Kinh nghiệm chống dịch tại các KCN ở Bắc Giang

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/7/2021 | 8:08:43 AM

Trong thời kỳ đỉnh điểm, dịch Covid-19 diễn biến khó lường, số ca mắc tăng nhanh, lây lan rộng trong các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp (KCN) tại Bắc Giang. Vì vậy, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động phối hợp với lực lượng liên ngành, các doanh nghiệp, cá nhân chống dịch với tinh thần và quyết tâm cao nhất. Đến nay, chỉ chưa đầy 2 tháng, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Tập trung dập dịch cao điểm trong 11 ngày

Nhớ lại những ngày tháng cao điểm trong phòng, chống dịch ở Bắc Giang, ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang chia sẻ, đầu tháng 5/2021, dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập mạnh trên địa bàn tỉnh và khởi nguồn từ các KCN. Đợt dịch này diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở KCN Vân Trung (tại các công ty: Shin Young Việt Nam, SJ Tech Việt Nam, Da Young Vina…) và KCN Quang Châu (tại các công ty: Hosiden (Bắc Giang), Samkwang Vina…) thuộc huyện Việt Yên. Số lượng ca lây nhiễm tăng nhanh, lan sang các doanh nghiệp KCN khác và lan rộng ra cộng đồng tại nhiều huyện, thành phố, khiến Bắc Giang trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước.

Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân. 

Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân. 

Tình hình diễn biến hết sức khó lường, số ca nhiễm tăng nhanh, lây lan rộng trong khu vực dân cư, nhất là các khu vực có đông người lao động của các doanh nghiệp KCN sinh sống, gây ra hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ ngày 18/5, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng hoạt động của 4 KCN (Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê-Nội Hoàng) để tập trung phòng, chống dịch trong 11 ngày.

Theo ông Đào Xuân Cường, trong 11 ngày này, Ban Quản lý các KCN đã tập trung cho việc tầm soát toàn bộ người lao động ở toàn KCN, làm đi làm lại, lọc ra những trường hợp nhiễm bệnh để xử lý kịp thời, khoanh vùng dập dịch nhanh chóng nhất có thể. Đồng thời tiến hành khử khuẩn nhiều lần tại 4 KCN và tập trung vào hỗ trợ để doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tất cả những việc này chỉ tập trung làm trong 11 ngày. Đây là một lượng công việc lớn nhưng nếu không nhanh chóng, cương quyết dập dịch thì sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến người lao động và các KCN. Đáng mừng là đến ngày 28/5, doanh nghiệp đầu tiên đã đi vào hoạt động trở lại với điều kiện sạch bệnh.

Tính đến ngày 1/7, trong 4 KCN, vẫn có 68 doanh nghiệp phát sinh ca nhiễm Covid-19, tổng số ca F0 là 3.258 người (bao gồm các ca bệnh lây nhiễm và phát sinh tại nhà máy, tại nhà trọ và khu cách ly tập trung của tỉnh). Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang, Ban Quản lý các KCN kêu gọi tất cả các doanh nghiệp và người lao động tích cực tham gia và chung tay đẩy lùi đại dịch, yêu cầu các doanh nghiệp, người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm tự bảo vệ mình, doanh nghiệp và cộng đồng nơi sinh sống. 

Thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế, kiểm soát an toàn chặt chẽ từ nơi ở đến nhà máy và ngược lại; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Sau khi tình hình đã được khoanh vùng kiểm soát, Ban Quản lý tổ chức triển khai kế hoạch và phương án bảo đảm sản xuất an toàn để sớm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại.

Xác định 3 vùng “nguy hiểm”- Triển khai “3 cùng”, “3 tại chỗ”

Đặc biệt, để khoanh vùng, truy vết, Ban Quản lý đã xác định 3 nơi lây dịch mạnh nhất là khu nhà trọ, xe đưa đón công nhân, nơi ăn của công nhân (bếp ăn tập thể, quán xá bên ngoài…),  thứ tư mới là nhà xưởng vì nhà xưởng từ trước khi có dịch đã chấp hành tương đối tốt các biện pháp phòng, chống như đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế, giữ khoảng cách...

Để đối phó với dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang tập trung kết hợp “3 cùng” với “3 tại chỗ” (cùng ở, cùng ăn, cùng làm; ăn tại chỗ, ở tại chỗ, làm việc tại chỗ) để hạn chế thấp nhất “vết loang” dịch bệnh. “Mỗi ghế ngồi đều gắn tên của từng người lao động và hằng ngày người lao động ngồi đúng vị trí ấy, nếu doanh nghiệp nào đông người có thể chia thành các ca ăn cách nhau để bảo đảm khoảng cách. Bàn ăn chỉ duy trì 3 người, thậm chí 1 người ngồi; tất cả bàn ăn đều có vách ngăn. Nơi ở cũng phải chia nhỏ để bảo đảm khoảng cách, tránh tiếp xúc giữa các công nhân…”, ông Cường cho biết.

Định hình chiến lược-Giữ vững “trận địa”-Thần tốc khoanh vùng

Theo Ban Quản lý các KCN Bắc Giang, cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kinh nghiệm rút ra từ đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua tại các KCN và khu vực dân cư tập trung đông người trên địa bàn là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo tỉnh đã thể hiện được sự vững vàng, vững tâm, kiên trì, sáng tạo và linh hoạt trong việc sớm định hình được chiến lược, giữ vững được “trận địa” để triển khai các quyết sách, biện pháp phòng, chống dịch bài bản, chặt chẽ, quyết liệt và hiệu quả. Nhờ đó đã thần tốc khoanh vùng ổ dịch, cách ly, truy vết, tổ chức lực lượng xét nghiệm và điều trị các ca bệnh kịp thời.

Bảo đảm giãn cách trong khu vực bếp ăn tập thể cho công nhân.

Bảo đảm giãn cách trong khu vực bếp ăn tập thể cho công nhân.

Bên cạnh đó là nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch, có sự chuẩn bị kỹ càng các phương án và kịch bản, con người và trang thiết bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn cho các doanh nghiệp và người lao động tại các KCN.

Cần đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị nhân lực và vật lực cho việc xét nghiệm nhanh trên diện rộng, năng lực điều phối, ưu tiên lấy mẫu, cách ly và khoanh vùng đến đâu phải xét nghiệm nhanh đến đó để nhanh chóng xác định được nguồn lây.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong xử lý các tình huống khi dịch bùng phát.

Khi xảy ra tình huống dịch bệnh (có ca F0), nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch tại nhà máy, khu nhà trọ, thiết lập nhà máy và khu trọ thành khu cách ly tạm thời, đặc biệt phải có phương án giãn cách người lao động tại nhà xưởng, khu trọ và khu dân cư. Đồng thời, nâng cao khả năng điều trị (bệnh nhân F0), lập bệnh viện dã chiến để điều trị, sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống xảy ra.

100% doanh nghiệp hoạt động trở lại sau gần 2 tháng

Chính vì vậy, chưa đến 2 tháng, tỉnh Bắc Giang đã khoanh vùng được toàn bộ và dập được toàn bộ dịch trong các KCN. Đến nay, các KCN đã hoạt động với hơn 121.000 lao động đi làm trở lại bình thường (trước khi dịch bùng phát có tổng 150.000 công nhân làm việc trong các KCN). Con số này gần đạt so với lúc trước khi có dịch, đồng thời gấp 3, 4 lần so với mục tiêu mà tỉnh đề ra là hết tháng 7 mới có 30.000 công nhân đi làm trở lại. Cùng với đó, suốt thời gian qua, gần như không ghi nhận ca F0, đôi khi mới có 1 ca mắc nhưng hầu hết đều là ca tái dương tính và không có khả năng lây nhiễm.

Theo ông Đào Xuân Cường, hiện các KCN Bắc Giang có hơn 20.000 người ở lại doanh nghiệp, còn lại vẫn đi làm hằng ngày, sáng đi tối về. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho phòng chống dịch, Ban Quản lý các KCN đã yêu cầu công nhân phải ràng buộc rất chặt chẽ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Đó là khi ở nơi làm việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như thế nào thì về nhà cũng phải chấp hành như vậy.

Vượt qua nhiều khó khăn, từ 28/5 đến nay, 100% doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, lượng lao động đi làm trở lại tính đến ngày 24/7 đã đạt hơn 121.000 người. Mặc dù dịch bệnh đã được khống chế nhưng tỉnh Bắc Giang cùng với các doanh nghiệp vẫn luôn đề cao cảnh giác và đến nay vẫn luôn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nhưng không để ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Đào Xuân Cường cho biết, ban đầu tỉnh Bắc Giang tính toán quy mô F0 của tỉnh sẽ rất nhỏ nhưng thực tế sau này tình huống lên đến mấy nghìn công nhân mắc Covid-19. Bên cạnh đó, việc triển khai bệnh viện dã chiến 500 giường để cấp bách phòng chống dịch cũng không hề đơn giản. Nhưng sau đó được sự ủng hộ của Trung ương, các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố… nên sau đó bệnh viện dã chiến đã nhanh chóng được thành lập. Có thể nói Bắc Giang đã vượt qua được các cản trở, “cái tưởng như không thể nhưng cuối cùng lại thành có thể và đạt kết quả tốt”.

Theo Chinhphu.vn

Các tin khác
Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngày càng thu hút các bạn trẻ. Ảnh: VPM

Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của mình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua nhiều năm để sưu tầm hiện vật, tư liệu. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều nhà báo, phóng viên ở trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, trực tiếp trao tặng, kết nối giúp Bảo tàng có thêm nhiều tư liệu, hiện vật quý mang đến công chúng.

Các

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng thể hiện khả năng sáng tạo nội dung, câu hỏi về vai trò và tương lai của nhà báo đã trở thành tâm điểm của buổi tọa đàm "Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?"

Báo chí cần 'lắng nghe' độc giả để tạo ra nội dung giá trị và bền vững.

Giữa 'biển' thông tin ngập tràn, một nghịch lý đang diễn ra: nhiều cơ quan báo chí sản xuất ồ ạt nội dung, nhưng lại đi chệch hướng nhu cầu thực sự của độc giả, khiến thông tin trở nên 'bội thực' và thiếu tính cá nhân hóa.

Sáng 15/5/1975, hàng triệu nhân dân Sài Gòn - Gia Định đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự Lễ mừng chiến thắng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, MTTQ Việt Nam tham dự buổi lễ trọng đại này. Ảnh: TTXVN

Sau hơn hai tháng triển khai, Cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung ương Đoàn chỉ đạo tổ chức đã nhận được 966.528 bài dự thi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự