Tạo "luồng gió mới" phát triển dịch vụ chất lượng cao
- Cập nhật: Thứ ba, 3/9/2024 | 3:51:38 PM
Mấy năm liên tục, Bắc Giang trở thành điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của cả nước nhưng dịch vụ vẫn là “vùng lõm”, chưa tương xứng với đà phát triển. Để thúc đẩy dịch vụ, tăng tỷ lệ trong cơ cấu kinh tế rất cần giải pháp dài hạn, đột phá, nhất là thu hút dịch vụ chất lượng cao.
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị GO! Bắc Giang.
|
Nhiều lợi thế
Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; bình quân cả giai đoạn 2016-2023 đạt trung bình 13,6%/năm. Nổi bật là năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 13,45% đứng đầu cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 3.950 USD, tăng 10%, vượt 3% kế hoạch (đứng thứ 23 cả nước). Kinh tế liên tục có sự tăng trưởng cao, số lượng các dự án vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều. Điều này tạo ra thu nhập của dân cư từng bước tăng lên; số lượng lớn lao động, chuyên gia nước ngoài (bộ phận lao động có thu nhập cao) đến sinh sống và làm việc ngày càng tăng.
Quá trình đô thị hoá đang được đẩy mạnh, hạ tầng giao thông kết nối phát triển đã rút ngắn khoảng cách giữa Bắc Giang với các tỉnh, thành phố phát triển (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,…), giữa các vùng nông thôn với thành thị. Hơn nữa, Bắc Giang gần các trung tâm phát triển của cả nước, nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có đầy đủ cả đường bộ, đường sắt, đường thủy. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đáp ứng yêu cầu phát triển, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân khi mức sống tăng cao, Bắc Giang đã thu hút đầu tư, bước đầu hình thành một số trung tâm, khu mua sắm hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 5 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 12 siêu thị mini, 631 cửa hàng tiện lợi kinh doanh tổng hợp, 65 thương nhân bán buôn thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, 69 kho chứa hàng hóa với tổng diện tích hơn 20 nghìn m2.
Nổi bật là siêu thị GO! Bắc Giang của Tập đoàn Central Group, trung tâm thương mại Vincom Plaza của Công ty TNHH vận hành Vincom Retail, ngoài hàng hoá đa dạng, sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ còn có khu vui chơi giải trí. Cùng đó còn có một số khách sạn cao cấp, Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp Hapro Bắc Giang, Trung tâm thương mại thị trấn Vôi. Một số dự án thương mại dịch vụ lớn đã hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác đã đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và tạo ra động lực mới cho tăng trưởng ngành dịch vụ của tỉnh nói riêng như: Dự án đầu tư xây dựng sân Golf, dịch vụ Yên Dũng; sân Golf Việt Yên; sân Golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang; tổ hợp khách sạn Mường Thanh Bắc Giang…
Nhìn chung, lĩnh vực dịch vụ thương mại thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động thương mại được mở rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Do đó đã đáp ứng được nhu cầu của sản xuất, phục vụ tiêu dùng, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đã thu hút được một số thương hiệu lớn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ như: Vingroup, FPT, Go, Co.opmart.
Huy động thêm nguồn lực đầu tư cho dịch vụ
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dù đã có những chuyển biến nhưng tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chưa có bước đột phá, bình quân hằng năm chỉ đạt 6-7%. Các năm 2019, 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tăng trưởng chỉ đạt từ 2,8 đến hơn 3%.
Sở đang tham mưu cho tỉnh để có Nghị quyết phát triển một số ngành dịch vụ trọng tâm, giai đoạn 2024-2030. Khi Nghị quyết được ban hành sẽ huy động được thêm nhiều nguồn lực đầu tư, kỳ vọng sẽ mang lại "luồng gió mới” cho thương mại, dịch vụ của tỉnh, tạo động lực mới cho phát triển KT-XH địa phương".
Ông Vũ Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư |
Năm 2022, kinh tế được phục hồi sau dịch song cũng chỉ đạt mức tăng 7,2%; năm 2023 tăng trưởng dịch vụ lại trở về mức bình quân, đạt 6,8%. Tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh có xu hướng thu hẹp dần, chưa theo kịp tốc độ phát triển. Nguyên nhân là do chưa thu hút nhà đầu tư dự án thương mại- dịch vụ quy mô lớn. Chưa hình thành tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm, ẩm thực cũng như hệ thống kinh doanh, trung tâm thương mại quy mô lớn của các tập đoàn kinh tế. Thực tế, nhiều chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại tỉnh nhưng tiêu dùng, sinh sống tại địa bàn khác như Hà Nội, Bắc Ninh.
Dự báo, thu nhập bình quân đầu người thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ tăng dần, gia tăng sức mua và thay đổi cơ cấu, phương thức tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Sự xuất hiện của các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại, thương mại điện tử sẽ thay đổi dần thói quen mua bán truyền thống của người dân. Nhu cầu về thực phẩm sạch, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm sẽ được quan tâm nhiều hơn. Vì vậy, các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại sẽ phát triển nhanh, tập trung ở các đô thị, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với các loại hình truyền thống.
Để thúc đẩy phát triển dịch vụ, Bắc Giang đưa ra hàng loạt giải pháp, trọng tâm là nêu cao trách nhiệm, sự năng động của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, chuyên nghiệp, chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang thu hút đầu tư chủ động. Xây dựng danh sách các nhà đầu tư chiến lược, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong các lĩnh vực để chủ động tiếp xúc, mời gọi nhà đầu tư chiến lược.
Phát triển tập trung vào một số ngành mũi nhọn như: Dịch vụ thương mại rộng khắp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, trở thành ngành dịch vụ chủ lực; kêu gọi thu hút, triển khai các dự án đầu tư tổ hợp vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn gồm khách sạn, khu dịch vụ, du lịch, thương mại, vui chơi giải trí, casino, trung tâm tổ chức sự kiện. Đồng thời, nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch, tạo quỹ đất phát triển thương mại dịch vụ; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ.
Theo ông Vũ Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển dịch vụ, Sở đang tham mưu cho tỉnh để có Nghị quyết phát triển một số ngành dịch vụ trọng tâm, giai đoạn 2024-2030. Khi Nghị quyết được ban hành sẽ huy động được thêm nhiều nguồn lực đầu tư, kỳ vọng sẽ mang lại "luồng gió mới” cho thương mại, dịch vụ của tỉnh, tạo động lực mới cho phát triển KT-XH địa phương.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Đưa Bắc Giang trở thành trung tâm giao thương lớn của khu vực Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định Bắc Giang là một cực tăng trưởng của vùng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định, phát triển toàn diện các ngành kinh tế, trong đó dịch vụ là điều kiện thúc đẩy (cùng với công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm). Trong thời gian tới, về quản lý nhà nước, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển dịch vụ. Theo đó cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển dịch vụ; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại, ưu tiên dự án quy mô lớn, có tính đột phá, mang tính chất tổng hợp, kết nối cao, giá trị gia tăng lớn. Phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, phát triển kinh tế ban đêm tại các khu dân cư tập trung, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế số; thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN)... Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; xây dựng chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm giữa các DN, kênh phân phối, thương nhân nhập khẩu của nước ngoài với các DN, thương nhân của tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt là tập trung cao cho việc tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Huy động các nguồn lực để tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; tăng cường liên kết trong phát triển, nhất là liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đưa tỉnh Bắc Giang trở thành một trong những cực tăng trưởng, trung tâm giao thương lớn của khu vực. Ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Khai thác thế mạnh về công nghiệp Thị xã Việt Yên đã tập trung hoàn thành Quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045 và Chương trình phát triển đô thị Việt Yên đến năm 2045. Đây là cơ sở để thị xã định hướng hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư trên địa bàn, đó là xác định xây dựng và phát triển thị xã theo hướng xanh, thông minh, bản sắc và bền vững; trở thành đô thị công nghiệp và dịch vụ, có hệ thống hạ tầng khung đồng bộ. Qua đánh giá hiện trạng phát triển, thị xã Việt Yên chọn cách tiếp cận phát triển dịch vụ để khai thác thế mạnh về công nghiệp. Thị xã đã bố trí quỹ đất trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, hiện đang xây dựng các phương án đấu giá, đấu thầu để thu hút đầu tư các công trình phục vụ nhu cầu của lao động và chuyên gia làm việc trong các khu, cụm công nghiệp đồng bộ trên các lĩnh vực: Nhà ở, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí... Đồng thời, định hướng đầu tư các công trình hạ tầng khung, đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư các khu dân cư, thương mại. Ngoài ra, thị xã bố trí vốn đầu tư công và xây dựng dự kiến kế hoạch đầu tư công để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, từng bước khai thác hiệu quả kinh tế, hình thành dịch vụ du lịch - di sản như tu bổ, tôn tạo chùa Bổ Đà, khôi phục không gian văn hóa làng cổ Thổ Hà. UBND thị xã định hướng thu hút tập trung thu hút khu đô thị (KĐT) đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút chuyên gia và người lao động "an cư lạc nghiệp” gồm: KĐT mới Quang Châu, KĐT dịch vụ Ninh Sơn, KĐT công viên Hồ Dục Quang, KĐT mới Vân Trung, KĐT Tiên Sơn - Ninh Sơn... Tuy nhiên, do sự thay đổi về chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật đất đai dẫn đến việc huy động nguồn lực còn chưa tương xứng. Thị xã mong các sở, ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn, đồng hành với địa phương trong tổ chức thực hiện các dự án về dịch vụ thời gian tới. Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm thương mại Vincom Plaza Bắc Giang (Công ty cổ phần Vincom Retail) Đưa dịch vụ chất lượng cao đến người dân Bắc Giang sở hữu vị trí chiến lược với hệ thống giao thông thuận tiện và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và cũng đã mở ra nhiều triển vọng, cơ hội thu hút các nhà đầu tư cùng chung tay phát triển. Vincom Retail đã nỗ lực để cuối tháng 7 vừa qua khai trương Trung tâm thương mại Vincom Plaza Bắc Giang với diện tích hơn 13 nghìn m2 mặt sàn bán lẻ với 4 tầng. Vincom Plaza đã nhanh chóng khẳng định vị thế là trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất của tỉnh, trở thành điểm đến yêu thích của người dân địa phương, với sự hội tụ của gần 50 thương hiệu Việt Nam và quốc tế. Nơi đây đánh dấu sự hiện diện lần đầu tiên của một số thương hiệu như Dookki, Long Wang, Khrua Bann Thai, Dream Si, Aim Box, Max Patin… trên địa bàn, đồng thời cũng là nơi mà các thương hiệu địa phương được sánh vai cùng kinh doanh như Riêu Việt, Lẩu Mười Dặm Thơm, D’Mart, Nhà sách Tohana... Tất cả các thương hiệu Việt Nam và quốc tế đều được quy hoạch theo ngành hàng hợp lý để tạo nên trải nghiệm mua sắm "Local Meets Global” - "Địa phương tới toàn cầu” cuốn hút. Trung tâm thương mại Vincom Plaza lần đầu tiên tại Bắc Giang còn mang lại cho người dân địa phương chuỗi sự kiện đặc sắc đã tạo nên sức hút lớn. Vì thế, chỉ sau chưa đầy một tháng, trung tâm đã thu hút hơn 300 nghìn lượt khách đến chơi và mua sắm, với tỷ lệ lấp đầy gian hàng lên tới 99%. Là đơn vị phát triển, quản lý và vận hành với bề dày kinh nghiệm tại Việt Nam, Vincom Retail không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp, mà còn là cầu nối giữa các thương hiệu bán lẻ trong nước và quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Hàng hoá tại trung tâm thương mại đều được kiểm soát rõ về nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn, mang lại sự yên tâm về chất lượng sản phẩm cho khách hàng. Với những tính năng ưu việt, dịch vụ đa dạng, tin tưởng Vincom Plaza Bắc Giang sẽ trở thành điểm đến yêu thích, mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm, ẩm thực và giải trí cho mọi người. Trường Sơn (ghi) |
Các tin khác
Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.
Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ 3 - Vietnam Elevator Expo 2024 thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024, đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, định kỳ tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.