Ngành công thương hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/12/2024 | 6:49:28 PM

Trong năm 2024, Bộ Công thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành công thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành công thương năm 2024.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành công thương năm 2024.

Ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng cho biết: Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2024 có thể đạt và vượt 7%, thuộc nhóm ít quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%, rất tích cực trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ.

Đóng góp vào các thành tích chung đó, Bộ Công thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành công thương đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Trong đó, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật, một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD, tăng 15% so năm trước, vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%, tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.

Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trở thành trụ đỡ bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam.

Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.

Đặc biệt, Bộ Công thương đã chủ động, quyết liệt "tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành công thương đạt được trong năm 2024.

Năm 2025 là thời điểm cần tập trung bứt tốc để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; là năm củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; đồng thời, là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại.

Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, mục tiêu năm 2025 phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp; trong đó, đòi hỏi ngành công thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này.

Ngành công thương hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao ảnh 1

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

 

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành công thương trong năm 2025 và các năm tiếp theo cần tiếp tục tập trung giải phóng các nguồn lực và thu hút đầu tư. Việc đầu tiên cần làm là tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính cho phát triển sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại; tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược.

Hai là, Bộ Công thương cần sớm rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp, hướng tới nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền sản xuất Việt Nam; phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp; ban hành cơ chế khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp trọng điểm như luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử, bán dẫn; phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng, công nghiệp phụ trợ.

Để làm được điều này, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng nỗ lực của Bộ Công thương còn cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành liên quan như các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông,… trong xây dựng các cơ chế thúc đẩy đầu tư cũng như triển khai hiệu quả các chiến lược, nhất là trong phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Ba là, Bộ Công thương cần triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đặc biệt, không để thiếu điện là yêu cầu bắt buộc, là một bài toán khó trong bối cảnh những năm vừa qua chưa có nhiều dự án nguồn điện mới.

Do đó, Bộ Công thương cần tập trung triển khai và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng, thị trường điện, trong đó có rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phù hợp với xu thế chung của thế giới và tiềm năng, lợi thế, điều kiện của đất nước.

Bốn là, Bộ Công thương cần tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; chỉ đạo các cơ quan thương vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao thực hiện tốt vai trò cầu nối cho doanh nghiệp "bám rễ" thị trường.

Năm là, Bộ Công thương cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước; theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm Lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước.

Đồng thời, Bộ cũng cần thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương triển khai khẩn trương công tác sắp xếp tổ chức sau khi được Chính phủ phê duyệt để nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm không gián đoạn trong triển khai nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn tổ chức cũ. Hơn lúc nào hết, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành công thương cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để dẫn dắt, thúc đẩy, ngành công thương phát triển.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, các đơn vị trong toàn ngành cần quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị này.

Ngành công thương hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu bế mạc Hội nghị.

Về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ và các đơn vị trực thuộc, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn,

Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này; chú trọng làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ (nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ), tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành và trong từng cơ quan, đơn vị.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác
Bà Lại Việt Anh-Phó Cục trưởng cụ Thương Mại điện tử và kinh tế số ( Bộ Công thương)

Số liệu khảo sát cho thấy, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng.

Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn.

Với mục đích đưa Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, những năm qua, huyện Lục Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, cũng như quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thủy sản là một trong những mặt hàng còn nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Năm 2024, 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2025, triển vọng xuất khẩu sang các quốc gia này vẫn rất lớn.

Các đại biểu cắt băng khai trương khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.

Ngày 20/12, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị kết nối, hỗ trợ các HTX quảng bá sản phẩm tại các điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc trưng vùng miền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự