Khẳng định sức mạnh và các giá trị trường tồn của văn hóa truyền thống
- Cập nhật: Thứ bảy, 12/2/2022 | 9:02:08 PM
Ngày 12/2, tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” và Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch tổ chức. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch nước.
Đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam vui mừng chào đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
|
Thưa đồng bào, đồng chí,
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Hôm nay, trong không khí của những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, mừng Đảng tròn 92 tuổi, tôi rất vui mừng được gặp mặt các vị già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc Việt Nam trong Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi gửi tới các bác, các chị, các anh và toàn thể đồng chí, đồng bào dự Ngày hội hôm nay và thông qua các bác, các chị, các anh gửi tới các gia đình, dòng tộc và bản làng ta những tình cảm thân thương, lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam được tạo nên bởi với 54 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó với nhau. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, có sự thống nhất cao về ngôn ngữ, là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta. Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó. Chính sách dân tộc của Đảng đã tạo mọi điều kiện cho sự gìn giữ và phát triển tính khác biệt trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời làm cho văn hóa của các dân tộc hòa quyện với nhau tạo thành văn hóa Việt Nam bền vững và tỏa sáng. Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của mình luôn sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước.
Khi đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập) trong số 34 cán bộ chiến sĩ đầu tiên, 29 người là dân tộc thiểu số. Những đóng góp, cống hiến, hy sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số là hết sức oanh liệt, thầm lặng và sâu sắc trong thời chiến cũng như thời bình.
Niềm tin, quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số đã luôn kiên định và bền bỉ. Tất cả người Việt chúng ta đều rất tự hào về những tấm gương như Kim Đồng, Anh hùng Núp và xa hơn nữa là những anh hùng vệ quốc như 3 anh em tù trưởng người Tày - Hà Bổng, Hà Đặc và Hà Chương trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Có rất nhiều cán bộ cấp cao, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sống, chiến đấu và trưởng thành ở các vùng miền núi, coi bản làng là nhà, sống chung với đồng bào dân tộc thiểu số như gia đình mình; và có những đồng chí lãnh đạo cấp cao là những người dân tộc thiểu số trong thời chiến cũng như thời bình.
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tinh thần đại đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam tiếp tục được tăng cường và củng cố. Công tác chăm lo, cải thiện về đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm và cải thiện rõ rệt thông qua thực hiện các chính sách ưu tiên, các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo và các dự án, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam. Vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước một lần nữa lại được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với yêu cầu: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong những năm qua, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức hàng trăm lễ hội với sự tham gia của hàng nghìn lượt đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần khẳng định sức sống trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và mở ra những triển vọng về phát triển văn hóa, du lịch. Hằng năm, tại "Ngôi nhà chung” này đã tổ chức ba sự kiện tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trong đó Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, là điểm hội tụ, lan tỏa truyền thống văn hóa nhân dịp Tết cổ truyền. Có một điều tôi vui mừng nhận thấy rằng: những vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của 54 dân tộc không chỉ được hiển lộ tại nơi này, mà là nếp sinh hoạt đời sống hằng ngày của mỗi dân tộc trên quê hương Việt Nam. Điều ấy đã làm cho những vẻ đẹp văn hóa được lan tỏa trong cuộc sống chứ không phải chỉ nằm trong kho tàng. Những vẻ đẹp muôn màu đó đã và đang hòa quyện vào nhau làm nên vẻ đẹp lớn lao và thẳm sâu của văn hóa Việt Nam.
Trong năm 2021, đất nước ta nói riêng và các nước trên thế giới nói chung tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng chúng ta đã, đang và sẽ "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cùng với niềm tin về sức mạnh Việt Nam chúng ta sẽ vượt qua thử thách đại dịch này.
Nhân dịp năm mới, tôi đề nghị các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương có những giải pháp việc làm cụ thể, thiết thực hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội. Để "tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số", "thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Chúng ta, đặc biệt là chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của những nhóm dân tộc ít người nhất Việt Nam như dân tộc Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La. Mỗi dân tộc là một cành, trong cái cây vĩ đại mang tên Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ bằng mọi giá vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho tất cả những cành, nhánh ấy đâm chồi nảy lộc, nở hoa, kết trái.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Văn hóa luôn là bước tiến đầu tiên và là chốt chặn sau cùng cho sự tồn vong của mỗi dân tộc. Vì vậy, việc tổ chức Ngày hội văn hóa hằng năm, cần một cách làm sáng tạo để giúp chúng ta tìm hiểu, bảo tồn và tương tác một cách có chiều sâu những nét văn hóa riêng của từng dân tộc, tạo ra sự giao lưu, sự tương tác làm nổi bật và làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, gìn giữ bản sắc của từng dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Tôi tin tưởng và mong muốn, các vị già làng, trưởng bản, nghệ nhân tích cực phát huy vai trò vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ, bởi lẽ, thông qua sự kết nối kỳ diệu của văn hóa, chúng ta mới dễ dàng có được sự gần gũi, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, góp phần vun đắp sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam cho hôm nay và mai sau.
Với khí thế mới, quyết tâm mới, với niềm tin vững chắc vào công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng sẽ mang lại sắc xuân trên mọi miền của Tổ quốc, tôi gửi tới toàn thể đồng bào 54 dân tộc anh em, đồng bào ta ở nước ngoài cùng toàn thể quý vị đại biểu, các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, xuân mới với nhiều thắng lợi mới.
Tôi muốn mượn mấy câu thơ trong Bài ca mùa xuân 61 của Nhà thơ Tố Hữu để nói lên mong muốn về một năm mới tươi sáng:
Rét nhiều nên ấm nắng hanh
Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?
Giã từ năm cũ bâng khuâng
Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!
Xin trân trọng cảm ơn!
BD- Theo Báo ND ĐT
Các tin khác
Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 sẽ diễn ra từ ngày 4 - 7/12/2024 tại Hà Nội. Chuỗi sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất trong các lĩnh vực trọng yếu, như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học vật liệu, khoa học sức khỏe, môi trường và phát triển bền vững… sẽ mang tới nhiều thông tin và góc nhìn mới mẻ về tương lai của thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 20/11, Đại hội Internet thế giới năm 2024 đã khai mạc tại Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, thu hút sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu đến từ các nước, khu vực và tổ chức quốc tế trên thế giới. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã tham dự sự kiện và có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Sáng 18/11, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường.
Quỹ VinFuture chính thức công bố lịch trình Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 - 7/12/2024 tại Hà Nội.