Truyền thông 2020 và hành trình giữ vững giá trị cốt lõi

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/1/2021 | 8:18:32 AM

Có những đắng cay, có những tổn thương, nhưng Báo chí Cách mạng Việt Nam với sứ mệnh và bản lĩnh của mình, vẫn cứ tiến bước dù đó là hành trình đầy thử thách "để tìm lại những giá trị cốt lõi của mình và khẳng định vai trò của báo chí trong giai đoạn mới".

Năm 2020, báo chí Việt Nam đi trọn một hành trình 95 năm vẻ vang và bản lĩnh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra môi trường truyền thông mở, sự xuất hiện của các loại hình truyền thông mới tạo áp lực cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi báo chí cách mạng phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua thách thức, thích ứng với xu thế phát triển, khẳng định rõ vai trò trong thời kỳ mới. Thời cuộc đang thử thách đất nước, đồng thời thử thách cả đội ngũ những người làm báo khi mà nhiều vấn đề nội tại của các cơ quan báo chí đang bộc lộ cùng một lúc. Đâu đó vẫn còn những câu chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh” tạo nên những nỗi đắng cay trong làng báo. Đâu đó những mảng xám làm cho bức tranh toàn cảnh của truyền thông 2020 bớt đi những sắc màu tươi sáng. Có những đắng cay, có những tổn thương, nhưng Báo chí Cách mạng Việt Nam với sứ mệnh và bản lĩnh của mình, vẫn cứ tiến bước dù đó là hành trình đầy thử thách "để tìm lại những giá trị cốt lõi của mình và khẳng định vai trò của báo chí trong giai đoạn mới" - như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ với báo giới Việt Nam.

1. Còn nhớ, tháng 6/2020, trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và người làm báo cả nước nói chung, Thủ tướng lưu ý: “Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, làm báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam”. Sự lưu ý đó nhắc nhở về sứ mệnh, vai trò, vị trí của báo chí cách mạng nói chung trong mối liên hệ với xu hướng lan truyền thông tin “phi tin tức” cũng như sức ảnh hưởng, sự cạnh tranh từ mạng xã hội trong vấn đề thông tin, hình thành và dẫn dắt dư luận xã hội.

Phóng viên tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19.

“Giữ vững giá trị cốt lõi”, như người đứng đầu Chính phủ lưu ý, là giữ tính cách mạng và tính tiên phong, luôn đồng hành cùng dân tộc “phò chính trừ tà”, khẳng định vai trò là dòng chủ lưu tốt đẹp góp phần xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,  văn minh. Với người làm báo, giá trị cốt lõi của hoạt động báo chí là tư tưởng, nhận thức, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp. Có giữ được phẩm chất đạo đức thì mới có thể bảo vệ các giá trị tốt đẹp, trung thực, khách quan khi đưa tin, mới có thể giữ mình trước tiền tài, vật chất từ các nhóm lợi ích đen tối và qua đó, không đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, nhân dân...

2. Tại Việt Nam, có thể nói không ngoa ngôn rằng, Covid-19 đã là dịp để báo chí chính thống thể hiện vai trò “kênh truyền thông chủ lực, dẫn dắt thông tin, điều tiết mạng xã hội, định hướng dư luận”. Trong khó khăn bộn bề âu lo bởi gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, bởi những chao đảo chưa từng có của kinh tế báo chí, bởi những hiểm nguy khó lường khi tác nghiệp trong một đại dịch mà lây lan nhanh là đặc tính số 1, các cơ quan báo chí vẫn tiên phong vào cuộc với tâm thế quyết liệt nhất. Báo chí đã vào cuộc, bằng sứ mệnh, trách nhiệm và trái tim nồng ấm với đất nước, vì sự tin yêu của độc giả.

Nhưng nếu sự tiên phong của báo chí trong đại dịch Covid-19 là gam màu sáng trong bức tranh truyền thông 2020 thì đây đó vẫn còn những mảng xám khiến những người làm báo xót lòng khi hàng loạt phóng viên bị bắt quả tang, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi vi phạm pháp luật. Đau xót vì những “con sâu” đang làm hỏng “nồi canh” nhưng đau xót hơn nữa khi chúng ta đang mất dần niềm tin nơi độc giả do sự “lạm quyền” của một bộ phận phóng viên trong tác nghiệp. Có thể, những vụ bắt bớ phóng viên hay kiểu vòi vĩnh doanh nghiệp chỉ có ở một bộ phận phóng viên nào đó, rơi vào một vài cơ quan báo chí. Dù cho đó chỉ là vết đen trên bức tường sáng thì cũng không thể xóa đi được những thành kiến về người làm báo trong con mắt của công chúng thời gian này. Điều gì khiến một số người làm báo ngày càng trở nên đáng sợ trong con mắt của người dân, doanh nghiệp? Điều gì khiến một bộ phận người làm báo bẻ cong ngòi bút, quên đi trách nhiệm của mình dẫn đến vị thế, hình ảnh nghề nghiệp bị coi thường, rẻ rúng trong con mắt công chúng?

Mỗi sáng mở trang báo, trang tin điện tử, người đọc cần những thông tin mới, những bình luận sắc sảo. Nhưng phải nói thẳng quá ít những bài viết hay, những bình luận lay động lòng người. Vì sao? Vì cách làm báo trong phòng máy lạnh.  Vì né tránh, ngại động chạm. Vì thiếu thông tin, không có chính kiến nên viết ra những bài viết nửa vời! Đó chính là nỗi buồn của người làm báo.

3. Nhắc nhớ về sứ mệnh của báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông  Nguyễn Mạnh Hùng đã từng khẳng định: “Việt Nam muốn sánh vai cường quốc năm châu, muốn hùng cường để không kẻ thù nào dám đến xâm lược, để hòa bình mãi mãi trên mảnh đất này thì chúng ta phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước này, đó là năng lượng, là trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam. Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo lên niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai những người làm báo chúng ta. Cũng chỉ hơn 20.000 người thôi, nhưng các bạn có thể thay đổi Việt Nam. Với sứ mạng thiêng liêng ấy trong tim, trong não, các bạn sẽ nghĩ khác và làm khác”. 

Chúng ta làm báo như thế nào? Nếu không góp phần mang lại một chút tiến bộ nào đấy, dù là nhỏ bé, thì việc chúng ta làm, suy cho cùng cũng chả mang lại một chút ý nghĩa nào. Làm bất cứ nghề nghiệp gì thì điều quan trọng đầu tiên mà người ta cần có, đó là đạo đức nghề nghiệp. Đối với người cầm bút, việc cân nhắc trước sau đối với bất kỳ một thông tin gì là cần thiết; nó thể hiện trách nhiệm với thông tin, là biểu hiện đạo đức của người làm báo. Bởi thông tin đó khi đưa ra, rất có thể sẽ có tác động đến toàn xã hội, nếu thiếu cân nhắc!

Không phải vô tình mà năm 2020, chúng ta nói quá nhiều đến sứ mệnh và giá trị cốt lõi của nghề báo. Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng khi chúng ta làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình. Nó quan trọng hơn nhiều các giải thưởng báo chí mà ta gặt hái được. Mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là gợi nên một cảm xúc thẩm mỹ và nhân văn, giúp con người bớt u ám và thêm một chút lạc quan về cuộc sống... đó là sứ mệnh cao cả nhất của các bài báo. Chính xác, công bằng và khách quan, suy cho cùng, cũng từ lương tâm của người làm báo. Tâm sáng thì được độc giả tin yêu và lòng tin cùng sự hợp tác của bạn đọc sẽ gia cường sức mạnh cho báo chí. Thời nào làm báo cũng khó khăn, giữ được 3 chữ “trung”: trung trinh với sự thật, trung thực với độc giả và trung thành với nghề nghiệp mới là điều đáng quý! Nói cho cùng, phản ánh sự thật cũng chính là phản ánh dòng chảy chính của xã hội và làm được như vậy, báo chí cũng đồng thời tìm lại được những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng và tính tiên phong, chính xác, chính thống, nhanh nhạy; để giữ vững niềm tin của độc giả với chính mình và qua đó, củng cố niềm tin, gia cường nền tảng xã hội.

Kỷ nguyên số 4.0 cho phép những người làm báo cách mạng Việt Nam nhiều phương tiện, nhiều “vũ khí” hơn để thuận lợi hơn trong việc hoàn thành vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, diễn đàn rộng rãi của nhân dân. Kỷ nguyên số 4.0 cũng đồng thời tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình, xét lại ý chí, tri thức và nghị lực của mình, xét lại cái tâm của mình để đủ dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, để mỗi nhà báo, mỗi tờ báo thực sự là cột mốc vững chãi, đáng tin cậy giữa “biển sóng” thông tin trong đa chiều không gian, là những chấm sáng góp phần cho một bức tranh toàn cảnh bớt đi những mảng xám của báo chí Việt Nam những năm tới và trên hành trình giữ vững giá trị cốt lõi của nghề!

Theo Khánh An/ báo Công luận

Các tin khác

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia; đồng thời, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước.

Đà Lạt là điểm đến vừa túi tiền nhất tại Việt Nam và thứ tư châu Á vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, theo dữ liệu của Agoda.

Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long phục vụ thiếu nhi hè 2024. Ảnh: TTXVN phát

Với dòng tít “Những câu truyện cổ tích dưới nước” - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu - một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản, nước này vừa quyết định cung cấp thiết bị thông tin trị giá 500 triệu yên cho Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự