Những ký ức lịch sử về Hà Nội ngày khải hoàn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/10/2024 | 4:17:57 PM

Dưới ánh sáng của lịch sử và niềm tự hào dân tộc, ngày 10/10/1954 đã trở thành dấu ấn không thể phai trong tâm trí người dân Việt Nam, khi Thủ đô được giải phóng sau gần một thế kỷ dưới ách đô hộ.

Sau 70 năm, những ký ức về Hà Nội ngày khải hoàn vẫn vang vọng, trở thành biểu tượng về tinh thần yêu nước, kiên cường và bất khuất của dân tộc.

Nhà thơ Tố Hữu, người chứng kiến thời khắc giải phóng Thủ đô đã diễn tả lại niềm xúc động dâng trào của mình qua những vần thơ: "Giữa Thủ đô/Cụ Hồ về/ Bộ đội/Tiến vào năm cửa ô/ Về đến đây rồi, Hà Nội ơi/ Người đi kháng chiến tám năm trời/Hôm nay về lại đây Hà Nội/ giàn giụa vui lên ướt mắt cười."

anh0.jpg
Bộ đội ta từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)

Sẵn sàng cho ngày về chiến thắng

"Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi/ Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca” - khúc khải hoàn ca mà nhà thơ Tạ Hữu Yên nhắc đến trong vần thơ nổi tiếng ấy chính là cuộc trở về lịch sử cách đây 70 năm của những người lính Thủ đô.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhưng thực dân Pháp đã trở lại xâm lược với dã tâm tái lập chế độ thuộc địa. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hà Nội trở thành nơi mở màn cho cuộc chiến tranh trường kỳ.

Sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 lịch sử, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

Theo các điều khoản của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Trong 80 ngày đó, Hà Nội chưa có hòa bình, quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp quản.

anh1.jpg
anh2.jpg
anh3.jpg

Thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, gây rối loạn và làm cho mọi công việc bị đình trệ. Chúng muốn ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn, làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và quốc tế.

Biết trước âm mưu của Pháp, ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô.

Ngày 17/9/1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Ủy ban do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Hội đồng Chính phủ đã công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng; Bộ Tổng Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêukhích, phá hoại.

 

Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 cùng nhiều đơn vị công an được giao nhiệm vụ vào tiếp quản Thủ đô. Tháng 8/1954, Trung ương Đảng Chính phủ chủ trương thành lập Đại đoàn 350 và đưa đại đoàn này về Thủ đô làm nhiệm vụ.

Để làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, xác định đúng thái độ và quán triệt nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp và chỉ thị trực tiếp cho bộ đội.

bac ho noi chuyen o den hung.jpg
Ngày 19/9/1954, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên phong) trên đường về tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)

Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Phú Thọ, Bác đã nói chuyện với cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 Quân Tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô và đã có câu nói bất hủ để lại cho muôn đời con cháu mai sau: "Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước."

Bác nêu rõ: "Tám, chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản Thủ đô, là được nhận một vinh dự rất lớn... Các cháu sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó. Trước đây các cháu ra trận chiến đấu với phi cơ, xe tăng, đại bác thì bất khuất, nhưng bây giờ, trước những viên đạn bọc đường, các cháu có thể bị ngã quỵ nếu không nêu cao kỷ luật..." và căn dặn "đồng bào Hà Nội mong chờ các cháu từ ngày các cháu ra đi. Nay may cờ đỏ sao vàng chờ đợi, hoan hô các cháu, hãy xứng đáng với vinh dự, trách nhiệm đó."

Sau quá trình đấu tranh trên mặt trận ngoại giao yêu cầu thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn, bảo đảm nguyên tắc chuyển giao trong trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống Nhân dân, ngày 30/9/1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Chính phủ ta đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.

Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến 5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố trước, chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng.

Linh Phap rut lui2.jpg
Những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 6/10/1954, quân Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển. Đây là quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành được giải phóng. Cùng ngày, chúng rút khỏi thị xã Hà Đông và ở phía Bắc về Dốc Lã, cách Yên Viên 3 km.

Theo kế hoạch đã định, sáng ngày 8/10/1954, các đơn vị quân đội của ta tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội. Chiều 8/10, một số đơn vị tiến sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy, trong khi đó, quân Pháp rút khỏi Yên Viên.

Sáng 9/10/1954, ta tiếp quản 4 quận Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi. Quân đội ta theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Lần lượt, bộ đội ta tiếp quản nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ.

16 giờ, quân đội Pháp rời khỏi thành phố Hà Nội, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16 giờ 30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội, tiếp quản thành phố an toàn và trật tự.

tiep quan1.jpg
tiep quan2.jpg
 

"Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”

Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

Hà Nội tràn ngập cờ hoa. Hàng vạn người dân từ các khu phố Hàng Bài, Hàng Đào, Tràng Tiền đến khu vực Hồ Gươm đã đổ ra đường chào đón các đoàn quân tiến vào thành phố.

Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía Tây gồm những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu "Chiến sỹ Điện Biên Phủ," xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) đi qua các phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông.

anh5.jpg
anh8.jpg

Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm, đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị).

Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.

Các cánh quân đi qua các phố chính của Hà Nội, đến các cơ quan đầu não của chính quyền thực dân cũ như Phủ Toàn quyền, Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp. Tại đây, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên các công sở, chính thức khẳng định sự tiếp quản của chính quyền cách mạng.

Lễ tiếp quản Thủ đô đã diễn ra long trọng tại sân vận động Cột Cờ, với sự có mặt của nhiều lãnh đạo và quân dân Hà Nội. Theo đó, vào lúc 15 giờ, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.

Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng.

Trong Lời kêu gọi, Bác viết: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”

Bác còn căn dặn: "Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh.”

anh4.jpg
anh6.jpg
 

Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng, như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, sở Mật thám liên bang. Sinh hoạt của Nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt; trường học, bệnh viện, các cơ quan văn hóa, báo chí… tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự quản lý của chính quyền.

Ngày Giải phóng Thủ đô đã trở thành một dấu mốc son trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của quân và dân ta, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình, tự do của Nhân dân Thủ đô và cả nước. Không chỉ mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, ngày Giải phóng Thủ đô còn là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là dịp để chúng ta tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước, đồng thời là cơ hội để mỗi người dân thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa ngàn đời của Thăng Long-Hà Nội.

Với tầm nhìn chiến lược và sự đoàn kết của toàn dân, Hà Nội sẽ tiếp tục vươn xa, khẳng định vị thế của một thành phố hiện đại, văn minh, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, xứng đáng là trái tim của cả nước./.

bia2.jpg
Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ, ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Theo TTXVN

Các tin khác
Trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc Cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Nhu cầu thang máy tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Triển lãm Vietnam Elevator Expo làm kênh tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác.

Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ 3 - Vietnam Elevator Expo 2024 thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bắc Giang ngày càng được nhiều DN lựa chọn triển khai dự án.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024, đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, định kỳ tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ảnh Minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự