Nhiều tiềm năng ứng dụng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ
- Cập nhật: Thứ tư, 25/12/2024 | 9:38:01 PM
Số liệu khảo sát cho thấy, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng.
Bà Lại Việt Anh-Phó Cục trưởng cụ Thương Mại điện tử và kinh tế số ( Bộ Công thương)
|
Chiều 25/12, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo phát triển kinh tế số ngành công thương với chủ đề "Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô doanh thu giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp với đối tượng khách hàng là những cá nhân qua nền tảng Internet (B2C) vượt mốc 25 tỷ USD.
"Đặc biệt, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Số liệu khảo sát cho thấy, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng. Với thị trường gần 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN... thể hiện tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của bán buôn, bán lẻ trong phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Do đó, việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ và cần được đẩy mạnh theo hướng đưa toàn bộ hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh đt khác nhau, mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng tham gia mua sắm. Mua hàng online, thanh toán online và kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên môi trường điện tử đã dần trở thành tác vụ quen thuộc trong cuộc sống hiện đại.
Thông tin từ Ban tổ chức, nhằm giúp doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh chuyển đổi số, tháng 9/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chọn quận Phú Nhuận (Tp. Hồ Chí Minh) là nơi triển khai thí điểm hoạt động chính của Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số. Mục tiêu của chương trình là lựa chọn và huy động được các nền tảng số xuất sắc tham gia, với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh; 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc được tiếp cận, tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số. Cùng với đó, 100% doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ đã tham gia khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số trên toàn quốc được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số; tạo lập, cập nhật cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ trên phạm vi toàn quốc.
Đại diện phía doanh nghiệp, bà Đỗ Nhật Uyên - Công ty Misa đã chỉ ra không ít khó khăn trong chuyển đổi số như chi phí mua phần mềm, doanh nghiệp nhỏ ngại chuyển đổi; thiếu sự phối hợp với cơ quan chức năng… Vì vậy, cần có kế hoạch, lộ trình triển khai rõ ràng; thành lập các tổ liên ngành giữa chính quyền và nhà cung cấp để thuận lợi trong quá trình chuyển đổi tới doanh nghiệp.
Để khắc phục khó khăn tồn tại từ những đơn vị thí điểm, các chuyên gia đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ triển khai cần tăng cường sự gắn kết giữa quản lý các cấp và doanh nghiệp với cửa hàng địa phương. Đồng thời, thay đổi phương pháp tiếp cận bằng việc tổ chức tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn, vận động tham gia từ các đoàn thể địa phương, vị trí trực tiếp làm việc với địa bàn tại từng khu phố như tổ trưởng tổ dân phố, các đoàn hội... để tăng sự tin cậy, tạo lòng tin cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp khi tham gia trải nghiệm hoạt động của chương trình...
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhằm triển khai mở rộng mô hình tại doanh nghiệp, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp và thúc đẩy triển khai với Bộ Thông tin và Truyền thông các nhiệm vụ tại Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 về Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025. Đặc biệt, sau thời gian triển khai thí điểm hỗ trợ bán buôn, bán lẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương đã thống nhất hợp tác để phối hợp với địa phương, nhà cung cấp giải pháp triển khai mở rộng trong năm tới.
Các tin khác
Trong năm 2024, Bộ Công thương đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm đạt kết quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, có thể khẳng định, ngành công thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Với mục đích đưa Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, những năm qua, huyện Lục Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, cũng như quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2024, 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2025, triển vọng xuất khẩu sang các quốc gia này vẫn rất lớn.
Ngày 20/12, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị kết nối, hỗ trợ các HTX quảng bá sản phẩm tại các điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc trưng vùng miền.