôi rất nhớ lời nhà báo Lý Văn Sáu nói "Làm báo phải biết tích lũy tư liệu, lưu giữ tài liệu mình thu thập được và biết cách khai thác nó”. Suốt hành trình của mình tôi nhận thấy, nhà báo Lý Văn Sáu là người tích lũy khá nhiều kiến thức, đọc viết khá nhiều và ông có một bộ nhớ tài tình. Tôi học cách học ngoại ngữ của ông, từ đó tôi nhận thấy người làm báo cần biết ít nhất một ngoại ngữ, biết một ngoại ngữ mới là chân trời mở rộng ra, tiếp thu được nhiều thông tin hơn.

nha bao ly van sau voi nhung bai hoc ve nghe con nguyen gia tri hinh 4Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng thân nhân của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu. Ảnh: N.Tâm

Có thể nói, trong suốt cuộc đời Lý Văn Sáu là cuộc đời của một nhà báo - chiến sĩ, nhà ngoại giao cách mạng. Mỗi bước đường, mỗi giai đoạn sự nghiệp của ông đều gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của báo chí, với lịch sử nước nhà. Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, nhà báo Lý Văn Sáu thực sự trở thành một trong những nhà báo tiêu biểu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo Báo NB&CL

Các tin khác
Tác giả Trần Việt Hoàng đang là học viên Trường Sĩ quan Chính trị.

Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ cảm xúc về 3 cuốn sách.

Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Các bạn trẻ thích thú với những ấn phẩm báo xưa. Ảnh: Lê Tâm

Khởi đầu với 9 tấn báo giấy từ thời ông cha để lại, đến nay kho sưu tầm của ông Nguyễn Phi Dũng đã lên đến 25 tấn báo in, tương đương 500 nghìn tờ báo. Không chỉ tiếp bước con đường thế hệ trước để lại, ông còn luôn mong muốn thế hệ trẻ sau này hiểu hơn về giá trị của báo chí trong dòng chảy lịch sử.

Nhà báo Trần Thu Đông (1944-2024).

Trong hồi ký của mình, nhà báo Trần Thu Đông, viết: “Tôi không rõ trên thế giới này có phóng viên mặt trận nào như chúng tôi? Chúng tôi ra trận chủ yếu là cây viết cộng với cái đầu và lòng dũng cảm, ngoài ra chẳng có dụng cụ, máy móc gì trợ giúp”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự