Xã Đại Sơn: Nỗ lực cán đích xã nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/12/2024 | 2:36:44 PM
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, xã Đại Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã tạo được bước đột phá trong phát triển KT-XH, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nỗ lực cán đích xã NTM vào cuối năm 2024.
Đồng chí Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đại Sơn trong xây dựng NTM.
|
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu
Đại Sơn là xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc của huyện Sơn Động với 9 thôn, gần 1.500 hộ, 12 dân tộc cùng sinh sống. Hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Hơn 10 năm trước, hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ; sản xuất nông nghiệp nơi đây còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao, việc ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất thâm canh ở một số hộ còn yếu… nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thường xuyên chiếm hơn 50%.
Xác định mục tiêu của xây dựng NTM là bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông, văn hóa, y tế, tạo đà đưa kinh tế, xã hội của địa phương phát triển toàn diện, góp phần cải thiện, nâng chất lượng đời sống của người dân địa phương nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Sơn quyết tâm xây dựng xã NTM vào năm nay.
Để đạt được kết quả đó, Đảng ủy ban hành Chương trình hành động số 15- CTr-ĐU về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/HU ngày 24/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sơn Động. UBND xã ban hành các quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng NTM, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ những tiêu chí chưa đạt để giao nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách theo từng lĩnh vực chuyên môn để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Đối với các hạng mục cần nguồn kinh phí lớn, nhất là xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, xã khéo léo lồng ghép các nguồn vốn, dự án hỗ trợ từ ngân sách cấp trên đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, huy động sự đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai. Kết quả, tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM từ năm 2021 đến nay của xã Đại Sơn là hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân hiến 3.500 m2 đất, tháo dỡ hàng trăm mét tường rào, nhiều cây trồng trên đất và hơn 200 ngày công, còn lại ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ. Đến cuối năm 2024, xã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM.
Thành quả từ phong trào xây dựng NTM
Đứng từ trụ sở UBND xã đưa tầm mắt ra xa dễ nhận thấy thành quả từ phong trào xây dựng NTM ở Đại Sơn là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cảnh quan môi trường thêm sáng, xanh, sạch, đẹp, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và kinh doanh dịch vụ có nhiều khởi sắc.
Đường về xã Đại Sơn
Từ trung tâm xã đi về các thôn, các trục đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, nhiều đoạn nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m, thuận lợi cho giao thông và sinh hoạt của người dân. Nhà văn hóa xã và 9 thôn đạt chuẩn. Câu lạc bộ hát Soong Hao cấp xã và ở thôn Đồng Cẩy, Làng Khang thường xuyên luyện tập, biểu diễn. Vào các buổi tối hoặc dịp lễ tết nhân dân đến đây tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao mang lại không khí vui tươi, phấn khởi, đời sống tinh thần được nâng lên.
Ngoài hạ tầng giao thông, văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; tỷ lệ trẻ vào lớp 1 đạt 100%. 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế, vượt so với chỉ tiêu đề ra.
Trong phát triển kinh tế, xã đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, định hướng giới thiệu việc làm cho người lao động. Xây dựng thành công vùng sản xuất táo tập trung, vải thiều VietGAP với quy mô lớn, riêng sản phẩm Táo Đại Sơn được chứng nhận OCOP 3 sao. Địa phương có 4 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Trong đó, Hợp tác xã Sản xuất nông sản sạch Đại Sơn mỗi năm tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản cho người dân địa phương.
Hạ tầng giao thông, dịch vụ ở Đại Sơn ngày càng phát triể
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và quyết tâm vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của toàn xã giảm từ 22,14% năm 2021 còn 12,5% năm 2024. Riêng hộ nghèo còn 94 hộ, chiếm hơn 6,4% tổng số dân. Đại Sơn tự hào là xã đầu tiên xây dựng mô hình "Người có uy tính tham gia bảo đảm an ninh trật tự” được Công an tỉnh đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng ở vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi toàn tỉnh. Hiện 16 mô hình, 12 tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hiệu quả.
Theo ông Hoàng Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, có được bước phát triển ấy chính là quá trình nỗ lực bền bỉ suốt nhiều năm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng thời là nền tảng để Đại Sơn tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm góp phần cải thiện đời sống và sản xuất của người dân theo hướng bền vững. Trong thời gian tới, xã đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng trường, lớp học, thiết chế văn hóa; mở rộng hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, nâng cao cơ sở vật chất văn hoá và chỉnh trang cảnh quan môi trường. Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, nông thôn bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
BOX: Tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM từ năm 2021 đến nay của xã Đại Sơn là hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân hiến 3.500 m2 đất, tháo dỡ hàng trăm mét tường rào, nhiều cây trồng trên đất và hơn 200 ngày công, còn lại ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ. Đến cuối năm 2024, xã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM.
Mai Toan
Các tin khác
Chiều 25/12, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị công bố và trao các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm lãnh đạo quản lý một số sở. Đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định công nhận 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong hành trình du lịch tâm linh khi đến vùng đất Yên Dũng, cùng với chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Kem là một địa chỉ văn hóa tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong vùng. Đó là ngôi chùa cổ kính rất đẹp, nằm ở phía Tây dưới chân núi Phượng Hoàng- Nham Biền của Yên Dũng, một công trình được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ở huyện Yên Dũng. Chùa gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chùa có tên chữ là Sùng Nham tự thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng.
Ngày 23/12 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2024.