Tọa đàm khoa học 'Đồng chí Trường Chinh – Nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo'
- Cập nhật: Thứ tư, 9/2/2022 | 1:54:34 PM
Sáng 9/2, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Trường Chinh – Nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo”.
PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
|
Đây là hoạt động thiết lực nhằm ôn lại cuộc đời cách mạng vẻ vang và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của đồng chí (9/2/1907-9/2/2022).
Đông đảo các nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và thân nhân gia đình đồng chí Trường Chinh đã tham dự tọa đàm.
Tấm gương người cộng sản mẫu mực
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Trường Chinh, tên khai sinh là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, giàu tinh thần yêu nước, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, được phân công đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước, đồng chí Trường Chinh luôn thể hiện rõ phẩm chất chính trị kiên định, trí tuệ uyên bác và bản lĩnh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí chính là một trong những người khởi xướng và là kiến trúc sư của công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nhấn mạnh tọa đàm diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vừa kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2022) và đón chào Xuân mới Nhâm Dần, đồng thời đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 05 và Kết luận 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi cho rằng Tọa đàm khoa học kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Trường Chinh có ý nghĩa thiết thực, góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để tiếp nối sự nghiệp cách mạng cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng các bậc lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam đã kiến tạo, dựng xây.
Kiến trúc sư của công cuộc đổi mới
Các tham luận tại tọa đàm của các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm rõ những cống hiến của đồng chí Trường Chinh trên các phương diện: người góp phần to lớn lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam; kiến trúc sư của công cuộc đổi mới ở Việt Nam; tấm gương người cộng sản mẫu mực, không ngừng đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong tham luận "Đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo kiệt xuất, người khởi xướng công cuộc đổi mới”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, đã có những phân tích làm nổi bật vai trò của Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà lý luận, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng, sự nghiệp hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh đã góp phần tạo nên những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, đưa đến thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến chống xâm lược, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới.
Đồng chí Trường Chinh là một người cộng sản mẫu mực, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng nước ta. Đảng khẳng định: "…Vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”; "đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” ; đồng chí là kiến trúc sư, người kiến tạo sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mãi được trân trọng vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau.
Các đại biểu dự buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Với tham luận có tiêu đề: "Đồng chí Trường Chinh với việc xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội VI của Đảng”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Dung (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã đề cập đến những đóng góp của đồng chí Trường Chinh trong việc xác lập đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Theo đó, đồng chí Trường Chinh cho rằng, muốn đổi mới bất cứ một lĩnh vực nào, cần phải chuẩn bị trước về lý luận, làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở lý luận đúng đắn dẫn đường, tiến hành soạn thảo các chính sách, biện pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Bên cạnh việc nghiên cứu những báo cáo tổng hợp của các địa phương, các ngành, đồng chí Trường Chinh đi khảo sát nhiều nơi. Và qua quá trình khảo sát thực tế, đồng chí Trường Chinh đã trao đổi ý kiến với các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu lý luận và cả những người lao động, từ đó giúp đồng chí nhìn thấy sự thật trong phát triển kinh tế của nước ta; lựa chọn và trân trọng những sáng kiến của các địa phương, của nhân dân để tìm ra câu trả lời thích đáng cho con đường đi lên của đất nước. Đây là cơ sở thực tiễn hết sức sinh động, tạo bước ngoặt trong tư duy đổi mới, sáng tạo của đồng chí.
Đồng chí Trường Chinh cũng thấy từ báo cáo đến thực tiễn còn không đúng. Qua thực tế khảo sát nhiều nơi, nhiều việc, đồng chí nhận định: "Chúng ta đang ở trong tình trạng nói dối phổ biến, nhưng không ai tự nhận mình nói dối cả”. Từ đây, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Dung đặt vấn đề: Phải chăng đây là bước chuẩn bị cho một luận điểm quan trọng đưa ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986): "Phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đổi mới chính là bắt đầu từ đấy. Nếu lảng tránh sự thật, đánh giá sai sự thật, giấu giếm sự thật thì không thể có đổi mới.
Các tin khác
Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải từ Bắc đến Nam. Mối quan hệ gắn kết giữa hai quốc gia được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi để xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.
Ngày 1/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Báo Bắc Giang trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Ngày 27/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị báo cáo viên tháng 11. Đồng chí Trần Tuấn Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.
Ngày 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp để xem xét, quyết định một số vấn đề. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị.