Phần mềm giám sát lao động, sáng kiến chống dịch tại Bắc Giang
- Cập nhật: Thứ năm, 3/6/2021 | 3:36:42 PM
(CLO) Theo tin từ Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Giang, cơ quan này đang tập trung xây dựng phần mềm Dữ liệu thông tin lao động nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác truy vết, khoanh vùng với tất cả người lao động.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang xúc tiến việc đưa các KCN hoạt động trở lại nhằm ổn định tình hình sản xuất và an sinh cho hàng trăm ngàn công nhân. Hoạt động tiêm chủng mở rộng cho hơn 100.000 công nhân và người lao động vì vậy đang được tiến hành “thần tốc”.

Hiện nay việc đảm bảo an toàn cho công nhân khi đi làm việc trở lại được đặt lên hàng đầu (ảnh TL).
Song song với bắt buộc các công ty tuân thủ những điều kiện về cơ sở vật chất, phân ca… đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, thì một vấn đề nữa không kém phần quan trọng, đó là công tác giám sát, khoanh vùng, truy vết trong tình huống có ca bệnh xuất hiện ở tại DN hay khu trọ của công nhân.
Qua những chuyến làm việc ròng rã tại các KCN cũng như nhiều DN dệt may lớn rải khắp các huyện của tỉnh Bắc Giang, tổ giám sát cách ly và xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Giang đang tập trung xây dựng phần mềm Dữ liệu thông tin lao động nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác truy vết, khoanh vùng với tất cả người lao động trong các KCN và các DN sản xuất tại Bắc Giang.
Kịch bản này tuy là khâu sau cùng của các nhà máy quay lại hoạt động, nhưng lại đóng một phần quan trọng để tránh những tình huống dịch tái bùng phát trong tương lai.
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Giang cho hay: “Sau khi trao đổi và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về công cụ thu thập dữ liệu thông tin lao động này, lãnh đạo tỉnh đã hết sức ủng hộ.
Mấy hôm nay, các cán bộ của tổ chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin – truyền thông tỉnh để hoàn chỉnh các form thông số dữ liệu, sau đó sẽ tích hợp vào thành một ứng dụng chuyên biệt và áp dụng cho toàn bộ các DN trên địa bàn tỉnh. Dự kiến sẽ hoàn thành trong vài ngày tới”.
Ông Nam cho biết, phần mềm sẽ bao gồm đầy đủ thông tin về mỗi lao động như: Tên tuổi, số CMND, quê quán, số điện thoại, đặc biệt là các trường thông tin về nhà máy làm việc được cụ thể xuống tận phân xưởng, những chuyến xe, biển số, danh tính tài xế mà lao động đi về hàng ngày, cũng như nơi ở trọ, và cả thông tin, liên hệ của những người ở cùng phòng, khu trọ… từ đó truy xuất ra các DN khác liên quan rất nhanh và đơn giản.
Phần mềm này hỗ trợ đắc lực cho công tác truy vết, khoanh vùng bởi khi cần phân tích về một đối tượng, chỉ cần nhấn vào tên của đối tượng đó, lập tức sẽ nắm đủ các thông tin về cả chủ thể lẫn tất cả những người có liên quan.
“Sau khi hoàn thiện phần mềm, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thẩm định, đưa vào quy chuẩn và có văn bản để yêu cầu các nhà máy tuân thủ chặt chẽ.
Kho dữ liệu này giúp bao quát tất cả 160.000 công nhân của các nhà máy trong và ngoài KCN trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng tham mưu để Ban quản lý các KCN đôn đốc việc khai báo dữ liệu trong KCN, còn Sở Công thương sẽ giám sát dữ liệu của các DN ngoài KCN” – ông Dương Chí Nam cho biết thêm.
Trước đó, tổ giám sát cách ly và xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Giang đã tham mưu, hoàn thiện và bàn giao cho tỉnh Bắc Giang mẫu phiếu điện tử để thu thập báo cáo hàng ngày từ gần 200 khu cách ly tập trung.
Hiện tất cả các cơ sở này đều đã thực hiện đúng các mẫu báo cáo điện tử, góp phần thuận lợi để CDC tỉnh Bắc Giang tổng hợp xử lý, điều tiết nhanh chóng.
Trinh Phúc
Các tin khác

Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của mình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua nhiều năm để sưu tầm hiện vật, tư liệu. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều nhà báo, phóng viên ở trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, trực tiếp trao tặng, kết nối giúp Bảo tàng có thêm nhiều tư liệu, hiện vật quý mang đến công chúng.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng thể hiện khả năng sáng tạo nội dung, câu hỏi về vai trò và tương lai của nhà báo đã trở thành tâm điểm của buổi tọa đàm "Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?"

Giữa 'biển' thông tin ngập tràn, một nghịch lý đang diễn ra: nhiều cơ quan báo chí sản xuất ồ ạt nội dung, nhưng lại đi chệch hướng nhu cầu thực sự của độc giả, khiến thông tin trở nên 'bội thực' và thiếu tính cá nhân hóa.

Sau hơn hai tháng triển khai, Cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung ương Đoàn chỉ đạo tổ chức đã nhận được 966.528 bài dự thi.