Khắc phục bất cập trong quản lý, sử dụng tiền công đức
- Cập nhật: Thứ bảy, 2/11/2024 | 4:42:50 PM
Việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ công khai, minh bạch, đúng mục đích tại các di tích có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Qua đó tạo niềm tin cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, KT-XH địa phương. Thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực, công tác này vẫn còn một số bất cập cần khắc phục, chấn chỉnh.
Người dân đi lễ tại đền Suối Mỡ (Lục Nam).
|
Còn hạn chế
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm nay các địa phương đã tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích. Theo đó, những bất cập đã được chỉ ra như: Việc thu, chi tiền công đức có nơi vẫn giao cho ban quản lý nắm giữ, chưa thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản liên quan. Vấn đề ghi chép, cập nhật nội dung thu, chi chưa khoa học, do người được phân công nhiệm vụ theo dõi không có chuyên môn nghiệp vụ kế toán, chưa được hướng dẫn chuyên môn. Cùng đó, việc tiếp nhận tiền công đức và mở hòm công đức ở một số di tích chưa được lập biên bản khi kiểm đếm. Nhiều ban quản lý di tích chưa mở hệ thống sổ kế toán, báo cáo tài chính, hạch toán kế toán...
Huyện Lục Nam có 85 di tích lịch sử - văn hóa, tổng số tiền công đức, tài trợ năm 2023 là hơn 27 tỷ đồng, tổng chi hơn 22,6 tỷ đồng. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện, hiện nay việc mở sổ sách theo dõi thu, chi tại di tích chủ yếu giao cho tiểu ban quản lý tại di tích, tiền công đức hầu hết giao cho thôn và đại diện hội người cao tuổi thôn. Tại đền Suối Mỡ - di tích có số tiền công đức lớn nhất huyện, do UBND xã Nghĩa Phương trực tiếp quản lý.
Năm 2023, tổng thu từ tiền công đức tại đây được hơn 7 tỷ đồng, số tiền này được dùng chi cho hoạt động tu bổ di tích, hoạt động thường xuyên, phụ cấp hợp đồng lao động, tổ chức lễ hội, phúc lợi xã hội, phát triển kinh tế tại địa phương... UBND xã thành lập ban quản lý di tích bao gồm 16 người, hằng năm lập báo cáo quyết toán thu, chi và xây dựng dự toán trình HĐND xã thông qua... Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, đây là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch, hiện nay do cấp xã quản lý di tích và tiền công đức là chưa phù hợp với quy định về phân cấp quản lý nên chưa thực sự phát huy hiệu quả, thậm chí chi tiêu chưa đúng mục đích, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát.
Đơn vị đã đề nghị UBND huyện Lục Nam xem xét giao công tác quản lý di tích và tiền công đức tại đền Suối Mỡ cho Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ quản lý theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 13/12/2018 của UBND tỉnh quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; công trình tín ngưỡng, tôn giáo có tiềm năng phát triển du lịch (Quyết định số 32).
Trên địa bàn TP Bắc Giang có tổng số 47 di tích đã được xếp hạng, các di tích là chùa có nhà sư trụ trì sẽ trực tiếp quản lý tiền công đức. Các di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo còn lại sẽ do đại điện là những người cao tuổi, có uy tín, nhiệt tình trong công việc thực hiện mở sổ ghi chép tiền công đức, tài trợ. Riêng đối với Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (Thông tư số 04).
Theo đánh giá của UBND TP, các tổ chức, cá nhân đã quản lý, sử dụng tiền công đức đúng mục đích, có ghi chép thu, chi. Một số di tích đã mở tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để quản lý theo dõi nguồn tiền. Tuy nhiên, việc ghi chép sổ sách liên quan tại nhiều nơi còn chưa đầy đủ, khoa học. Còn tình trạng rải, rắc, đặt tiền lẻ ở gốc cây, tay tượng, giá chuông, khe cửa...
Bảo đảm thống nhất, minh bạch
Tiền công đức đóng vai trò quan trọng để địa phương kịp thời trùng tu, tôn tạo, tránh cho di tích xuống cấp. Việc công đức vừa thể hiện sự gắn kết cộng đồng, góp phần làm đẹp cảnh quan quê hương, đồng thời tạo mối đoàn kết, gắn bó trong dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2 nghìn di tích, trong đó có 734 di tích được xếp hạng. Năm 2023, các di tích trên địa bàn tỉnh thu được hơn 122 tỷ đồng tiền công đức, tài trợ và chi hơn 96,8 tỷ đồng cho hoạt động tổ chức lễ hội, tu bổ di tích, bảo đảm an ninh trật tự, môi trường, phòng, chống cháy nổ...
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2 nghìn di tích, trong đó có 734 di tích được xếp hạng. Năm 2023, các di tích trên địa bàn tỉnh thu được hơn 122 tỷ đồng tiền công đức, tài trợ và chi hơn 96,8 tỷ đồng cho hoạt động tổ chức lễ hội, tu bổ di tích, bảo đảm an ninh trật tự, môi trường, phòng, chống cháy nổ... |
Để quản lý, sử dụng hiệu quả tiền công đức, tài trợ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo ngành, địa phương liên quan thực hiện kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Trong đó, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Người đại diện hoặc ban quản lý di tích trên địa bàn tỉnh phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; mở tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc Nhà nước để tiếp nhận, quản lý. Đối với tiền mặt tạm thời chưa sử dụng cần gửi kịp thời vào tài khoản để bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại do hành vi trộm cắp. Trường hợp ban quản lý di tích đang giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm hoặc cho vay cần thu hồi để quản lý theo tài khoản…
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý thu, chi tài chính tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, dự thảo quy định này đang được Sở Tư pháp thẩm định. Một số địa phương đề nghị các sở: Tài chính, Nội vụ có chương trình tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ về công tác tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt là công tác quản lý tài chính tại các di tích cho cán bộ cơ sở, thành viên ban quản lý di tích. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể mẫu biểu mở sổ theo dõi thu, chi tiền công đức, tài trợ theo đúng quy định. Riêng đối với di tích đền Suối Mỡ, huyện Lục Nam cần xem xét phân cấp quản lý bảo đảm quy định theo Quyết định số 32 của UBND tỉnh và Thông tư số 04 của Bộ Tài chính.
Mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua chương trình giám sát năm 2025 với chuyên đề: Giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý thu, chi tài chính tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại một số di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Qua đây nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế để có kiến nghị tháo gỡ, khắc phục.
Các tin khác
Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.
Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ 3 - Vietnam Elevator Expo 2024 thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024, đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, định kỳ tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.