Mong ngành văn hóa tích cực nhập cuộc
- Cập nhật: Thứ hai, 26/7/2021 | 3:18:13 PM
Giới thiệu chương trình Văn hóa Việt những điều thú vị.
Dòng chảy văn hóa văn nghệ trực tuyến đang lan tỏa và được chú ý hiện nay, cần có thêm “mái chèo, cánh buồm” và sức lực của ngành văn hóa. Đóng góp từ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghệ thuật công lập…, sẽ thêm những món ăn tinh thần đáng kể cho công chúng trong khó khăn chung của xã hội.
1/Thực tế, không chỉ đến khi dịch bệnh hoành hành, việc khai thác môi trường trực tuyến trên không gian mạng mới được chú ý. Mà việc quảng bá hình ảnh, giới thiệu tác phẩm, hiện vật, chương trình hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật… đã được các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật… triển khai từ lâu. Nhiều hội nghề nghiệp, văn nghệ sĩ cũng đã vận dụng các website, trang mạng của mình để chia sẻ tác phẩm tranh, ảnh, thơ, nhạc…, quảng bá các sự kiện nhằm mời gọi công chúng, bạn đọc quan tâm, tham dự. Trong tình thế chung của yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, những lựa chọn cho hình thức sáng tạo, trưng bày, thưởng thức văn hóa nghệ thuật giảm đi rõ rệt, khiến cho môi trường mạng, phương thức trực tuyến trở thành những điều kiện gần như tất yếu.
Trong hơn một năm qua, các hoạt động giới thiệu tác phẩm âm nhạc, tranh, ảnh, văn học, biểu diễn âm nhạc… trên không gian mạng xuất hiện khá phong phú. Đương nhiên là có những hạn chế so phương thức biểu diễn, thưởng thức tác phẩm theo cách trực tiếp, nhưng việc vận dụng “con đường online” để duy trì, phát triển đời sống văn hóa, nghệ thuật đang trở nên nhu cầu thiết thực, ngày càng rõ nét và cấp bách hơn của các văn nghệ sĩ - nhà sáng tạo và công chúng - người hưởng thụ.
2/Tuy vậy, đáng băn khoăn khi sự bắt nhịp của ngành văn hóa ở vai trò nhà quản lý đối với làn sóng văn hóa nghệ thuật online còn chậm trễ. Quan sát một số diễn biến lớn trong đời sống văn hóa, du lịch, có thể thấy, sau một số đợt khởi xướng phong trào du lịch không thành do Covid-19 tiến công và quay trở lại, tình hình thúc đẩy các hoạt động văn hóa nghệ thuật từ phía ngành có vẻ “ỉu” dần. Cùng với đó, việc gợi mở, khuyến khích, thúc đẩy đời sống văn hóa nghệ thuật trên mạng có dấu hiệu ít được chú trọng. Các nhà hát nghệ thuật công lập lâm vào khó khăn do không biểu diễn trực tiếp được, nhưng cũng chưa kịp chuyển mình hòa vào làn sóng online - trực tuyến phục vụ xã hội. Các đơn vị này hiện đang mong đợi sự hỗ trợ về kinh phí của ngành văn hóa để vượt khó. Trong khi chính vào những thời điểm ngặt nghèo này, ngành văn hóa cần gợi mở hướng đi, kiến tạo hoạt động cho các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, gợi mở hoạt động cho các cấp văn hóa theo ngành dọc.
Quan sát sự nở rộ các hoạt động do các cá nhân, nhóm, cộng đồng văn nghệ sĩ, trung tâm nghệ thuật tư nhân thực hiện, nên chăng, ngành văn hóa từ cấp bộ cho đến các sở, ngành có động thái hợp tác, đồng hành thiết thực. Đôi khi chưa hẳn là vấn đề kinh phí, tài trợ, mà trước hết ở sự theo dõi, ghi nhận, khuyến khích. Tiếp đó là khởi xướng các hoạt động để mời gọi, huy động sự tham gia của đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà sáng tạo văn hóa nghệ thuật từ các địa phương, vùng, miền cho đến quy mô rộng hơn. Xa hơn, cần cả việc xây dựng, phát huy thiết thực về các cơ chế, chính sách cho văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng, theo hình thức trực tuyến.
3/Trong năm 2020, ngành văn hóa đã khởi xướng cuộc thi vẽ tranh cổ động phòng, chống dịch Covid-19, được hưởng ứng nhiệt tình với nhiều tác phẩm đã đi vào cuộc sống. Rất nên trong thời gian này, các đơn vị quản lý về nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn hóa cơ sở… của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các hội nghề nghiệp về âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học… phát động các cuộc thi, vận động sáng tác, các chương trình đưa tác phẩm văn nghệ lên các báo điện tử, trang mạng. Hệ thống chủ đề, đề tài nên đa dạng chứ không chỉ tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Các tác phẩm tham dự đạt chất lượng nên được công bố, đăng tải rộng rãi ngay trên hệ thống trang mạng của ngành, của các hội, của các chương trình - hoạt động, chứ không chờ chấm điểm, tổng kết theo cách truyền thống. Như vậy sẽ góp thêm món ăn tinh thần cho người dân.
Đồng thời, với vai trò là ngành xây dựng, phát triển đời sống văn hóa của đất nước, trong bối cảnh hiện nay, việc tranh thủ tìm hiểu, khai thác những “chuyển động online” của đời sống văn nghệ quốc tế cũng rất đáng để các cơ quan của ngành văn hóa quan tâm. Từ đó kết nối, hợp tác, lan tỏa rộng rãi các tác phẩm nghệ thuật nước ngoài đến công chúng trong nước, cũng như gợi mở cho chính đội ngũ sáng tạo trong sự khó khăn chung về điều kiện sáng tác, không gian trình bày, cơ hội công bố tác phẩm.
Tình hình dịch bệnh còn phức tạp, khả năng thưởng thức “văn nghệ tại gia” của người dân còn kéo dài. Cộng với sự phát triển các hình thức trực tuyến nhờ thành tựu công nghệ tiên tiến, sự sáng tạo - thưởng thức, sinh hoạt văn nghệ online đang ngày càng sôi nổi hơn. Rất mong sự góp sức, vai trò kiến tạo, thúc đẩy của ngành văn hóa trên dòng chảy này sẽ thể hiện mạnh mẽ hơn, so với khí thế có vẻ trầm lắng hiện tại.
Theo Báo Thời Nay
Các tin khác

Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của mình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua nhiều năm để sưu tầm hiện vật, tư liệu. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều nhà báo, phóng viên ở trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, trực tiếp trao tặng, kết nối giúp Bảo tàng có thêm nhiều tư liệu, hiện vật quý mang đến công chúng.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng thể hiện khả năng sáng tạo nội dung, câu hỏi về vai trò và tương lai của nhà báo đã trở thành tâm điểm của buổi tọa đàm "Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?"

Giữa 'biển' thông tin ngập tràn, một nghịch lý đang diễn ra: nhiều cơ quan báo chí sản xuất ồ ạt nội dung, nhưng lại đi chệch hướng nhu cầu thực sự của độc giả, khiến thông tin trở nên 'bội thực' và thiếu tính cá nhân hóa.

Sau hơn hai tháng triển khai, Cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung ương Đoàn chỉ đạo tổ chức đã nhận được 966.528 bài dự thi.