Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những vi phạm nhân quyền thường xảy ra. Tình trạng này không có ranh giới về xã hội, kinh tế hay địa phương bởi nó xảy ra trong mọi tầng lớp xã hội, từ nông thôn tới thành thị.
Ở nước ta đã có nhiều văn bản pháp luật trực tiếp và gián tiếp về bảo vệ phụ nữ và trẻ em như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự... Tuy nhiên, để các quy phạm pháp luật này thực sự đi vào cuộc sống, cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Trong thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, các khóa đào tạo truyền thông về chủ đề chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Các hoạt động này có sự tham gia của nhiều nhà báo giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết với nghề báo, chia sẻ những kinh nghiệm kỹ năng về đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Đó là những kỹ năng, kinh nghiệm quý báu để hạn chế những sai sót xảy ra trong quá trình tác nghiệp về các chủ đề nhạy cảm như: xâm hại tình dục, bình đẳng giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bảo vệ người yếu thế trong xã hội... Hoạt động thường niên này của Hội Nhà báo Việt Nam giúp đội ngũ phóng viên, biên tập viên trao đổi kinh nghiệm làm nghề, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp thực tế, từ đó rút ra những bài học giúp nâng cao kỹ năng đưa tin, viết bài về chủ đề này.
Việc đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được đánh giá vừa dễ nhưng cũng vừa khó, nhất là đối với phóng viên mới vào nghề. Đối với những nhà báo hoạt động trong loại hình phát thanh thì may mắn hơn các bạn đồng nghiệp ở lĩnh vực truyền hình, báo điện tử… vì không gian của phát thanh là không gian của vô danh. Ở đây nhân vật có thể xuất hiện mà không bị lộ danh tính, không bị nhận diện bởi giọng nói. Nếu loại hình báo chí này được vận dụng cùng những loại hình báo chí khác sẽ tạo nên hiệu quả tiếp cận các nạn nhân của bạo lực được dễ dàng.
Việc ẩn danh đó giúp phụ nữ và trẻ em dễ dàng, tự tin mở lòng chia sẻ hơn. Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh, mỗi nhà báo phóng viên cũng luôn nhắc nhở về việc bảo vệ quyền riêng tư cho nhân vật của mình. Chia sẻ với người nhân vật rằng âm thanh, hình ảnh có thể được sử dụng cho sản phẩm báo chí.
Nói về những lần tác nghiệp liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông chia sẻ: Việc tận dung lợi thế của phát thanh là rất quan trọng. Tôi lấy ví dụ thực tế, trong một chuyến công tác xa, khi đi trên một chuyến xe khách đường dài, tôi có ngồi cạnh một người phụ nữ không quen biết. Trong suốt hành trình ấy tôi và người phụ nữ lạ mặt chia sẻ với nhau rất nhiều chuyện mà bản thân tôi và người đó chưa bao giờ nói ra. Ở đây tôi muốn nói rằng, chúng ta sẽ có một tâm thế thỏa mái nhất nếu nói chuyện với một người mà sau đó chúng ta có thể không gặp lại, điều đó chúng ta tránh được những phán xét, bị đánh giá.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến thông tin thêm: "Rào cản của nạn nhân bị bạo lực giới là họ không muốn bị đánh giá, phán xét bởi người khác, nhất là những người thân quen. Hầu hết các nhân vật mà tôi đã từng tiếp xúc, họ bị trầm cảm nên có thói quen không muốn giao tiếp. Vì thế khi phóng viên muốn người bị hại có thể tự kể câu chuyện của chính họ thì hãy cố gắng tạo cho họ cảm giác sẽ không gặp lại chúng ta và không có mối liên hệ bên ngoài cuộc sống. Khi nói chuyện hãy để họ thấy rằng mình đang lắng nghe chứ không phải chất vấn họ”.
Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, câu hỏi mà các nạn nhân sợ nhất là "Tại sao”, vì thế khi nói chuyện hãy tránh dùng những từ để hỏi như vậy mà thay vào đó hãy dùng những câu hỏi gợi mở để nhân vật có thể tự thuật lại câu chuyện như một cách họ có nhu cầu được nói ra.
Còn theo nhà báo Nguyễn Đăng Khang, Phó Trưởng phòng Thời sự - Truyền hình Công an Nhân dân: Khi đưa tin liên quan đến phụ nữ và trẻ em, nhà báo phải cẩn trọng và có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền của phụ nữ và trẻ em, bao gồm việc tiết lộ và công bố danh tính, hình ảnh của phụ nữ và trẻ em cho dù họ là nạn nhân, nhân chứng hay bị can, bị cáo. Trong đó cân nhắc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để xóa mờ hình ảnh trẻ em trong các sản phẩm báo chí khi đăng tải, phát sóng.
Nói về việc cách lựa chọn các chi tiết khi đưa tin, nhà báo Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng: hiện nay khi đưa tin về bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, việc đổ lỗi cho nạn nhân khiến người tiếp nhận thông tin hiểu sai vấn đề, ít nhiều bào chữa cho thủ phạm. Điều này tô đậm định kiến, kì thị và thiên lệch về giới, đưa quá nhiều chi tiết bạo hành, vô tình khiến danh tính của nạn nhân bị tiết lộ. Một số phóng viên khai thác, thu thập thông tin từ một phía; đưa tin theo hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh, sử dụng nhiều hình ảnh, lời nói ẩn dụ, ví von khiến sự việc có thể sai lệch…
Xử lý cập nhật thông tin thời sự hàng ngày, nhà báo Hoàng Như Hoa, Phó Trưởng ban Ban biên tập tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: khi biên tập, hiệu đính, hiệu chỉnh thông tin liên quan đến vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em gái cần tránh những thông tin khiến các nạn nhân bị tổn thương thêm một lần nữa. Đảm bảo các thông tin cá nhân của người bị hại được ẩn danh; khi khai thác thông tin vụ việc tránh khai thác đi sâu chi tiết bất lợi cho nạn nhân để giật gân, câu view, không biến nạn nhân trở thành công cụ truy tìm của cộng đồng mạng; không chỉ phản ánh đơn thuần mà phải có chính kiến của tác giả về vụ việc đó, chỉ rõ đích danh các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhà báo Như Hoa nhấn mạnh: "khi viết bài cần xuất phát từ sự động viên, chia sẻ, cải thiện tình hình cuộc sống của nạn nhân, chứ không phải vì tính chất thương mại hay bất cứ động cơ nào khác. Qua mỗi bài viết độc giả thấy được sự chân thành trong mỗi tác phẩm báo chí".