Đẩy mạnh liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/11/2024 | 5:13:28 PM
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm, thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều mô hình liên kết sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.
Nông dân xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) ứng dụng công nghệ cao sản xuất dưa lưới.
|
Tăng giá trị nông sản
Dịp này, bà con các xã Đoan Bái, Thường Thắng và thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa) vừa trồng xong khoai tây vụ đông. Toàn bộ hơn 20 ha khoai sẽ được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Sông Cầu bao tiêu sản phẩm. Ông Văn Tiến Hậu, thôn Hồng Tiến, xã Thường Thắng nói: "Làm ruộng thời nay "ăn chắc” hơn trước, giống khoai tây đưa vào trồng được tôi mua trực tiếp từ đơn vị sản xuất uy tín nên yên tâm về chất lượng và giá cả. Sau 3 tháng được thu, khoai dỡ đến đâu có đơn vị bao tiêu mua hết tại ruộng đến đó, không phải chở về chất đầy nhà chờ bán như những năm trước”. Ở vụ xuân vừa qua, cũng nhờ liên kết sản xuất, chỉ sau mấy tháng, gia đình ông Hậu thu về gần 30 triệu đồng từ trồng khoai tây. Theo lời ông Hậu, làm ruộng giờ đỡ vất vả hơn nhiều nhờ có dịch vụ tiện ích như máy cày, máy gặt, thu hoạch nông sản.
Được biết, HTX Nông nghiệp Sông Cầu đang liên kết với hơn 300 hộ ở Hiệp Hòa và một số vùng lân cận sản xuất khoai tây thương phẩm và thóc giống. Mỗi năm, đơn vị bao tiêu hơn 100 tấn khoai tây và 30- 40 tấn thóc giống. Ông Nguyễn Quang Sàn, Giám đốc HTX cho biết: "Khi hình thành chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, bà con yên tâm sản xuất còn chúng tôi có nguồn cung ổn định cho đối tác. Đặc biệt, phía nông dân không chỉ đơn thuần sản xuất nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng mà còn mở rộng quy mô, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu”.
Được biết, tại các huyện, thị xã, TP trong tỉnh đều hình thành các vùng chuyên canh từng loại cây trồng bảo đảm phù hợp với thổ nhưỡng, nguồn nước, hạ tầng kỹ thuật. Đó là vùng cam, bưởi, vải thiều ở Lục Ngạn; cây dược liệu ở Sơn Động; lúa, lạc, khoai tây tại Hiệp Hòa… Các khu vực sản xuất tập trung đã tạo ra khối lượng lớn nông sản với chủng loại đa dạng, chất lượng ổn định.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 322 vùng sản xuất lúa, rau, vải thiều, cam, dược liệu... tập trung; hơn 1,5 nghìn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 86 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023, giá trị bình quân/1 ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 138 triệu đồng, tăng 31,4% so với năm 2019. |
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2023-2030... Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 322 vùng chuyên canh lúa, rau, vải thiều, cam, dược liệu... tập trung; hơn 1,5 nghìn mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 86 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc quy hoạch vùng tập trung tạo thuận lợi cho nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, bảo đảm nguồn cung ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2023, giá trị bình quân/1 ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 138 triệu đồng, tăng 31,4% (tăng 33 triệu đồng/ha) so với năm 2019.
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Để khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, nhiều địa phương đã tích cực hỗ trợ các chủ thể về máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật. Huyện Hiệp Hòa từ năm 2019 đến nay đã hỗ trợ 22 máy làm đất cho các HTX, tổ hợp tác với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng. Các huyện Lục Nam, Yên Dũng, Sơn Động, Lục Ngạn... tích cực hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ công nhận chuỗi liên kết, xây dựng sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương khi tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”.
Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp dù được xác định là xu hướng tất yếu nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững song vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Tại một số nơi, nhiều người vẫn "giữ đất" dù không canh tác, chưa ủng hộ chủ trương tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn. Theo thống kê, toàn tỉnh có 95 HTX và 16 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy gia tăng về số lượng (tăng 49 HTX so với năm 2019) song nhìn chung nội lực của các HTX chưa đủ mạnh, hầu hết quy mô vừa và nhỏ. Để hình thành chuỗi, HTX phải liên kết với rất nhiều hộ sản xuất, chủ yếu giao kèo "miệng” mà không có hợp đồng nên dễ xảy ra tình trạng người dân hoặc HTX bỏ liên kết khi giá hàng hóa biến động mạnh. Ngoài ra, đại diện một số HTX cho rằng còn nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lê Bá Thành, sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết theo chuỗi là chủ trương đúng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan. Hỗ trợ củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp để các đơn vị này giữ vai trò cầu nối giữa nông dân với DN lớn. Ngành Nông nghiệp coi đây là hướng đi cốt lõi, bảo đảm cho phát triển bền vững. Cùng đó là những giải pháp đẩy mạnh tích tụ đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Bám sát mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát, tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chính sách thu hút DN, HTX có tiềm lực về tài chính, khoa học - kỹ thuật, quản trị kinh doanh đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng công nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản, thực phẩm có thế mạnh của tỉnh như: Vải thiều, cam, bưởi, rau, cây dược liệu, gỗ… Tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách hiện có về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết.
Các tin khác
Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.
Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ 3 - Vietnam Elevator Expo 2024 thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024, đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, định kỳ tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.