Nhà báo Dương Út- Báo Đồng Tháp: “Điều quan trọng là phải chạm được vào trái tim độc giả”
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2020 | 11:25:02 AM
Nhà báo Dương Út - Báo Đồng Tháp đã chia sẻ như thế với PV khi anh vừa giành Giải Nhất Cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 do Báo Quân đội nhân dân tổ chức với tác phẩm
Nhà báo Dương Út - Báo Đồng Tháp đã chia sẻ như thế với PV khi anh vừa giành Giải Nhất Cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 do Báo Quân đội nhân dân tổ chức với tác phẩm: “Ông vua” lúa giống miền Tây.
Nhà báo Dương Út nhận giải Nhất Cuộc thi “Những tấm gương binh dị mà cao quý” lần thứ 10 (Ảnh: NVCC)
Vượt qua rất nhiều tác giả khác để được vinh danh ở giải cao nhất trong một cuộc thi uy tín và có truyền thống của Báo Quân đội nhân dân, hẳn đem đến cho anh nhiều cảm xúc?
Nhà báo Dương Út: Khi Ban tổ chức thông báo kết quả đoạt cao nhất, tôi rất vui mừng và cảm thấy thật vinh dự. Trong cuộc đời làm báo, ai cũng vậy, khi nhận được giải thưởng báo chí bao giờ cũng quý và đoạt giải cao càng quý hơn biết bao! Tôi thật sự bất ngờ khi lần đầu tiên tham gia giải báo chí cấp Trung ương và vượt qua hàng trăm tác giả khác để giành giải cao nhất của cuộc thi. Có thể đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian làm báo chưa đủ độ dài nên tôi còn thiếu kinh nghiệm lẫn kỹ năng. Kết quả này, sẽ là động lực đến tôi càng phấn đấu nhiều hơn nữa trong nghề làm báo.
Để có tác phẩm thành công và thuyết phục được Ban Giám khảo tại giải năm nay, chắc chắn anh đã đổ không ít công sức, thời gian?
Nhà báo Dương Út: Trước khi thực hiện tác phẩm: “Ông vua” lúa giống miền Tây, viết về nhân vật Trần Anh Dũng quê ở tỉnh Đồng Tháp, tôi phải vất vả chạy xe máy đến tận ruộng lúa để gặp nhân vật phỏng vấn. Vào một buổi trưa trời nắng gắt, tôi cùng ông Dũng đi ra tận ruộng lúa để nắm thực tế, ghi hình. Tiếp xúc với ông Dũng, tôi có một cảm giác nhân vật là người rất gần gũi, chân thật trong việc chia sẻ những kinh nghiệm làm nông nghiệp; chân thật trong việc cung cấp thông tin. Nhân vật cũng đã giúp tôi cung cấp đầy đủ tài liệu có liên quan về quá trình lai tạo thành công 5 loại giống lúa để viết bài trong một dòng chảy cảm xúc.
Ấn tượng của tôi đối với nhận vật Trần Anh Dũng là ông chia sẻ việc lai tạo giống rất hăng say, nắm rất sâu kỹ kinh nghiệm sản xuất giống lúa. Tôi đặc biệt ấn tượng về nhân vật ở chỗ rất cần cù, chịu khó, miệt mài, đam mê, sáng tạo, không nản lòng và có ý chí cầu tiến trong công việc và qua quá trình trò chuyện tôi đã học được nhân vật những đức tính quý báu đó.
Phóng sự là thể loại không dễ viết hay, thậm chí dễ rơi vào sự tẻ nhạt và nhất là chân dung người tốt việc tốt, nhưng anh đã thành công bằng cách nào?
Nhà báo Dương Út: Đúng vậy. Tác phẩm dự giải lần này, tôi lựa chọn đề tài, lựa chọn nhân vật điển hình, lựa chọn chi tiết “đắt”, cách thể hiện nội dung sáng tạo, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với thể loại báo chí... Sự đầu tư này, giúp tôi tự tin tham gia dự thi. Tôi nghĩ, viết phóng sự chân dung thấy vậy mà khó! Khó là vì lựa chọn nhân vật phải thật sự điển hình so với những nhân vật khác; viết phải diễn tả được nội tâm của nhân vật để làm cho người đọc cảm nhận được nhân vật là người thật, việc thật và chạm được vào trái tim độc giả. Theo tôi, đó là điều khó nhất khi thực hiện mảng đề tài này.
Có nhiều ý kiến cho rằng, báo chí viết về tấm gương người tốt việc tốt không được nhiều người quan tâm bằng những tác phẩm viết về vấn đề khác nhưng thực tế nó lại là một phần không thể thiếu được của báo chí cách mạng Việt Nam. Anh có nhận xét gì về điều này?
Nhà báo Dương Út: Trước hết, theo tôi người làm báo không nên phân biệt thể loại báo chí bởi mỗi thể loại báo chí điều có sức hấp dẫn của riêng nó, và hướng đến mục đích tuyên tuyền. Thực tế cho thấy, bài viết về gương người tốt, việc tốt không thể thiếu đối với các tòa soạn báo. Bởi vì, chính những tác phẩm báo chí ấy, mới có sức lan tỏa mạnh mẽ bằng gương người thật, việc thật trong đời sống xã hội.
Theo quan sát của tôi thì nhiều phóng viên chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn của xã hội, mà ít viết bài về gương người, tốt việc tốt. Một phần, có thể họ cho rằng nó bình thường, hoặc không đủ làm nên tên tuổi mình trên mặt báo. .
Nhà báo Dương Út (trái) và nhân vật Trần Anh Dũng (Ảnh: NVCC)
Như anh đã chia sẻ ở trên, lần đầu đi thi và “ẵm” luôn giải cao nhất, vậy chắc là anh phải có “bí quyết” nào đấy?
Nhà báo Dương Út: Theo tôi, để có thể đoạt được giải cao thì một trong những yếu tố quan trọng là người cầm bút phải luôn bám sát thực tế cuộc sống, bám sát cơ sở, chịu khó tìm tòi, phát hiện những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt rất bình dị trong cuộc sống hằng ngày ở quanh ta, để có chất liệu tốt cho tác phẩm báo chí có chất lượng.
Khi viết bài tham gia cuộc thi tôi đặt ra yêu cầu phải bám sát thể lệ cuộc thi, thể hiện nội dung trung thực, sáng tạo, có sức thuyết phục cao, để khắc họa rõ nét những phẩm chất tiêu biểu, nổi bật, những nét lấp lánh của nhân vật. Nhất là khi viết về gương người tốt, việc tốt thì phải tìm ra những chi tiết “đắt”, nổi bật của nhân vật, chứ không dừng lại ở phản ánh đơn thuần những việc làm tốt của họ.
Trong hoạt động nghiệp vụ báo chí nói chung, tham gia cuộc thi viết nói riêng, tôi luôn nhớ và thực hiện lời của cố nhà báo Hữu Thọ là: “Người làm báo phải luôn rèn luyện “bút sắc - lòng trong - tâm sáng”. Cùng với đó, cần không ngừng học hỏi ở các nhà báo lớp trước, ở đồng nghiệp và rèn luyện ngay trong thực tiễn làm báo và khi tham gia các cuộc thi viết.
Vâng, xin cám ơn anh./.
Đức Huy (thực hiện)/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo VN
Nhà báo Dương Út sinh năm 1987 tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Trước khi vào nghề báo, anh từng học ngành Sư phạm Ngữ văn và gần đây đã tốt nghiệp Thạc sĩ Ngôn ngữ học. Anh đã có 6 năm làm việc tại Báo Đồng Tháp qua các vị trí phóng viên Nội chính – Xây dựng Đảng, phóng viên Báo điện tử và hiện nay là phóng viên Bạn đọc – Nội chính. Anh đã cho ra mắt cuốn sách “Nhặt từng con chữ” thể loại Bút ký - Phóng sự của NXB Hội Nhà văn, năm 2019.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.