Làng nghề vào vụ cuối năm

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/10/2024 | 9:50:57 AM

Thời gian qua, tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ nhưng nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng khắc phục, đưa hoạt động trở lại bình thường, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

HTX Sản xuất kinh doanh và tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước, xã Nam Dương (Lục Ngạn) chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.
HTX Sản xuất kinh doanh và tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước, xã Nam Dương (Lục Ngạn) chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

Nhanh chóng khôi phục sản xuất

Làng nghề làm mỳ truyền thống thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) có gần 200 cơ sở sản xuất mỳ gạo. Đợt mưa lũ vừa qua, nước sông Lục Nam dâng nhanh khiến phần lớn cơ sở sản xuất bị chìm trong nước, việc sản xuất gián đoạn dẫn đến nhiều đơn hàng bị chậm, ước tính làng nghề thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.

Sau khi lũ rút, đa phần các hộ gia đình, hợp tác xã (HTX) đã nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh cơ sở vật chất, tập trung sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị và đầu tư vốn nhập nguyên liệu để hoạt động trở lại. Dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, cộng với chi phí đầu vào cho sản xuất, nhất là giá gạo nguyên liệu tăng mạnh, nhưng đến nay, làng nghề đã cơ bản khôi phục sản xuất.

Về làng nghề Thủ Dương những ngày này đã thấy mỳ được phủ trắng các giàn phơi. Ông Nguyễn Văn Xuân, một hộ dân làng nghề cho hay: "Khi lũ đi qua, gia đình đã bắt tay dọn dẹp vệ sinh môi trường, bố trí sắp xếp, sửa chữa, thay thế một số máy bị hỏng do ngập nước. Khi thời tiết nắng hanh thuận lợi cho việc làm mỳ, gia đình tranh thủ làm hết công suất, bù đắp phần nào thiệt hại do mưa lũ và đáp ứng nguồn hàng dịp cuối năm”.

Xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) có khoảng 700 hộ tham gia sản xuất các mặt hàng truyền thống như: Bánh đa, bánh đa nem, bánh đa cua, mỳ gạo, rượu... Mưa lũ cũng khiến nhiều tài sản, máy móc, thiết bị làm nghề của người dân nơi đây bị hư hỏng, cuốn trôi. Như ở thôn Yên Viên, hộ ông Nguyễn Văn Đông bị vỡ 20 chum chứa rượu; hộ bà Nguyễn Thị Hoàn bị ngập hơn 100 tấn thóc… Tuy nhiên, sau khi lũ rút, các hộ đã mua sắm, thay thế dụng cụ và nhập đủ nguyên liệu để sản xuất trở lại.

Toàn tỉnh hiện có 12 làng nghề truyền thống và 15 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (trong đó có 8 làng nghề hoạt động trong nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản). Nhiều làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý như: Sản phẩm mỳ gạo làng nghề Thủ Dương; rượu làng Vân, bánh đa nem Thổ Hà; bánh đa Kế (TP Bắc Giang); mỳ gạo Châu Sơn, xã Ngọc Châu (Tân Yên)...

Theo đại diện lãnh đạo xã Vân Hà, chính quyền đã rà soát, thống kê thiệt hại, đồng thời đề xuất cấp trên quan tâm hỗ trợ, nhất là việc giãn, giảm nợ và tiếp tục có chính sách ưu đãi để bà con vay vốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là vào dịp những tháng cuối năm này.

Tỉnh Bắc Giang hiện có 12 làng nghề truyền thống và 15 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 8 làng nghề hoạt động trong nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Nhiều làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề ngày càng được mở rộng, thậm chí nhiều mặt hàng đã xuất khẩu. Một số hộ sản xuất, HTX đã đầu tư nâng cấp dây chuyền, máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ một số khâu sản xuất (máy tráng, thái mỳ, lò sấy trong sản xuất mỳ gạo, bún...).

Tất bật vào vụ mới

Thời điểm này được coi là vụ sản xuất quan trọng trong năm đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, ngành chức năng và các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất các sản phẩm làng nghề với mục tiêu đa dạng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Kinh nghiệm của các hộ dân làng nghề cho thấy, thông thường cứ từ cuối tháng 10 hằng năm, lượng đơn đặt hàng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, không giống như những sản phẩm khác, việc sản xuất các mặt hàng thực phẩm như mỳ, miến, bún, bánh… phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Vì thế, tranh thủ thời gian này thời tiết thuận lợi, bà con tập trung đẩy mạnh sản xuất để tăng lượng sản phẩm làm ra. Có mặt tại làng Thổ Hà ngày đầu tháng 10 thấy không khí làng nghề đã nhộn nhịp trở lại. Các hộ trong làng đang tập trung tráng, phơi bánh; nhiều thương nhân đã đưa xe về nhập hàng mang đi tiêu thụ.

Các dây chuyền sản xuất mỳ của HTX Sản xuất kinh doanh và tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước, xã Nam Dương cũng đang hoạt động hết công suất. Theo đại diện HTX, bất kể thời tiết thế nào, đơn vị vẫn duy trì hoạt động bình thường, vì toàn bộ quy trình làm mỳ của HTX được thực hiện trong dây chuyền khép kín. Hệ thống máy tráng, sấy mỳ bằng lò hơi và điện nên không bị ảnh hưởng khi trời mưa, chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu.

Hiện mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 60 tấn mỳ cung ứng vào thị trường Nga và các chuỗi siêu thị, cửa hàng, nhà phân phối trong nước, sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đơn vị đã nhập đủ nguyên, nhiên liệu, bố trí nhân lực, nguồn vốn và ký kết các đơn hàng để tăng cường sản xuất, phục vụ thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Ngoài các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, các làng nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mộc… cũng tất bật vào vụ với nhiều kỳ vọng tăng trưởng dịp cuối năm. Thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) hiện có hơn 150 hộ làm nghề mộc truyền thống.

Theo anh Nguyễn Văn Cường, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ tại đây, thời gian qua, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đồ mộc gặp không ít khó khăn. Dù vậy, theo quy luật vào dịp cuối năm, thị trường ngành gỗ sẽ khởi sắc hơn do sức mua tăng. Hiện cơ sở sản xuất của gia đình anh đã tập trung nhân công, máy móc sản xuất, đồng thời tích cực kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Một số mặt hàng được anh Cường chú trọng nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng như: Bàn ghế, tủ, sập, hương án và đồ trang trí nội thất khác.

Được biết, giai đoạn này, đa số các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề (đặc biệt là ở những địa bàn bị ảnh hưởng của mưa lũ) có nguyện vọng được Nhà nước tiếp tục quan tâm về chính sách cho vay vốn để sửa chữa máy móc, dây chuyền và tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhất là trong dịp từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dự báo tăng cao.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc Cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Nhu cầu thang máy tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Triển lãm Vietnam Elevator Expo làm kênh tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác.

Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ 3 - Vietnam Elevator Expo 2024 thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bắc Giang ngày càng được nhiều DN lựa chọn triển khai dự án.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024, đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, định kỳ tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ảnh Minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự