Báo chí phải kết hợp giữa truyền thống với nền tảng số
- Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2024 | 5:31:43 PM
Báo chí truyền thống cần phải có tư duy sáng tạo hơn nữa để kết hợp giữa truyền thống với nền tảng số để vừa đáp ứng được yêu cầu, vừa đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Đó là chia sẻ bên hành lang Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11 của một số đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
|
Đánh giá về đợt 1 Kỳ hợp thứ 8 của Quốc hội, đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) nhìn nhận, đây là một kỳ họp với nhiều đổi mới, các dự án Luật trình tại Kỳ họp đều súc tích, ngắn gọn hơn, cô động hơn và đặt ra vấn đề về nguyên tắc, đường lối. Bên cạnh đó là sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, hay nói cách khác là giao cho địa phương trách nhiệm để tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong các quyết định của mình.
"Chúng ta đừng soạn quá chi tiết, quá cụ thể các luật, dự thảo luật. Trước đây, chúng ta cho rằng làm thế là tốt nhưng thực tế mấy chục năm qua đã cho thấy, đã chứng minh làm thế là không ổn. Cuộc sống bên ngoài nhiều biến động, luôn luôn thay đổi, biến động nhanh quá. Nếu không giao, không phân quyền cho các cấp, không phân quyền cho Chính phủ, các tỉnh, các Bộ thì sửa luật một ít thôi cũng trình ra Quốc hội sẽ không kịp thời”, đại biểu Quản Minh Cường chia sẻ.
Bên hành lang Kỳ họp, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đánh giá việc xây dựng các luật, pháp lệnh, các nội dung đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 8 đã được chuẩn bị, bàn bạc, thảo luận rất kỹ, trong đó có nhiều nội dung liên quan mật thiết đến phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều nội dung cử tri đang rất quan tâm.
Nhận xét về phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp, đại biểu Đoàn Trà Vinh chia sẻ, phần điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội "rất linh hoạt, dứt khoát”, còn phiên chất vấn đảm bảo "đi vào chiều sâu nội dung”.
Chia sẻ về "kinh tế báo chí” và "cơ hội, nguồn lực cho báo chí cách mạng trước sự bùng nổ của mạng xã hội” - một trong các vấn đề thu hút sự quan tâm tại kỳ họp này, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, truyền thông nói chung và những nội dung về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần phải nhanh nhạy qua các kênh thông tin, mạng xã hội. Tuy nhiên, Nhà nước và các địa phương, chính quyền địa phương, các cấp cần nghiên cứu những chính sách, cách thức "đặt hàng” để các cơ quan báo chí thực hiện đúng, triển khai cụ thể hóa nhanh các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
"Phải làm sao để các cơ quan truyền thông, báo chí có được những nội dung để thực hiện, hoạt động. Để xảy ra việc cạnh tranh giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội một cách đơn thuần như hiện nay thì báo chí sẽ rất khó cạnh tranh với mạng xã hội vì mạng xã hội đang có những lợi thế so với báo chí truyền thống. Nhưng báo chí cách mạng phải phát triển để truyền thông chính sách thật kỹ lưỡng, giúp người dân có thể nắm chắc được những chủ trương đó”, đại biểu Trần Quốc Tuấn khẳng định.
"Muốn xem các nội dung chính thức, chính thống thì người ta lại tìm đến cơ quan báo chí có uy tín bởi mạng xã hội hiện nay đưa tin nhanh, nhạy nhưng thông tin đó cần phải được kiểm chứng. Còn các báo chí truyền thống cần phải có tư duy sáng tạo hơn nữa để kết hợp giữa báo chí truyền thống với nền tảng số, để vừa đáp ứng được yêu cầu, vừa nhanh, vừa chính xác nhưng cũng phải đảm bảo truyền tải đầy đủ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời”, đại biểu Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Cũng theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, việc tạo cơ chế đặc thù cho phép báo chí được kinh doanh "cần phải cân nhắc thật kỹ” để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí có được nguồn thu để phát triển nhưng phải quản lý chặt, "tránh phát sinh nhiều vấn đề không hay” trong hoạt động của các cơ quan báo chí.
Bên hành lang kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã có những chia sẻ về kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, trong đó có đề cập đến cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông. Hoạt động của cơ quan báo chí phải dựa vào nhiệm vụ, các hoạt động nghiệp vụ của cơ quan báo chí. Những gì thuộc về nhiệm vụ, chức năng của mình sẽ được cơ quan chủ quản, Nhà nước "đặt hàng”.
"Khi cơ quan báo chí đáp ứng được chuyên môn của mình, đáp ứng được nhu cầu xã hội thì chúng ta phải khai thác và phát huy năng lực đó để tạo ra các nguồn thu. Điều quan trọng nhất là tất cả các hoạt động này phải hướng đến mục tiêu của báo chí cách mạng, phục vụ đúng tôn chỉ mục đích chứ không phải là chạy theo mục tiêu để có được nguồn thu, công ăn việc làm mà xa rời tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chính của chúng ta”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Các tin khác
Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 sẽ diễn ra từ ngày 4 - 7/12/2024 tại Hà Nội. Chuỗi sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất trong các lĩnh vực trọng yếu, như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học vật liệu, khoa học sức khỏe, môi trường và phát triển bền vững… sẽ mang tới nhiều thông tin và góc nhìn mới mẻ về tương lai của thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 20/11, Đại hội Internet thế giới năm 2024 đã khai mạc tại Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, thu hút sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu đến từ các nước, khu vực và tổ chức quốc tế trên thế giới. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã tham dự sự kiện và có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Sáng 18/11, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường.
Quỹ VinFuture chính thức công bố lịch trình Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 - 7/12/2024 tại Hà Nội.