Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững: Bài 3 - Những điểm nghẽn cần vượt qua và bài học từ thực tiễn

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2024 | 5:48:58 PM

Sau quá trình tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp Bắc Giang đã đạt nhiều thành tựu mới. Tuy nhiên vẫn còn những điểm nghẽn đang là rào cản để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở nhận diện những kết quả, hạn chế, Bắc Giang đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Nhiều vườn quả đẹp tại Lục Ngạn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Nhiều vườn quả đẹp tại Lục Ngạn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bộ giống chưa an toàn, đất bạc màu vì áp lực thâm canh

Phân tích yếu tố mất mùa vụ vải thiều năm 2024, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, nhiều năm qua, dù là ứng dụng kỹ thuật nào cũng đạt được mục đích; bằng cách nào thì vải vẫn trải qua giai đoạn lộc già, lộc non, mỗi người một kiểu khoanh vỏ, tưới nước… cây đều cho quả, sản lượng vải toàn tỉnh đạt từ 150-200 nghìn tấn/năm. Thế nhưng kỹ thuật đó chỉ có vấn đề khi thời tiết bất thường, có thể lạnh quá hoặc nóng quá.

Một số hộ dân ở xã Tân Quang (Lục Ngạn) phải phá bỏ cam do bị bệnh.

Qua nghiên cứu, lượng mưa, nhiệt độ hơn chục năm qua cho thấy, vải thiều mất mùa chủ yếu rơi vào năm có nhiệt độ trung bình cao. Những năm có sản lượng dưới 150 nghìn tấn gồm: 2010, 2013, 2016. Năm có sản lượng dưới 100 nghìn tấn là 2017, 2024. Chu kỳ mất mùa từ 3-4 năm và ngày càng kéo dài do người dân áp dụng kỹ thuật tốt hơn nhưng không thể chống được khí hậu bất thuận.

Đáng lưu ý, những năm khí hậu bất thuận thì các giống chín cực sớm, chín sớm nếu nhiệt độ bình quân dưới 17 độ C ở tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau vẫn cơ bản ra hoa, kết quả. Trong khi đó nhóm vải chín trung, nhóm chính vụ yêu cầu nhiệt độ bình quân tháng 12 đến hết tháng 1 năm sau phải xung quanh 16 độ C, khi nhiệt độ bình quân trên 17 độ C như năm 2017, 2024 thì nhóm này mất mùa diện rộng. Hiện nay, nhóm vải chín sớm, cực sớm chiếm cơ cấu chưa đến 20% diện tích vải thiều toàn tỉnh. Điều này cho thấy tỷ lệ diện tích vải thiều chịu ảnh hưởng từ thời tiết bất lợi vẫn còn cao. Để tránh "đánh bạc với trời” cần cơ cấu tăng diện tích nhóm vải chín sớm, cực sớm.

Hạn chế nữa trong nông nghiệp là sản xuất còn yếu tố tự phát, minh chứng rõ nhất là phát triển "nóng” cây có múi ở Lục Ngạn. Trong thời gian ngắn, diện tích cam, bưởi tăng nhanh chóng, phá vỡ quy hoạch, định hướng của tỉnh, huyện. Có thời điểm, toàn huyện có hơn 6,4 nghìn ha cam, bưởi, tăng gấp 5 lần so với năm 2012. Diện tích cây trồng tăng, thâm canh với mật độ dày kéo theo việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lớn nhằm đạt năng suất, sản lượng cao. Dẫn đến hệ lụy là cây yếu, dịch bệnh phát sinh, trong đó có bệnh vàng lá gân xanh (bệnh greening). Đây là bệnh đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị. Khi cây mắc bệnh, không ít nhà vườn đã phải phá bỏ cả vườn do cây trồng nhiễm bệnh.

Cũng do chưa quan tâm bón phân đúng cách cho cây trồng cùng với lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học làm đất ngày càng bạc màu. Kết quả phân tích đất canh tác nhóm cây ăn quả, cây rau màu, cây công nghiệp dài ngày tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lạng Giang của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Hà Nội) cho thấy, nhìn chung hàm lượng các chất dinh dưỡng của các loại đất thường chỉ đạt mức nghèo đến trung bình. Nguyên nhân chính là do quá trình sử dụng phân bón không hợp lý tại các vùng chuyên canh.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và BVTV), Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Mấy năm gần đây, việc bón phân, sử dụng thuốc BVTV của người dân đã có chuyển biến song thực tế vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, gây tác động xấu đến môi trường đất, làm đất bạc màu, chai cứng. Trong các văn bản chỉ đạo sản xuất, chúng tôi đều khuyến cáo nông dân nhân rộng mô hình canh tác hữu cơ, trong đó chú trọng bổ sung dinh dưỡng, bảo vệ môi trường đất canh tác”.

Để khắc phục những hạn chế trong phát triển nông nghiệp hiện nay, việc điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu là cấp bách. Đặc biệt, với vải thiều cần tăng diện tích các giống cây chín sớm để giảm thiểu rủi ro mất mùa do thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, việc khai thác đất đai quá mức, lạm dụng phân bón và hóa chất bảo vệ cây trồng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ môi trường đất và duy trì năng suất lâu dài. Ngoài ra, cần thúc đẩy việc triển khai chính sách hỗ trợ nông nghiệp hiệu quả hơn tại cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn và thực hiện các dự án sản xuất. Chỉ khi có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.

Những bài học kinh nghiệm

Nhìn lại chặng đường vừa qua của ngành Nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, cách làm hay, mở hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp hiện đại, đó là: Bắc Giang đã xây dựng được "chùm” chính sách cho nông nghiệp một cách bài bản. Sau khi tổng kết thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 3/4/2019 về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhờ chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng đã giúp hạ tầng sản xuất đổi thay, tạo thuận lợi tiêu thụ nông sản.

Mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết là cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó hàng loạt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ra đời, từ năm 2021 đến nay, Bắc Giang ban hành khoảng 30 nghị quyết liên quan đến phát triển nông nghiệp, nhiều nhất từ trước đến nay. Các nhóm chính sách này tập trung hỗ trợ hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản phẩm OCOP, hình thành chuỗi liên kết… Điển hình là các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, liên thôn và nội đồng đã tạo diện mạo mới cho hệ thống giao thông, đường nội đồng toàn tỉnh với hơn 4 nghìn km đường được cứng hóa. Nhờ đó hàng hóa thông thương thuận lợi, gia tăng giá trị nông sản.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến là cách làm sáng tạo của tỉnh Bắc Giang. Nhân một lần về kiểm tra tình hình tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của tỉnh trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tuyến đến các điểm cầu trong và ngoài nước. Bộ trưởng nhấn mạnh, thương mại điện tử đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia. Việc Bắc Giang đã chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tình hình mới.

Mô hình mới nông nghiệp gắn với du lịch

Mô hình mới đang nở rộ là ngày càng nhiều hộ gia đình, hợp tác xã (HTX) gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển dịch vụ du lịch, làm tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Những năm gần đây, nhiều nhà vườn ở Lục Ngạn đã đón lượng khách du lịch lớn thăm vườn vải thiều, cam, buởi, nho… Theo đại diện HTX Thương mại và Du lịch An Phú (Lục Ngạn), đơn vị đã chủ động kết nối, cung cấp thông tin đến các đối tác kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh.

Hiện HTX đã tổ chức đón một số tour đến tham quan vườn cam, bưởi, nho tại các xã: Quý Sơn, Thanh Hải, Trù Hựu, Nam Dương… Bên cạnh trải nghiệm không gian sinh thái, du khách còn được tự tay thu hoạch, mua sản phẩm cây ăn quả tại vườn, đồng thời thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã đón gần 100 đoàn khách từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Pháp, Hoa Kỳ… và Việt kiều về thăm thân kết hợp du lịch vùng vải, cam, bưởi. Số đoàn và lượng khách quốc tế tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Hay tại Yên Thế, khai thác vùng chè rộng lớn, quanh năm xanh tốt, người dân bản Ven, xã Xuân Lương đã phát triển thành điểm du lịch cộng đồng hút khách.

Nhờ có vùng vải thiều, cam, bưởi, chè nổi tiếng mà Bắc Giang ngày càng hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế. Đáng chú ý, khách đến tham quan không chỉ mua sản phẩm mà còn chụp ảnh, quay clip, phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là cách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp rất hiệu quả, theo phương châm "đưa chợ về vườn”. Mô hình kết hợp nông nghiệp và du lịch không chỉ mở ra hướng phát triển mới cho kinh tế nông thôn mà còn tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho người dân Bắc Giang.

Với lợi thế về nông sản đặc trưng như vải thiều, cam, bưởi, cùng với việc đẩy mạnh quảng bá qua các hoạt động du lịch trải nghiệm, tỉnh đã thu hút được lượng lớn du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng sức tiêu thụ sản phẩm ngay tại vườn. Xu hướng phát triển này mang lại lợi ích kép, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn gia tăng sức cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững cho nông nghiệp Bắc Giang trong tương lai.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc Cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Chiều 29/11, tại Hà Nội, Báo Dân trí và Công ty Ô-tô Toyota đã phối hợp tổ chức trao giải cho 8 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2024”.

Nhu cầu thang máy tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Triển lãm Vietnam Elevator Expo làm kênh tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác.

Triển lãm Quốc tế Thang máy lần thứ 3 - Vietnam Elevator Expo 2024 thu hút hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.

Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bắc Giang ngày càng được nhiều DN lựa chọn triển khai dự án.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2024, đồng chí Mai Sơn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, định kỳ tổ chức gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ảnh Minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 8726/VPCP-KGVX ngày 26/11/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự