Thơ của một người lính trẻ
- Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2024 | 6:29:22 PM
Tác giả Trần Việt Hoàng (sinh năm 2002), học viên Trường Sĩ quan chính trị là một cây bút trẻ đầy tiềm năng của lực lượng quân đội. Mới đây, anh vừa cho ra mắt tập thơ "Ngày chưa sương vội" với những dấu ấn về mỹ cảm, tư duy của một thế hệ mới, vừa kế thừa truyền thống vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Tác giả Trần Việt Hoàng đang là học viên Trường Sĩ quan Chính trị.
|
Tập thơ "Ngày chưa sương vội" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) có dung lượng 53 bài với tổng số 144 trang, được kết cấu thành bốn phần, gồm: "Gầy rạc thác lên ánh trăng", "Tự họa", "Chứng nhận cho nhiều trắc ẩn" và "Còn cỏ sắc thì thầm". Mỗi phần như mở ra một cánh cửa với nhiều khoảnh khắc vụt hiện mà lắng đọng suy tư của tâm hồn người lính trẻ tinh tế, đa cảm, có chiều sâu.
Tập thơ "Ngày chưa sương vội" của tác giả Trần Việt Hoàng. |
Chia sẻ về nhan đề hơi hướng ẩn dụ, gợi mở, Trần Việt Hoàng cho rằng, đây là sự lựa chọn phù hợp với anh. Tác phẩm chứa đựng lòng biết ơn của anh về những ký ức đẹp đẽ mà có lẽ, dầu đi hết cuộc đời này anh cũng sẽ không bao giờ quên.
Tác giả Trần Việt Hoàng quê ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang là học viên năm cuối lớp CT26D (Đại đội 26, Tiểu đoàn 9, Trường Sĩ quan chính trị). Khi là học sinh lớp 12 đã đoạt giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn.
Cũng trong những năm tháng còn là học sinh phổ thông, tác giả từng khắc khoải ước mơ trở thành một giáo viên dạy Ngữ văn, và cho đến bây giờ, đôi khi ước mơ vẫn khắc khoải, thắp lên những ngân rung trong cảm xúc. Giờ đây, là một học viên được đào tạo trong quân ngũ, anh tiếp tục vững bước trên hành trình mới với những khát vọng mới.
Thơ Trần Việt Hoàng đầy trắc ẩn trước những biến động của đời sống. |
Như bao con người "chân ướt, chân ráo" trước ngưỡng cửa tương lai, ở tuổi đôi mươi, tác giả trẻ cũng đã trải qua những ngày tháng khó khăn; ngơ ngác và thao thức trước cuộc sống đầy biến động. Được tôi luyện trong môi trường đặc biệt, đặc thù cùng đam mê văn chương, niềm tin và hy vọng đã mở ra với Trần Việt Hoàng.
Bộc bạch về con đường sáng tạo, người lính trẻ bày tỏ: "Với tôi, đó là một hành trình hết sức đặc biệt. Người ta vẫn thường hay nói đó là một sự cô đơn. Đúng vậy, thơ là con đường cô đơn đúng nghĩa, nhưng sự cô đơn ấy không phải là tia sáng trắng dẫn đến sự đơn độc tẻ nhạt lạnh căm mà trái lại là tia sáng màu dẫn đến thế giới của sự an ủi kết nối thành thực".
Với người lính trẻ, bật ra được những điều sâu thẳm, những trở trăn sâu kín, những cảm giác mơ hồ mông lung hay trong sự lặng im trắc ẩn là niềm hạnh phúc không dễ bề diễn tả. "Chữ nghĩa với yêu cầu khắt khe, tự thân nó luôn đặt ra những đòi hỏi cao đối với người sáng tạo. Đã nhiều lần, tôi có ý nghĩ dừng lại hành trình này bởi những áp lực khi chưa tìm ra lối thoát. May mắn vẫn đến khi tôi đã không nguôi suy nghĩ, xúc cảm, lắng nghe, đọc và tự vấn rất nhiều để tiếp tục. Quả thực, càng viết, thơ ca càng đem lại cho tôi những cảm xúc ý nghĩa", Trần Việt Hoàng chia sẻ.
Ra mắt một tập thơ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học là nỗ lực của người lính trẻ, cũng thể hiện niềm khát khao, trân trọng của anh với văn chương. Tập thơ như một thực chứng, một "dấu lửa", của một khoảng thời gian sắp sửa trôi qua… của người lính trẻ.
Có rất nhiều câu thơ khiến người đọc rung động: "vội vã làm chi/ tiếng chuông vọng mòn đỉnh núi/ cây sống cuộc đời vắng lá/ di chỉ chân ai để lại những cảm thương/ sương ở đây không vỡ vào ban mai/ nên long lanh cũng biết cúi đầu…"
Khoảnh khắc đẹp của tuổi thanh xuân người lính. |
Tác giả lưu giữ nhiều khắc khoải với quê hương: "bầu trời vừa chớm đã vội vã cuối năm/ cơn mưa phùn trắng xóa/ ướt áo ai phiêu bạt tháng năm dài/ sấp ngửa là những lần thao thức quê hương"; "người đoái nhìn cố hương bằng ánh mắt/ nặng trĩu niềm thương/ sâu hoắm những đường cày đất bở/ đất tươm tất như hoa bung nở/ chờ những hạt mầm/ đâm vào đất/ để ngô biếc khoai xanh/ dáng mẹ cha thành nét khắc của một bức tranh..."; "ngực cây ấm vườn nhà/ tiếng chiều gọi dậy những bỏ quên/ nhìn mẹ nỗi mắt biếc xanh/ nghĩ về cha mồ hôi thêm trở mặn".
Ngay cả khi viết về phố, ta vẫn gặp ở đó nhịp chầm chậm, lắng sâu như vệt gió kéo dài từ chốn quê nhà: "bầu trời ngoài kia bao dung/ điều chưa trọn khiến người tin gió phố/ đôi chân thức dậy sau tiếng gọi di trú/ nơi gốc cây còn lại/ vết thương hóa thành trầm"; "cơn mưa thành phố/ bóng cây đổ không thể nào phủ che/ nét vẽ thanh thoát mỏng manh gò má/ nước mắt đổ lên ngọn chì/ người thiếu nữ nhìn tôi âu lo chiều xa lạ".
Riêng thơ viết cho núi rừng, biên ải, Trần Việt Hoàng cùng lúc thể hiện được sự vạm vỡ và đa cảm tạo nên sự lôi cuốn đến ám ảnh: "đất mở lòng cất/ một dáng sông xanh/ một vạt áo chàm ngày hội/ một mặt người nhìn vào thăm thẳm dòng trôi/ đêm mệt nhoài sóng nước/ khói núi mang giấc đồng bằng/ trăng khuya sót lại/ mảnh khuyết đắp mùa thu"; "ngút ngàn tầng xanh/ nhặt cành cây mủi/ cúi đầu trước tấm lòng đơn sơ/ nương nắng xa mờ/ ai canh những chiếc bóng vừa đổ".
Tôi không biết hành trình "gieo trồng" đầy chầm chậm của mình sẽ đi được đến đâu, nhưng tôi mãi tin về giấc mơ mà thơ ca mang lại… Quan trọng là ta luôn cần biết thắp và giữ lửa lòng mình. Thơ ở một góc độ nào đó cũng như lửa vậy!
Tác giả Trần Việt Hoàng
Là một người lính, bên cạnh việc không ngừng học tập, rèn luyện; thực hiện nghĩa vụ với quân đội... Trần Việt Hoàng luôn đau đáu trách nhiệm của bản thân mình trước quá khứ cha ông.
Anh chia sẻ: "Văn học nghệ thuật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc "khơi cho ta những tình cảm mà ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm mà ta sẵn có". Trong đó, phải nhắc đến một phẩm tính ấy chính là lòng biết ơn quá khứ, lối sống ân nghĩa, thủy chung. Chính vì vậy, nền văn học nghệ thuật cần quan tâm đến mảng đề tài về tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc".
Tác giả trẻ có nhiều bài thơ xúc động về lịch sử dân tộc. Bài "Viết ở Đồng Lộc" mang đến niềm xúc động nghẹn ngào: 'lược giờ chải tóc những ngọn núi/ mười ngôi mộ bồ kết rưng rưng/ con đường giấu tàn tích vào trong/ nắng Đồng Lộc hong ấm hồi ức/ cỏ thao thức bên miệng hố bom/ những non xanh lặng lẽ/ chiến trường còn những mặt gương/ phản chiếu giấc mơ/ người cựu binh nhìn nắng trở mình..."
Môi trường quân ngũ trở thành nguồn cảm hứng dạt dào của tác giả. |
"Đêm thao trường" lại chính là tự sự của người lính trẻ trong bối cảnh đời sống hôm nay: "đêm ở thao trường/ sương tự tình trên vai người chiến sĩ/ phiên gác tràn trăng/ mặt đất mọc những nỗi niềm xám bạc/ đài chỉ huy sừng sững/ còn sót một ngọn đèn/ hàng cây lặng im làm bóng đêm bình thản/ hoa đơn sắc hương muộn rưng rưng/ đêm không một ngọn lửa/ dấu đạn bắn diễn tập ngày qua còn cày ấm đất nâu/ người chiến sĩ chắc tay bồng súng/ ý nghĩ bay về phía bình minh...".
Là một người viết trẻ, một học viên năm cuối của Trường Sĩ quan Chính trị - trung tâm đào tạo ra những "sĩ quan tâm hồn" cho toàn quân, Trần Việt Hoàng nhận thức sâu sắc vai trò của văn học nghệ thuật, đặc biệt là các sáng tác viết về những mảng đề tài mang tính tri ân. Chính vì vậy, bên cạnh việc học tập, rèn luyện để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường; bên cạnh khao khát trong sáng với thơ ca, anh đã từng bước tìm hiểu, tích lũy và mạnh dạn thể nghiệm những sáng tác đầu tiên về các đề tài lớn.
Chùm thơ "Đêm thao trường" và "Ngày tưởng tượng" của Trần Việt Hoàng đã được trao giải thưởng Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là động lực quan trọng, tiếp thêm nhiệt huyết cho người lính trẻ tiếp tục đam mê với đề tài bằng trải nghiệm của chính mình.
Dù viết đề tài nào, thơ Trần Việt Hoàng dường như đều mang năng lượng của lửa ấm, chứa đựng sự bao dung, nhẫn nại và tin ở ngày mai, tin ở con người và trên hết là nguồn cội, như câu thơ anh viết "đỉnh lửa đã vời mà tàn tro vẫn ấm/ tiếng núi âm thầm lên ý nghĩ quê hương…"
Các tin khác
Mỗi tác phẩm ảnh về miền đất mộng mơ Đà Lạt, Lâm Đồng của nhà báo, nhiếp ảnh gia Võ Trang đều thể hiện những dòng suy tưởng, tư duy sáng tác và cảm hứng riêng biệt; bởi vậy, nó tự cất lên những phát ngôn hữu dụng và lan tỏa đến công chúng thưởng lãm những cảm xúc và sự rung cảm thẩm mỹ đặc biệt.
Đối với mỗi người làm báo theo lĩnh vực ảnh báo chí, để bắt trọn những khoảnh khắc chân thực nhất, họ phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó kinh nghiệm luôn là “ông thầy” quan trọng trong suốt hành trình. Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Thanh Hải (Trần Hải) – Báo Nhân Dân, người đã dành gần 40 năm sự nghiệp để tạo nên những khoảnh khắc báo chí đẹp nhất và cũng là một trong những “tay máy” gắn bó với giải ảnh “Khoảnh khắc Báo chí” của Báo Nhà báo & Công luận suốt nhiều năm qua.
Nhà báo Lý Văn Sáu không chỉ đóng góp cho sự ra đời của một trong những báo Đảng địa phương đầu tiên là Báo Thắng, xây dựng Đài Tiếng nói Nam bộ và Đài Tiếng nói Việt Nam… mà đến nay ông còn truyền đạt lại cách làm báo mang nhiều giá trị thực tiễn, phong phú.
Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Chương trình ra mắt ba cuốn sách "Chuyện của chúng mình", “Tình thơ đối đáp và những lời bình", "Gia đình ta thân yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung.