Nhà báo Phan Quang - mẫu mực về cuộc đời và nghề nghiệp
- Cập nhật: Thứ bảy, 23/1/2021 | 8:17:58 AM
Nhà báo Phan Quang (bên phải) cùng các nhà giáo, nhà báo lão thành. (Ảnh: VOV)
Trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, hiếm người có tuổi đời và tuổi nghề bền bỉ, sung sức, thông tuệ như nhà báo Phan Quang. Ở tuổi 92, ông vẫn viết và xuất bản sách mới, riêng trong năm 2020, đến thời điểm này đã là ba cuốn.
Biết đâu đến hết năm, chúng ta còn tiếp tục được đón nhận những tác phẩm mới của ông, bởi đời báo và đời văn của ông vô cùng phong phú, giàu có những chiêm nghiệm thú vị, sâu sắc về nghề nghiệp và cả những giá trị sử liệu tin cậy ông để lại.
Với nhà báo Phan Quang, chúng tôi thuộc lớp hậu sinh may mắn được là đồng nghiệp của ông tại Báo Nhân Dân, nơi ông gắn bó lâu dài nhất trong cuộc đời làm báo (28 năm). Ông đã đi từ một phóng viên đến người phụ trách các ban quan trọng: Nông nghiệp, Kinh tế, Xây dựng Đảng, Quản lý phóng viên thường trú… và trở thành Ủy viên Ban Biên tập. Ông đã để lại tấm gương lao động nghề nghiệp mẫu mực và rất đáng ngưỡng mộ cùng nhiều bài học cho người làm báo.
Quá trình tác nghiệp được ông tổng kết là “sự hòa quyện bốn khâu: Đọc - Đi - Nghĩ - Viết”. Đây là sự rèn luyện, có thể gọi là “tu luyện” cũng đúng, được coi là bắt buộc với người làm báo.
Người làm báo phải không ngừng trau dồi tri thức, vốn sống, trải nghiệm, sự độc lập suy nghĩ và miệt mài lao động sáng tạo. Nhà báo Phan Quang từng chia sẻ: “Tôi không thể nhớ mình đã viết được bao nhiêu bài báo, đã đến bao nhiêu vùng đất, đã gặp bao nhiêu đồng bào, đồng chí; chỉ nhớ nhờ nghề báo mà tình yêu con người, tình yêu cuộc sống của tôi giàu lên gấp bội”.
Cố nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cũng đánh giá: “Trong thời gian làm việc ở Báo Nhân Dân, Phan Quang là một trong mấy đồng chí đi nhiều nhất, viết nhiều nhất”. Bài học nghề nghiệp và tấm gương lao động chuyên nghiệp, nghiêm túc, được Phan Quang tổng kết ngắn gọn bằng bốn chữ kể trên, theo chúng tôi, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là với những người làm báo trẻ. Nó xứng đáng được đưa vào các giáo trình báo chí.
Các phóng viên ở Báo Nhân Dân thường dặn nhau câu “khẩu quyết”: viết bài phải “đúng, trúng, hay”. Có người nói vui, câu này nhắc người viết theo thứ tự ưu tiên đúng - trúng rồi mới đến hay. Sau này, đọc hồi ký của nhà báo Phan Quang ta mới biết, nó cần phải được hiểu chính xác, vì có xuất xứ từ một kỷ niệm của ông với Bác Hồ.
Mùng một Tết Bính Thân, Bác Hồ bất ngờ đến thăm Báo Nhân Dân, không lễ nghi, không báo trước đúng theo tác phong giản dị của Người. Nhà báo Phan Quang khi ấy còn là một phóng viên trẻ, được phân công trực Tết tại tòa soạn đã may mắn là người được đón Bác tới “xông đất”.
Bác Hồ đã chúc Phan Quang: “Chú là phóng viên, là nhà báo. Năm mới, Bác chúc chú viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc… Có nhiều người đọc, báo chí mới vận động được quần chúng làm tròn nhiệm vụ vì nước, vì dân”.
Lời dạy của nhà báo Hồ Chí Minh dành cho phóng viên Phan Quang thật ngắn gọn và sâu sắc. Đúng phải hay; hay phải đúng. Đúng, trúng, hay phải luôn hòa quyện với nhau, quấn quýt không rời. Phan Quang đã lấy đó làm định hướng nghề nghiệp trong suốt cuộc đời làm báo. Đến hôm nay, theo chúng tôi, đây cũng là bài học cho tất cả những người viết báo chúng ta.
Phan Quang còn rút ra một kinh nghiệm mà nhiều người viết báo lúng túng khi thể hiện văn bản một bài báo. Đó là, viết đúng chính trị, chủ trương, đúng mục đích, có văn hóa đã đành là đương nhiên, nhưng còn phải “bằng cách nào bài báo mình viết ra vẫn phải “cho tươi”. Hai chữ “cho tươi” (lời của đồng chí Trường-Chinh) thật sâu sắc mà hình như lâu nay nhiều người viết báo đã không mấy chú ý, để vẫn cho ra những bài viết rập khuôn, khô khan, thuần túy thông tấn.
Với Phan Quang, “cho tươi” có nghĩa là người viết phải đào sâu suy nghĩ, sáng tạo; bài báo phải mang dấu ấn cá nhân, tâm hồn, tình cảm, kiến văn của tác giả. Người viết báo không chỉ thuần miêu tả sự kiện, mà phải tìm ra chiều sâu của nó, diễn tả được “cái tâm trạng chủ đạo” (chữ của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh) của những nhân vật trong bài báo một cách sinh động, chân thành; phải chạm đến trái tim người đọc, chứ không phải là viết cho xong việc.
Và Phan Quang đã thực hiện việc này vô cùng xuất sắc. “Cho tươi” ở đây có thể hiểu ngắn gọn là bài báo ông viết luôn “có văn”. Mà những bài báo viết “có văn” thì sẽ không còn thuần thông tấn, sẽ không sợ bị lãng quên, bị chìm khuất khi tính thời sự qua đi; ngược lại, nó vẫn lưu giữ giá trị của thời cuộc, của cảm xúc, của chiều kích sự kiện mang dấu ấn cá nhân tác giả.
Nhiều người nhận xét, sở dĩ nhà báo Phan Quang viết “có văn” bởi ông cũng là một nhà văn đích thực. Nó đúng như cách ông quan niệm: báo chí và văn học là hai thể loại rạch ròi nhưng là con cùng một mẹ, trong văn có báo và trong báo có văn. “Tôi luôn phấn đấu, dù một bài báo nhỏ cũng phải có chất văn. Chất văn trong báo hiện lên khi tôi nghĩ, tôi viết, không chỉ ở những câu từ bóng bẩy, mà ngay trong vấn đề và cấu tứ, trong hình tượng và hình ảnh, trong sự liên tưởng từ quá khứ đến tương lai…; chất văn là những thủ pháp đồng hiện qua những đoạn văn trữ tình…; nó phải đến với số phận con người, góp phần giải quyết được các câu hỏi của con người”.
Quả vậy, những bài báo được ông tập hợp lại thành sách xuất bản sau hơn 40 năm mà vẫn hấp dẫn người đọc, ngoài giá trị tư liệu, chính là vì “chất văn” ấy.
Cả cuộc đời Phan Quang luôn thấy mình mắc nợ với văn chương. Bản thân ông từ nhỏ đã yêu văn chương và khao khát trở thành nhà văn. Thế rồi, cuộc sống và cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho ông đã khiến ông phải gác lại nghiệp văn để toàn tâm toàn ý cho nghiệp báo.
Tuy ông sáng tác không nhiều, tập hợp trong cuốn Tím ngát tuổi hai mươi (xuất bản đầu năm nay - 2020) chỉ vỏn vẹn có tám truyện ngắn và truyện vừa, khoảng hơn 200 trang sách, vậy mà người đọc vẫn thấy hiện lên một nhà văn Phan Quang tinh tế, khỏe khoắn và giàu nội lực.
Truyện của ông ăm ắp đời sống, bám rễ đời sống, hiểu biết tâm lý nhân vật sâu sắc. Đặc biệt, phải kể đến truyện ngắn “Lửa hồng” được coi là truyện đầu tay, Phan Quang viết xuất thần chỉ trong một đêm mà lấp lánh, bay bổng, lãng mạn như truyện của Pau-xtốp-xky, cũng là lấp lánh tài năng của tác giả khi ấy mới 20 tuổi. Tuy cuộc sống không có chữ “nếu”, nhưng nhiều người vẫn thấy rằng, nếu Phan Quang chuyên tâm theo nghiệp văn, chắc chắn văn học Việt Nam sẽ có một tác giả tầm cỡ với những tác phẩm đồ sộ ở dạng tiểu thuyết.
Những người làm báo chúng tôi luôn ngưỡng mộ và tự hào, kính trọng và biết ơn nhà báo Phan Quang với tư cách một đồng nghiệp tiền bối đã từng công tác dưới mái nhà chung Báo Nhân Dân, đã để lại nhiều bài học về nghề nghiệp, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Các tin khác
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.
Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.
Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.
Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.