Việt Nam-Ấn Độ khơi dậy tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư
- Cập nhật: Thứ năm, 17/3/2022 | 3:56:50 PM
Bên cạnh việc thúc đẩy triển khai các dự án quy mô lớn, Phòng Thương mại Ấn Độ sẽ đẩy mạnh kết nối hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và Ấn Độ, phát huy lợi thế của mỗi bên.
hủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ trao các thoả thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Ấn Độ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
|
Việt Nam-Ấn Độ có nhiều dư địa để hợp tác toàn diện cả về thương mại và đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, bán lẻ và nông sản.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 2 do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 17/3.
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết quan hệ kinh tế và thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam là những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Là hai trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, sự tham gia của Ấn Độ và Việt Nam trong chuỗi cung ứng đang tăng lên nhanh chóng.
Hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam-Ấn Độ tăng nhanh từ mức 200 triệu USD (năm 2000) lên hơn 13 tỷ USD (năm 2021).
Đặc biệt, chỉ trong 5 năm sau khi trở thành đối tác toàn chiến lược toàn diện vào năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi và mục tiêu của năm 2022 là 15 tỷ USD.
[Thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ lần đầu vượt mốc 13 tỷ USD]
Theo ông Pranay Verma, những kết quả đạt được thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà Việt Nam-Ấn Độ có được. Giai đoạn hiện nay khi cả Ấn Độ và Việt Nam đang thoát ra khỏi cái bóng của dịch COVID-19 và tập trung vào việc phục hồi kinh tế nhanh chóng chính là thời điểm hoàn hảo để tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn.
Dịch COVID-19 đã tạo ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng nó cũng mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy các quốc gia, doanh nghiệp tương tác với nhau nhiều hơn thông qua các ứng dụng công nghệ và chính ở đó những cơ hội kinh doanh mới xuất hiện.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là động lực thực sự của nền kinh tế cả Ấn Độ và Việt Nam ngày càng đến gần nhau hơn.
"Ấn Độ đang vươn lên khỏi bóng đen của COVID-19 với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 9% trong giai đoạn 2021-2022. Dự báo cho năm tới sẽ dao động trong khoảng 8%-8,5% và trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Điều này kéo theo một số cải cách táo bạo đã được thực hiện trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, giáo dục, lao động để nâng cao trải nghiệm dễ dàng kinh doanh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã đặt ra tầm nhìn về việc đạt được vị thế của một quốc gia đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và một nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Sự tương đồng trong chính sách và tinh thần tự cường của hai dân tộc chính là cơ sở vững chắc để Việt Nam-Ấn Độ khơi dậy tiềm năng hợp tác về thương mại và đầu tư” - ông Pranay Verma chia sẻ.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ song phương bền chặt trong suốt chiều dài lịch sử cùng với sự tăng trưởng ấn tượng về thương mại giữa hai nước trong vài năm qua.
Tuy nhiên, với thế mạnh hiện có của hai quốc gia, vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong thương mại và đầu tư song phương .
Tính đến tháng 2/2022, Ấn Độ đứng thứ 25/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 315 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 918 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện và khai khoáng.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn hơn 6 triệu USD, chủ yếu là bán buôn bán lẻ, đứng thứ 42/78 quốc gia mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài.
Theo ông Võ Văn Hoan, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều tác động lên sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, với những lợi thế cạnh tranh của riêng mình, cả Việt Nam và Ấn Độ hiện đang nằm trong trung tâm của sự dịch chuyển này.
Điều này thể hiện ở thực tế cả hai nước đều đang nhận được nguồn đầu tư nước ngoài lớn, mở ra cơ hội cho hai nước đón đầu giai đoạn phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Phân tích về các lĩnh vực có nhiều tiềm năng để hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, bà Sumita Dawra, Tổng Cục trưởng chuyên trách Cục Xúc tiến Công nghiệp và Nội thương Ấn Độ (DPIIT) cho biết Ấn Độ có thế mạnh phát triển công nghệ thông tin, dược phẩm, dầu khí và kinh nghiệm trong các lĩnh vực sản xuất sắt thép, da giày, bông sợi.
Đây đều là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một lĩnh vực khác mà cả hai nước đều có thế mạnh và đang quan tâm phát triển là sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Do đó, hai nước còn nhiều dư địa cho hợp tác đầu tư và thương mại các sản phẩm nông sản cũng như hỗ trợ nhau về công nghệ chế biến.
Trong khi đó, ông Rajeev Singh, Tổng giám đốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ chia sẻ, các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng quan tâm nhiều hơn việc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, Phòng Thương mại Ấn Độ sẽ đẩy mạnh kết nối hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên, đóng góp và sự phát triển của hai quốc gia./.
Các tin khác
Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức nhiều lớp nâng cao kỹ năng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh. Nhờ đó, nhiều chủ thể sản xuất, kinh doanh (SXKD) đã chủ động kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT thuận lợi. Qua đó góp phần giúp thương mại, dịch vụ (TMDV) của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại.
Việc đăng ký cư trú cho người chưa thành niên; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú, tạm trú được quy định trong Nghị định số 154/2024/NĐ-CP, ngày 26/11/2024, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây gọi tắt là Nghị định 154/2024/NĐ-CP)
Còn gần một tháng nữa là đến thời điểm huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang sáp nhập; điều chỉnh địa giới huyện Lục Ngạn và một phần huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới. Dù còn nhiều việc phải làm song các cơ quan, địa phương liên quan vẫn tập trung cao giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.
Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.