VTV5 kỷ niệm 20 năm phát sóng chương trình tiếng dân tộc
- Cập nhật: Thứ tư, 9/2/2022 | 2:01:00 PM
Năm 2022, Đài Truyền hình Việt Nam kỷ niệm tròn 20 năm ngày lên sóng chương trình truyền hình tiếng dân tộc đầu tiên, cũng tròn 20 năm, VTV5 trở thành người bạn gắn bó với khán giả và đồng bào dân tộc thiểu số.
Phóng viên VTV5 tác nghiệp tại hiện trường.
|
Sự ra đời kênh truyền hình tiếng dân tộc VTV5 gắn với việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam. Sau một thời gian phát thử nghiệm chương trình truyền hình tiếng dân tộc, ngày 10/2/2002, kênh VTV5 chính thức phát sóng chương trình đầu tiên. Sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số được xem các chương trình được thiết kế riêng bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình trên sóng truyền hình quốc gia.
Nhà báo Lê Tất Cứ, Nguyên Trưởng ban Truyền hình tiếng dân tộc cho biết: "Khi đó, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam gọi tôi lên trao đổi: Ở các Đài Phát thanh, truyền hình địa phương đang có tiếng dân tộc, chúng ta nên lưu tâm. Gợi mở đó đã thôi thúc chúng tôi nỗ lực để đến ngày 10/2/2002, chương trình đầu tiên chính thức lên sóng VTV. Sau đó 3 tuần, khi đi công tác ở Tây Nguyên, tôi được gặp gỡ đồng bào tại đây. Bà con rất phấn khởi khi từ nay được xem hình ảnh của mình, tiếng nói của mình trên sóng đài trung ương, cả nước xem được, chứ không chỉ riêng ở địa phương như trước nữa”.
Từ những bước đi ban đầu còn bỡ ngỡ, khó khăn, xây dựng một kênh sóng đặc thù riêng biệt, những người làm truyền hình tiếng dân tộc đã từng bước khẳng định được bản lĩnh, sức sáng tạo và niềm đam mê, tâm huyết trong việc sản xuất các chương trình phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, khán giả cả nước nói chung.
Buổi đầu thành lập, Ban Truyền hình Tiếng dân tộc chỉ có quân số vài chục người, phát sóng trên kênh VTV5 với thời lượng 6 giờ mỗi ngày bằng 14 thứ tiếng dân tộc. Đến nay, Ban Truyền hình Tiếng dân tộc có khoảng 180 nhân sự tại trụ sở chính (Hà Nội) và các văn phòng đại diện (Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ), đảm nhận nhiệm vụ sản xuất, biên tập và phát sóng 24 giờ/ngày/kênh 3 kênh độc lập gồm: Kênh VTV5 quốc gia phát sóng toàn quốc; VTV5 Tây Nam Bộ phủ sóng khu vực Tây Nam Bộ (lên sóng ngày 1/1/2016) , VTV5 Tây Nguyên phủ sóng khu vực Tây Nguyên (lên sóng ngày 17/10/2016).
Khán giả có thể theo dõi VTV5 với 26 thứ tiếng (bao gồm cả tiếng Kinh) trên các nền tảng khác nhau (truyền hình truyền thống, ứng dụng VTVgo, website VTV5, kênh Youtube, Fage VTV5 trên Facebook...)
Sau 6 năm chuyên biệt chỉ phát các chương trình tiếng dân tộc phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2008, Ban Truyền hình Tiếng dân tộc bắt đầu cho lên sóng chương trình tiếng phổ thông đầu tiên, đó là bản tin Thời sự… Đây là bước đà cho những người làm truyền hình tiếng dân tộc tiếp tục làm đa dạng và phong phú kênh sóng thông qua việc mở rộng các mũ chương trình phát sóng như: tin tức, chuyên mục (chính luận, văn hóa-văn nghệ), phim tài liệu, phóng sự, ký sự, chương trình thiếu nhi, phim, tiểu phẩm, tiếp sóng trực tiếp các chương trình thể thao, phát sóng trực tiếp các sự kiện chính trị-văn hóa-xã hội quan trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…. Các chương trình tiếng phổ thông được bố trí đan xen cùng với các chương trình chuyên biệt tiếng dân tộc thiểu số trên sóng, đã giúp cho các kênh sóng ngày càng có sức hút lớn với khán giả.
Bên cạnh hoạt động sản xuất chương trình và phát sóng, Ban truyền hình Tiếng dân tộc được giao thực hiện các dự án quan trọng: "Tăng cường năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc”, "Phủ sóng truyền hình vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”; "Nâng cao năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc”.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, người lao động của VTV5 trong suốt 20 năm qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: "VTV5 đã gắn bó sâu sắc với bà con các dân tộc thiểu số, cùng với các báo, đài địa phương truyền tải nhiều chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các kiến thức, khoa học kỹ thuật… đến với bà con các dân tộc qua nhiều thời kỳ. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng để góp phần cho bà con các dân tộc thiểu số tin tưởng theo Đảng và phấn đấu vươn lên xóa đói giảm nghèo để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.