Đầu năm 2025: Tín hiệu vui từ xuất khẩu

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/1/2025 | 3:45:06 PM

Từ vị trí đứng thứ 6 cả nước về giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm trước, đến năm 2024, Bắc Giang vươn lên đứng thứ 5 cả nước. Với quyết tâm tiếp tục giữ đà tăng trưởng, đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong tỉnh đã tăng tốc sản xuất kinh doanh, tích cực tìm kiếm thị trường và ký được nhiều đơn hàng mới.

Khu vực sản xuất quần, áo của Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong.
Khu vực sản xuất quần, áo của Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong.

Xuất khẩu nhiều đơn hàng

Theo ngành chức năng, năm 2024, tổng giá trị KNXK của tỉnh đạt 33 tỷ USD, tăng 20,4% so với năm trước, đứng thứ 5 cả nước. Điểm nổi bật, Bắc Giang tiếp tục là tỉnh xuất siêu ở mức 6 tỷ USD. Kết quả xuất siêu của tỉnh thể hiện tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn hơn tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Đồng thời cho thấy các DN chủ động ứng phó trước tác động của thị trường, sản xuất và xuất khẩu hiệu quả.

Phát huy kết quả đạt được, ngay đầu năm nay, nhiều DN xuất khẩu trong tỉnh đã tăng tốc sản xuất, kinh doanh để kịp cung cấp hàng hóa theo đơn hàng đã ký. Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) là ví dụ điển hình. Tại các xưởng sản xuất của đơn vị hiện có hơn 7,1 nghìn công nhân đang tất bật hoàn thiện sản phẩm quần, áo các loại.

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Những ngày đầu năm mới, Công ty đã xuất khẩu 2,2 triệu sản phẩm sang thị trường Mỹ, các nước EU, trong đó 90% là ở thị trường Mỹ, giá trị 12 triệu USD. Công ty xây dựng kế hoạch giá trị KNXK năm nay đạt 360 triệu USD, tăng khoảng 20% so với năm trước; thu nhập bình quân người lao động đạt 12,5 triệu đồng/tháng”.

Phấn đấu đạt mục tiêu trên, từ cuối năm ngoái đến nay, DN đã tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường và ký đủ đơn hàng xuất khẩu, duy trì việc làm cho công nhân đến tháng 7 năm nay. Ngay trong quý I, Công ty dự kiến bố trí hàng chục tỷ đồng đầu tư một số máy móc, thiết bị hiện đại như máy: Cắt, may, là, gấp, đóng gói quần áo tự động… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tương tự, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc, phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên) cũng xuất khẩu hàng chục đơn hàng, giá trị KNXK đạt 255 nghìn USD; Công ty cổ phần Thời trang Hà Thanh, xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa) xuất khẩu hàng hóa trị giá gần 260 nghìn USD…

Các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu công nghiệp (KCN) cũng tăng tốc sản xuất với nhiều đơn hàng xuất khẩu. Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung) là DN chuyên sản xuất công đoạn sau của chất bán dẫn với các sản phẩm bán dẫn đóng gói, mô đun bộ nhớ, sản phẩm bán dẫn lưu trữ... Công ty cung cấp sản phẩm cho Tập đoàn Samsung và SK Hynix. Những ngày đầu năm mới, DN đã xuất khẩu hàng chục đơn hàng, giá trị đạt hơn 54 triệu USD, cao nhất trong số các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam (KCN Vân Trung) cũng vừa xuất khẩu các đơn hàng trị giá hơn 24 triệu USD...

Được biết, gần một tuần qua, các DN xuất khẩu hàng hóa trong tỉnh có giá trị KNXK gần 150 triệu USD. Sản phẩm chính của các DN là hàng dệt may, máy tính, điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại, thiết bị điện, sản phẩm chất dẻo… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Ấn Độ...

Phấn đấu đạt 37 tỷ USD

Theo kế hoạch thực hiện chiến lược xuất - nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, tỉnh định hướng phát triển xuất khẩu bền vững; khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 25-27%/năm. Năm nay, tỉnh đặt mục tiêu giá trị KNXK đạt 37 tỷ USD.

Dự báo năm 2025, các DN xuất khẩu vẫn phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức bởi bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Phấn đấu đạt mục tiêu đề ra và giữ vững đà tăng trưởng, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Trong đó, giải pháp chính được ưu tiên hàng đầu là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm thông thoáng, bình đẳng, minh bạch, công khai theo đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh xác định DN phát triển sẽ có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tăng thu cho ngân sách, vì vậy đầu năm nay, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức gặp mặt các DN, trong đó có nhiều DN xuất khẩu. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cam kết, Bắc Giang luôn đồng hành, hỗ trợ DN phát triển. Cụ thể, các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, đất đai, lao động, tìm kiếm thị trường… để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Được biết, các sở, ngành, địa phương cũng đang nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh kết nối cung cầu, hỗ trợ DN xúc tiến xuất khẩu; kịp thời thông tin diễn biến của thị trường thế giới, đánh giá tác động tới ngành hàng, DN để định hướng sản xuất.

Còn theo ông Lương Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Quản lý Các KCN tỉnh, để các DN thông quan hàng hóa thuận lợi, đơn vị tiếp tục xem xét rút ngắn thời gian thông quan, đồng thời vận hành hiệu quả hệ thống thông quan tự động, thực hiện thủ tục nhanh nhất. Chi cục bố trí cán bộ làm việc cả ngày nghỉ giải quyết hồ sơ, không để tồn đọng tờ khai thông quan. Gần một tuần qua, Chi cục đã thực hiện gần 1,2 nghìn tờ khai để xuất khẩu hàng hóa.

Ban Quản lý Các KCN tỉnh cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục đầu tư, điều chỉnh tăng vốn. Sở Xây dựng hướng dẫn DN sớm hoàn thiện thủ tục xây dựng nhà xưởng, đưa vào hoạt động. Các huyện, TP phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận đất đai và thu hút đầu tư tại các KCN.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng Bộ trưởng Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen tại lễ ký kết. (Ảnh: Molisa)

Việt Nam-Phần Lan đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ đi làm việc tại Phần Lan. Bản ghi nhớ hợp tác này có giá trị trong vòng 5 năm, từ năm 2025 đến 2030.

Sản phẩm được bày bán tại Hội chợ cam, bưởi Lục Ngạn năm 2024.

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch, tiêu thụ các loại trái cây như cam, bưởi, quýt, ổi, táo để phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025. Sản lượng trái cây năm nay giảm song tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.

Buổi livestream bán hàng trên Sàn TMĐT của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, Nan Định). Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Đại diện Tổng cục Thuế tối 10/1 cho biết, thông tin lan truyền trên mạng xã hội “từ ngày 1/1/2025, cơ quan thuế có quyền truy cập vào mọi tài khoản cá nhân để truy thu thuế thương mại điện tử (TMĐT)” là không chính xác, không đúng theo quy định pháp luật thuế.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại Siêu thị OCOP Bắc Giang.

Hiện nay, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đều quan tâm mở rộng hệ thống gian hàng, điểm giới thiệu, trưng bày và tiêu thụ sản phẩm. Điều này nhằm đáp ứng mục tiêu quảng bá, đưa mặt hàng chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng, qua đó kết nối phát triển du lịch, lan tỏa hình ảnh Bắc Giang.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự