Đào tạo lao động có kỹ năng cho cách mạng công nghiệp 4.0 và tái cấu trúc nền kinh tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/2/2022 | 9:20:25 AM

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước sức ép của số hóa và toàn cầu hóa, cùng với những tác động của đại dịch COVID-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động, việc làm.

Tư vấn tìm việc cho thanh niên công nhân tại Ngày hội
Tư vấn tìm việc cho thanh niên công nhân tại Ngày hội "Tiếp sức ngày trở lại" (Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

 

Theo dự báo của các chuyên gia, trong khoảng 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ biến đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và AI... Điều này đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp cần có những giải pháp để thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ.

Kỹ năng lao động mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn

Theo Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), về tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19 và cách mạng công nghiệp 4.0, báo cáo gần đây của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy trong 5 năm tới, trên 80% doanh nghiệp sẽ gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng, các quy trình làm việc và tỷ lệ tự động hóa lên đến 50%; cùng với đó, tỷ lệ tương ứng người lao động phải được đào tạo lại, bổ sung kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu công việc.

Một số tổ chức quốc tế và tổ chức OECD cũng đưa ra nhận định, kỹ năng lao động, người lao động có kỹ năng, được coi là một đơn vị tiền tệ mới trong thị trường lao động toàn cầu. Vì trong thế kỷ 21, nó không chỉ mang lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động tốt hơn, còn mang tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tại Việt Nam, thị trường lao động, việc làm đang ngày càng phân hóa theo hai xu thế: nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và nhóm kỹ năng cao/lương cao. Điều này không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động có trình độ thấp, ngay cả lực lượng lao động bậc trung nếu họ không được trang bị các kiến thức, kỹ năng mới, kỹ năng sáng tạo để thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động và của doanh nghiệp.

Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, hiện nay, quy mô lực lượng lao động cả nước là 54,844 triệu người, trong đó lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 24%, trong số đó có gần 90% là lực lượng lao động qua đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng 55 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn chính là chất lượng nguồn nhân lực vì tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,5%, chỉ số kĩ năng có tăng những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức rất thấp, có khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên, nhưng làm vị trí công việc chỉ trình độ cao đẳng trở xuống lại có khoảng cách tăng lên qua các năm.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ này đã tăng 12% năm 2012, đến nay đã tăng lên 25%. Đây là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hơn hai thập kỷ qua - Tiến sỹ Trương Anh Dũng nêu thực tế và dự báo: Khi kết nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhu cầu lao động có kỹ năng sẽ tăng cao.

Vẫn còn những thách thức

Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã không ngừng đổi mới và có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng, hiệu quả đào tạo được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng nhân lực có kỹ năng của doanh nghiệp cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 80%, ở một số ngành, nghề đạt 100%.

Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang được vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước...

Với mục tiêu tạo nền tảng, động lực, nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trình Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản hướng dẫn hệ thống giáo dục nghề nghiệp linh hoạt, sáng tạo, thích ứng, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị; thu hút các nguồn lực đầu tư, học hỏi kinh nghiệp quốc tế; triển khai các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thực hiện thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, đặc biệt là đảm bảo kết nối hoạt động quản lý, hoạt động dạy - học.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và xu thế quốc tế hóa nhân lực, vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2020 còn khoảng 75,4% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp. Ngoài ra, tính thích ứng của hệ thống chưa cao để theo kịp với sự thay đổi của khoa học công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0. Đào tạo theo các chương trình chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh cao. Tính thích ứng của hệ thống chưa cao để theo kịp với sự thay đổi của khoa học công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 và những rủi ro phi truyền thống như đại dịch COVID-19...

Điểm đáng mừng là hiện nay 80% doanh nghiệp đã chủ động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực lao động. Điều này thể hiện việc doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc liên kết với các cơ sở giáo dục bên ngoài để đào tạo nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn chậm trễ. Có 80% các doanh nghiệp biết đến công nghệ đặc thù trong cách mạng công nghiệp 4.0; nhưng có tới 42% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì về nhân lực, 39% đang xây dựng kế hoạch, chỉ có 11,8 % là đã có kế hoạch chưa triển khai; 6% đã đang triển khai và có kết quả. Đây là một sự hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho cách mạng công nghiệp 4.0 và cho việc tái cấu trúc nền kinh tế.

Để nền kinh tế tăng trưởng bền vững

Tiến sỹ Trương Anh Dũng cho rằng, việc tái cấu trúc nền kinh tế gắn liền với phục hồi, phát triển bền vững, do vậy bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ bao phủ vaccine để khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, cần tập trung vào các trụ cột quan trọng của phục hồi kinh tế. Đó là: đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn; triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn, có tác động lan tỏa; nâng cao chất lượng thể chế chính sách, môi trường đầu tư; nỗ trợ phát triển thị trường lao động; và Đẩy nhanh đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề.

"Nếu tập trung đúng mức vào trụ cột nâng cao kỹ năng lao động, đổi mới công nghệ lò xo năng suất lao động sẽ kích hoạt, sẽ bung ra. Trong trạng thái bình thường mới, chính kỹ năng lao động sẽ giúp doanh nghiệp các ngành công nghiệp mới, năng suất lao động cao sẽ phục hồi, phát triển mạnh mẽ, qua đó sẽ giúp nền kinh tế không những thoát khỏi suy thoái, còn đồng thời được tái cấu trúc theo hướng hiệu quả hơn, đi vào tăng trưởng theo chiều sâu bền vững, bắt kịp với xu thế tiến bộ của thế giới" - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận định.

Để nâng cao kỹ năng lao động, các giải pháp được đưa ra là: Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp, người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động, thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng, thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.

Quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát, đẩy lùi COVID-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp; triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng, thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế...

Đối với việc đào tạo, phát triển giáo dục nghề nghiệp, cần bổ sung thêm chính sách, nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên, người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động; nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm, nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh, áp dụng các biện pháp để duy trì, tổ chức tốt các hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển giáo dục nghề; đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo; tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để thích ứng với điều kiện sản xuất mới, nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định 1446/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía doanh nghiệp, trước mắt cần tập trung cập nhật các thông tin, thay đổi nhận thức về chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cả đất nước, cũng như tái cơ cấu của doanh nghiệp. Sau đó nắm bắt cơ hội hành động mau lẹ, để tranh thủ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.

Về dài hạn, doanh nghiệp cần có chiến lược, lộ trình phát triển nhân lực thích ứng với bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết, đồng hành với hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo bồi dưỡng nhân lực có kỹ năng nghề. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng cơ chế hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích, cùng có trách nhiệm xây dựng mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để thúc đẩy người sử dụng lao động phát triển nhân lực có kỹ năng, thích ứng với yêu cầu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế", Tiến sỹ Trương Anh Dũng khuyến nghị.

Theo TTXVN(NT)

Các tin khác
Trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc Cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Nhu cầu thang máy tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Triển lãm Vietnam Elevator Expo làm kênh tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác.

Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ 3 - Vietnam Elevator Expo 2024 thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bắc Giang ngày càng được nhiều DN lựa chọn triển khai dự án.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024, đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, định kỳ tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ảnh Minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự