Bắc Giang dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/9/2024 | 5:33:27 PM

Đến ngày 10/9, nước đã rút trên địa bàn huyện Sơn Động, Lục Ngạn, giao thông cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, khó khăn chưa hết thì nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về khiến lũ trên một số sông lại dâng cao. Với tinh thần hạn chế thấp nhất thiệt hại, Bắc Giang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất, đời sống sau bão.

Người dân thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) di chuyển cây giống lâm nghiệp đến nơi an toàn.
Người dân thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) di chuyển cây giống lâm nghiệp đến nơi an toàn.

Khẩn trương khôi phục điện, nước, thông tin liên lạc

Đến chiều 10/9, lũ trên sông Thương, sông Cầu tiếp tục dâng, mực nước các hồ đạt dung tích thiết kế song hệ thống đê điều, hồ đập an toàn. Một số đê bối cho tràn để chọn phương án phòng, chống lụt bão tối ưu nhất. Cùng với theo dõi sát tình hình, Bắc Giang chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão với tinh thần khẩn trương, lũ rút đến đâu, khôi phục sản xuất đến đó, ngành nào khắc phục ngành đó, địa phương nào khắc phục ở địa phương đó. Điện có vai trò quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội nên ngành Điện nỗ lực, ngày đêm không ngừng nghỉ hạn chế tối đa việc gián đoạn cung cấp điện, đồng thời không để xảy ra mất an toàn điện. Vì thế, ngay khi nước rút, nhiều địa phương đã được cấp điện trở lại.

Công nhân Điện lực Hiệp Hòa kiểm tra hệ thống điện trong đêm tại xã Mai Đình (Hiệp Hòa).

Theo Công ty Điện lực Bắc Giang, chiều 10/9, toàn bộ trạm biến áp 110 kV có điện, không còn trạm bơm tiêu úng mất điện cũng như địa phương mất trắng điện. Tuy nhiên, một số khu vực thuộc thị xã Việt Yên, huyện Yên Thế và Hiệp Hòa … bị ngập cục bộ nên việc cấp điện chưa thể khôi phục hoàn toàn. Anh Lê Văn Thắng, công nhân Điện lực Hiệp Hòa chia sẻ: "Để ứng phó với bão số 3, chúng tôi đã trực từ nhiều ngày nay. Đội gồm 14 người, phụ trách địa bàn 7 xã của huyện. Đêm 9/9, trời mưa lớn, lũ dâng cao, qua kiểm tra tình hình thực tế, nhiều vị trí nước gần ngập công tơ, nguy cơ rò rỉ điện, chúng tôi đã đề xuất sa thải phụ tải ở xã Mai Đình, một phần xã Xuân Cẩm do bị ngập úng, chiều 10/9 có khoảng 1,8 nghìn khách hàng bị ngắt điện”.

Theo Công ty Điện lực Bắc Giang, đến 15 giờ ngày 10/9, toàn tỉnh còn khoảng 90 nghìn khách hàng mất điện, giảm hơn 10 nghìn khách hàng so với sáng cùng ngày. Trong đó nhiều nhất là huyện Lục Ngạn với 58 nghìn khách hàng do còn nhiều điểm ngập lụt, chia cắt.

Cùng với điện, nước là nhu cầu thiết yếu cũng được đơn vị cung cấp dịch vụ quan tâm khắc phục. Lũ dâng cao đã làm ngập trạm bơm nước thô nên Công ty cổ phần nước DNP - Bắc Giang đã phải dừng cấp nước từ sáng 9/9. Để nhanh chóng cấp nước trở lại, phục vụ khách hàng, cán bộ, công nhân của doanh nghiệp liên tục, xuyên đêm bơm nước ngập trong nhà máy ra ngoài. Đồng thời, chuẩn bị phương án dự phòng máy phát điện và nâng toàn bộ hệ thống máy bơm, trạm phát, trạm biến áp lên cao 1 mét so với mặt sàn.

Đến 6 giờ sáng 10/9, nước xuống, nhà máy đã cho chạy lại máy phát điện và vận hành thử trước 1 tổ máy bơm lúc 9 giờ cùng ngày. Đến 17 giờ ngày 10/9, Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang đã mở, đón nước từ hệ thống nước sạch của Công ty cổ phần nước DNP - Bắc Giang vào mạng lưới cấp nước chung của đơn vị. Hoạt động cấp nước cho khách hàng của hai doanh nghiệp trở lại bình thường.

Điện, nước bảo đảm, đến nay thông tin liên lạc toàn tỉnh thông suốt, hệ thống giao thông cơ bản được khắc phục, chỉ còn một số tuyến đường tỉnh vẫn ngập. Lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức phân luồng, canh gác, bảo đảm an toàn giao thông.

Thu hoạch cây trồng đến lứa, nhanh chóng gieo vụ mới

Lũ lên cao, cùng với tập trung di chuyển, thu hoạch rau màu hạn chế thiệt hại, ở nhiều nơi người dân đã dọn vệ sinh đồng ruộng, trồng lứa mới. Tìm hiểu tại Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng, đơn vị có 3,5 ha dưa các loại (đang đến cận ngày thu hoạch) trồng trong nhà lưới bị hư hại, cùng đó có diện tích lớn trồng rau màu bên ngoài nhà lưới cũng bị dập nát, ngập nước. Trong hai ngày 9 và 10/9, HTX huy động tối đa nhân lực để bơm tiêu thoát nước và thu hoạch hơn 20 tấn dưa sữa, dưa lưới TL3, rau muống, rau cải, cà chua…

Bà Hoàng Thị Phúc, cán bộ quản lý sản xuất cho hay: "Chúng tôi lựa chọn những nông sản đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh theo hợp đồng đã cam kết, giá bán duy trì ổn định. Sau khi thu hoạch hết, HTX thu dọn phần khung, mái nhà lưới bị hư hỏng, xử lý đất nhằm hạn chế dịch hại ở những vụ sau”. Hoạt động thu hoạch rau, màu đến lứa cũng diễn ra khẩn trương tại một số xã của huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên… Tại cánh đồng tổ dân phố Hải, thị trấn Kép (Lạng Giang), chị em phụ nữ mỗi người một việc, giúp gia đình chị Đặng Thị Phương thu hoạch hơn 4 tấn bí xanh.

Thực hiện khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, cơ quan chuyên môn, nhiều hộ trồng cây ăn quả ở Lục Ngạn đã khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi luống, hố và vườn cây khi lũ rút. Sau mưa bão, các bộ phận của cây bị tổn thương là điều kiện để sâu bệnh hại xâm nhập, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời; đặc biệt quan tâm phòng trừ các đối tượng dịch hại do nấm, vi khuẩn gây ra cho cây ăn quả. Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày nhằm cung cấp kịp thời cho thị trường, tăng thu nhập cho nông dân.

Tại huyện Sơn Động, đồng chí Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện thông tin, hiện chỉ còn thôn Nà Trắng, xã An Lạc bị chia cắt; hơn 421 hộ phải di dời đã trở về an toàn. Ngoài ngân sách của địa phương, huyện tiếp tục kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Hiện huyện đang đánh giá thiệt hại, nhất là về rừng sản xuất để có đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở

Trong khi tại huyện Lục Ngạn, Sơn Động lũ rút thì những địa phương vùng xuôi lũ trên các sông dâng cao. Tính đến chiều 10/9, toàn tỉnh di dời hàng nghìn hộ dân, tập trung ở TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Thế đến nơi an toàn. Tại nơi ở mới, người dân đều được quan tâm, động viên kịp thời. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Ân, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Mai Đình (Hiệp Hòa), hiện xã có 3/5 thôn bị cô lập. Từ ngày 9/9 đến nay, đơn vị huy động lực lượng xung kích hỗ trợ 21 hộ dân cùng nhiều tài sản đến ở vị trí cao hơn. Tối 10/9, lực lượng chức năng phát mỳ gói cho các hộ vùng bị cô lập. Mặc dù vất vả, nhiều giờ ngâm mình và di chuyển dưới nước khó khăn song tinh thần của cán bộ, chiến sĩ sao vuông luôn nỗ lực hết sức.

Tại huyện Yên Thế, để hỗ trợ di dời người dân và tài sản cho các hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, UBND huyện đã huy động toàn bộ lực lượng của Ban CHQS huyện và lực lượng tại chỗ. Đến nay, đã di dời 370 hộ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Nếu nước tiếp tục dâng từ 30-50 cm, dự kiến phải di dời 860 hộ.

Nhờ sự vào cuộc hỗ trợ của cả cộng đồng nên dù phải di dời tránh lũ nhưng không ai trong tỉnh bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở. Trong đó, có sự hiệp đồng, giúp sức của lực lượng công an, quân đội. Riêng Bộ CHQS tỉnh hiệp đồng, huy động hơn 20 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện tham gia khắc phục hậu quả sau bão.

Hiện nay, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tổ chức lực lượng vận chuyển lương thực hỗ trợ nhân dân vùng lũ. Những ngày qua, có khoảng 3 nghìn cán bộ, chiến sĩ công an tham gia công tác phòng, chống thiên tai, xuyên đêm cùng nhân dân ngăn lũ. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị kiểm tra các trang thiết bị, phương tiện được trang cấp; sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân, thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc Cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Nhu cầu thang máy tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Triển lãm Vietnam Elevator Expo làm kênh tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác.

Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ 3 - Vietnam Elevator Expo 2024 thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bắc Giang ngày càng được nhiều DN lựa chọn triển khai dự án.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024, đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, định kỳ tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ảnh Minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự