Ngành công nghiệp hàng giả phát triển trong đại dịch COVID-19 - Bài 1

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/2/2022 | 9:50:40 AM

Aurélien Letawe, trưởng nhóm Hải quan và Hàng hóa tại sân bay Liège (Bỉ), đang xử lý một chiếc thắt lưng Gucci. Chỉ có tên là Italy còn cách bắt chước rất thô.

Hàng nhái được bày bán công khai tại một chợ trời ở thủ đô Brussels. Ảnh : Hương Giang
Hàng nhái được bày bán công khai tại một chợ trời ở thủ đô Brussels. Ảnh : Hương Giang

CUỘC SĂN LÙNG HÀNG NHÁI Ở LIÈGE

"Nhìn bao bì, nó là một chiếc túi nhựa đơn giản", ông Aurélien Letawe giải thích. "Và sau đó là lỗi chính tả tiếng Anh trong tờ hướng dẫn và số giấy phép do họ tự bịa ra."

Ông Aurélien Letawe xem xét nhãn của bưu kiện mà hải quan sân bay Liège thu giữ. Người nhận là một cá nhân sống ở Milan, Italy. Thế nhưng, người này sẽ không bao giờ nhận được chiếc thắt lưng đặt hàng ở Trung Quốc. Món đồ này sẽ bị tiêu hủy trong vài ngày tới.

"Hai tháng một lần, chúng tôi gửi một thùng 20 m3 chứa đầy các sản phẩm loại này đến các lò đốt ở Bỉ. Chính chủ sở hữu thương hiệu sẽ quyết định phải làm gì với những sản phẩm làm hỏng hình ảnh của họ và chính những thương hiệu sẽ phải trả chi phí tiêu hủy", ông Aurélien Letawe cho biết.

Chú thích ảnh

Ông Aurelien Letawe, phụ trách Hải quan hàng hóa tại sân bay Liège. Ảnh : Anrajean

Đồng hồ Rolex và áo của Messi

Với sự bùng nổ của thương mại trực tuyến, công việc của 160 nhân viên hải quan sân bay Liège rất bận rộn. Mới đây, sân bay vừa ký hợp đồng với 40 nhân viên hải quan mới.  "Có lẽ phải thêm hàng trăm nhân viên nữa tham gia cùng chúng tôi trong những năm tới. Liège đang trở thành một cửa ngõ thực sự của hàng nhái vào Bỉ", ông Aurélien Letawe nhấn mạnh. 

Chú thích ảnh

Đồng hồ Rolex giả.  Ảnh : Anrajean

Trong những ngày gần đây, hàng núi bưu kiện bị thu giữ ở sân bay Liège. Chỉ trong 3 tuần, 80% trong số 15.000 gói hàng được kiểm đều chứa hàng giả. Đồng hồ Rolex; áo thi đấu in tên ngôi sao mới của PSG, Lionel Messi; nước hoa giả; thẻ Pokémon giả … Phần lớn các sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây vẫn là quốc gia làm hàng giả được ưa chuộng ở Bỉ với gần 80% tổng số phát hiện vào năm 2020. Đứng thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 12%. Ở Liège, con số này thậm chí còn vượt quá 95%, do trao đổi thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc. "Các gói hàng được gửi cho các khách hàng cá nhân ở Pháp, Italy và Đức. Chúng tôi hầu như không gặp phải bất kỳ hàng giả nào đến Đức, nơi các quy tắc dường như rất được tôn trọng trong lĩnh vực này", người đứng đầu lực lượng hải quan ở sân bay Liège khẳng định.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của tất cả các nước châu Âu. Ngoài bao bì - "càng rẻ càng bị nghi ngờ" - và xuất xứ, điểm đến của một kiện hàng, vì thế đã trở thành một trong những tiêu chí kiểm soát của hải quan. Trong tầm ngắm của hải quan là một số khu vực đô thị của Lục địa già nổi tiếng với chợ đen. Ông Letawe cho biết ngoài các cuộc kiểm tra hoàn toàn ngẫu nhiên, đôi khi hải quan cũng nhận được những tố cáo hoặc chỉ dấu về các nhãn hiệu hàng giả, hoặc thậm chí là do các đồng nghiệp châu Âu cung cấp.

Chú thích ảnh
 

Các loại trang phục của các cầu thủ bóng đá nổi tiếng bị làm giả nhiều. Ảnh : Anrajean

"Các thương hiệu hiếm khi kiện"

Thứ ba hàng tuần, các nhân viên hải quan Liège có một cuộc họp với các chuyên gia và đại diện của các thương hiệu lớn bị làm giả. Họ phải xác định xem hàng hóa có thực sự là hàng giả hay không và phải làm gì với nó. Và liên hệ với ai để nhận bồi thường. Theo ông Jacky Vandendriessche, từ văn phòng luật Kuras, công ty trung gian giữa các thương hiệu và các cơ quan chức năng của Bỉ, các thương hiệu lớn rất hiếm khi có hành động pháp lý chống lại cá nhân mua phải hàng giả. Điều khiến họ quan tâm là những container hàng đến cảng Antwerp.

Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Ví dụ, nhà sản xuất thiết bị thể thao Nike, nổi tiếng dễ bị kích động với chủ đề này, trong đó các thương hiệu khác linh hoạt hơn. Ngoài việc tránh chi phí tiêu hủy, một số thậm chí còn thấy dễ dàng quảng cáo thương hiệu thông qua các bản nhái rẻ tiền này. "Tôi thích hàng giả, đó là lợi nhuận tốt nhất tốt nhất có thể. Nó tốt hơn một bài báo trên tạp chí Vogue", Virgil Abloh, nhà tạo mẫu của Louis Vuitton giải thích.

Sự gia tăng của thương mại điện tử cũng đã làm đảo lộn mọi thứ trong thế giới "sao chép". Nếu như trước đây, các sản phẩm giả được bán rất nhanh trên các thị trường ít nhiều bí mật thì giờ đây hầu hết mọi cá nhân trên thế giới đều có thể truy cập chúng 24/24 giờ và 7 ngày/7 thông qua Internet.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Hàng nhái được bày bán công khai tại một chợ trời ở thủ đô Brussels.  

Tấn công vào các bưu kiện nhỏ

Các nền tảng bán hàng lớn như Amazon hay Alibaba còn lâu mới có thể thoát khỏi hiện tượng này. Người ta ước tính rằng các bưu kiện nhỏ hiện nay chiếm 63% tổng số vụ bắt giữ hải quan trên thị trường hàng giả. Điều này dẫn đến hai hậu quả: các nhân viên hải quan có khối lượng công việc lớn hơn nhiều và các thương hiệu lớn thờ ơ với ý tưởng tăng cường các hành động pháp lý riêng lẻ để có kết quả không cao. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã không giúp được gì. Ông Jacky Vandendriessche nhấn mạnh: với đại dịch, tất cả các thương hiệu đã giảm ngân sách của họ trong cuộc chiến chống hàng giả ở châu Âu. Giờ đây, họ tập trung nhiều hơn vào việc truy tìm những nơi sản xuất hàng giả.

Tuy nhiên, hàng giả đang bùng nổ. Theo ước tính, thị trường hàng giả trị giá từ 500 đến 1.000 tỷ euro mỗi năm. Số lượng hàng giả bị phát hiện chiếm gần 6% tổng lượng hàng nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) và hơn 3% tổng kim ngạch thương mại thế giới. Tại Bỉ, chỉ trong lĩnh vực mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân thiệt hại đã lên tới 279 triệu euro vào năm 2020 do hàng giả.

 

Với gần 80% sản lượng, Trung Quốc vẫn là tâm điểm của nạn làm hàng giả trên toàn cầu. Vậy, Bỉ liệu có lo sợ về sự bùng nổ của thị trường hàng giả với sự xuất hiện của Alibaba ở Liège, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc ? Ông Aurélien Letawe cho rằng không nên nhắm mục tiêu vào một nền tảng duy nhất. "Các nhà chức trách Bỉ và châu Âu đang thảo luận với Alibaba để phân loại người bán. Ngay cả khi đã có danh sách đen về những kẻ làm hàng giả, tôi nghĩ các nền tảng lớn có thể vẫn chưa sẵn sàng lao vào. Nhưng chúng ta sẽ đạt được điều đó vào một ngày nào đó: họ phải trả rất nhiều tiền nếu hàng hóa bị hải quan phong tỏa trong hai hoặc ba tuần".

34 tấn điện thoại thông minh giả

Trên thực tế, hiện nay, mới chỉ những người mua hàng giả bị khởi tố ở Bỉ. Đã từng có những "con cá" lớn đi qua Liège : những vụ đánh bắt ngoạn mục không chỉ được thực hiện ở cảng Antwerp. Bốn năm trước, các nhân viên hải quan Liège đã chặn được một container chở 34 tấn điện thoại di động giả từ Trung Quốc và chuyển đến Nam Mỹ. "Đó là một chuyến vận chuyển đơn giản và do đó chúng tôi để hàng hóa đi qua, đồng thời cảnh báo các cơ quan chức năng của nước đến. Ngay cả khi nó không có tác động trực tiếp đến Bỉ, thì cũng đã cho phép chúng tôi thiết lập các mối liên hệ rất tốt, luôn hữu ích, với các cơ quan chức năng của một số quốc gia nhất định", ông Aurélien Letawe cho biết.

Trong những năm gần đây, các hồ sơ liên quan đến an toàn, tức là các sản phẩm không tuân thủ các tiêu chuẩn châu Âu, đã tăng mạnh. Ví dụ, ở Bỉ, các vụ bắt giữ đồ chơi giả đã tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2020. "Với cuộc khủng hoảng COVID, chúng tôi cũng đã thu giữ rất nhiều khẩu trang y tế không đủ tiêu chuẩn". Chưa kể đến các loại thuốc được mua "kín đáo hoặc ít kín đáo hơn", chẳng hạn như thuốc đồng hóa hoặc những viên thuốc màu xanh nổi tiếng được cho là để cải thiện hoạt động tình dục của nam giới.

Đáng lo ngại hơn, má phanh ô tô hay lưỡi dao lam giả gần đây đã bị thu giữ tại sân bay Liège. Ông Letawe nhấn mạnh về sự nguy hiểm của những hàng giả này đối với người tiêu dùng. 

Ông Aurélien Letawe cho biết trong thời kỳ đại dịch COVID-19, có một nhu cầu mạnh mẽ của người Trung Quốc sống ở châu Âu về thuốc có nguồn gốc thảo dược với hy vọng sử dụng để phòng chống virus corona. Đó là lý do rất nhiều gói hàng viết hoàn toàn bằng tiếng Quan Thoại và gửi từ Trung Quốc sang. Đây là những thực phẩm bổ sung thảo dược và vẫn được coi là bất hợp pháp ở châu Âu. Các sản phẩm mà hải quan ở sân bay Liège thu giữ sẽ được cơ quan y tế của Bỉ xem xét và quyết định tiêu hủy hay trả lại người gửi.   

Không có vùng cấm đối với Nike

Áo thi đấu của các câu lạc bộ bóng đá lớn hoặc giày thể thao hợp thời trang: các sản phẩm của nhà sản xuất dụng cụ thể thao Nike là một trong những sản phẩm bị làm giả nhiều nhất trên thế giới. Không như các thương hiệu nổi tiếng khác, gã khổng lồ Mỹ đã quyết định đi theo một đường lối nghiêm ngặt: tiêu hủy một cách có hệ thống tất cả hàng giả bị thu giữ. "Chúng tôi áp dụng không khoan nhượng", một giám đốc thương hiệu Nike cho biết.

Ngoài việc truy tố các nhà bán lẻ và người mua, Nike đã đầu tư vào dịch vụ điều tra của riêng mình, điều này đã cho phép họ triệt phá một số nhà máy sản xuất hàng giả ở Trung Quốc. Vào năm 2019, công ty đã tiến một bước xa hơn khi thông báo rằng họ sẽ kết thúc hợp tác với Amazon. Lý do: Nike cảm thấy có quá nhiều hàng nhái các sản phẩm của mình đang được bán trên trang web của gã khổng lồ thương mại điện tử.

Đồng hồ, túi xách, quần áo… Khi nói đến hàng giả, chúng ta thường nghĩ đến những bản sao của những thương hiệu lớn, những mặt hàng xa xỉ.

Tuy nhiên, ngành y tế ngày càng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng trên. Từ khẩu trang đến phương pháp điều trị chống COVID-19, bao gồm cả các sản phẩm để tăng hiệu quả hoặc khả năng miễn dịch. Mỗi năm, hải quan Bỉ thu giữ số lượng hàng giả khổng lồ, trị giá vài tỷ euro trong lĩnh vực này.

BD- Theo TTXVN

Các tin khác
Một cô gái đang phát sóng trực tiếp để bán vải thiều qua mạng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc mới đây công bố thông tin thú vị về số lượng khổng lồ người đang làm nghề phát sóng trực tiếp (livestream) trên mạng ở đất nước 1,4 tỷ dân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 15/10/2024. Ảnh: Website Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Ngày 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh đã bày tỏ quan tâm đến sự phát triển của tình hình bán đảo Triều Tiên và xu hướng quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc.

Nữ nhà văn người Hàn Quốc Han Kang tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 14/11/2023. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Chiều tối 10/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố giải Nobel Văn học 2024 thuộc về nữ nhà văn người Hàn Quốc Han Kang.

Người dân Hàn Quốc xếp hàng mua thịt tại chợ truyền thống.

Chợ truyền thống vẫn là mô hình rất phát triển ở Hàn Quốc và đặc biệt người Hàn Quốc cũng rất ưa chuộng đến mua sắm ở các chợ truyền thống trong những dịp lễ tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự