Bảo tàng Báo chí Việt Nam chuyển đổi số để phát huy giá trị của kho tư liệu
- Cập nhật: Thứ năm, 18/8/2022 | 8:12:16 AM
Nhờ đầu tư tỉ mỉ, công phu tích cực trong thiết kế vào công tác trưng bày, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Tuy nhiên để phát huy được những giá trị hiện vật, Bảo tàng cần quan tâm hơn nữa việc chuyển đổi số, đáp ứng thị hiếu người xem bây giờ.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhận các góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia báo chí, chuyên gia bảo tàng, cố vấn... Ảnh: Sơn Hải
|
Để công chúng ở bất kỳ nơi nào cũng có thể tiếp cận
Ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu, đồng thời cũng là thách thức trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Để tiếp cận được với những công nghệ mới và ứng dụng một cách hiệu quả trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố từ con người đến công nghiệp và tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp trong thời gian dài.
Hiện nay chuyển đổi số đang đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống và đã tác động không nhỏ tới thói quen, tập quán của nhiều người. Nhiều bảo tàng trước đây hoạt động rất tốt nhưng thời gian qua lượng khách đang giảm dần.
Đến nay đã có rất nhiều bảo tàng trên thế giới và cả ở Việt Nam đã và đang trong quá trình chuyển từ mô hình bảo tàng truyền thống sang mô hình bảo tàng số hoá. Quá trình này diễn ra cả trong hoạt động sưu tầm, lưu trữ và trưng bày.
Thực tế trong quá trình hoạt động của mình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam luôn thực hiện mục tiêu mang đến những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, tạo hứng thú cho khách tham quan và thu hút khách du lịch, Bảo tàng luôn chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào phục vụ công tác trưng bày. Tuy nhiên, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi, cần có những giải pháp để khai thác tốt nhất những thế mạnh của công nghệ số.
Theo nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: "Ngày nay báo chí đa phương tiện, báo điện tử đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng chiếm ưu thế. Để lưu trữ và trưng bày được loại hình báo chí này thì không thể không dùng đến công nghệ số. Tới đây, Bảo tàng báo chí cần thay đổi phương thức sưu tầm, lưu trữ và trưng bày để giúp công chúng có điều kiện tìm hiểu nhanh nhất, hiệu quả nhất, phong phú nhất về lịch sử báo chí Việt Nam. Sớm có kho tư liệu số, có nhiều phương tiện công nghệ tại các gian trưng bày phục vụ công tác tra cứu của người xem, tiến tới xây dựng bảo tàng điện tử để công chúng ở bất kỳ nơi nào, kể cả ở nước ngoài, cũng có thể tiếp cận bảo tàng bằng thiết bị điện tử của mình”.
Còn nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam gợi ý, trong những năm tới, khi đất nước ta ngày càng phát triển, trở thành một nước công nghiệp phát triển, tiếp tục ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mau lẹ của công nghệ thông tin, sự hội nhập quốc tế sâu rộng, báo chí toàn cầu sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng hiện đại và hùng mạnh. Bảo tàng Báo chí chắc chắn không thể duy trì diện mạo như hiện nay, mà sẽ thay đổi để bắt kịp xu thế quốc tế. Có nhiều người hình dung rằng vài chục năm nữa báo chí in sẽ không còn thông dụng, công dụng như hiện nay cùng với sự lên ngôi của báo chí điện tử đa phương tiện, kết hợp các loại hình động như phát thanh, truyền hình, thực tế ảo…
"Do đó những người làm bảo tàng của Hội Nhà báo Việt Nam ngay từ bây giờ phải nghiên cứu, hình dung triển vọng phát triển chung trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của công nghệ thông tin, và sự thay đổi nhu cầu của con người theo đà phát triển của xã hội, để đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng”, nhà báo Hà Minh Huệ chia sẻ.
Cần có kế hoạch dài hơi
Công nghệ số tạo ra nhiều tiện ích cho công chúng, nhưng nó cũng tạo ra thử thách lớn mà người làm bảo tàng phải có sự thay đổi điều chỉnh. Bảo tàng Báo chí cũng cần có kế hoạch dài hơi, tính toán giải pháp phù hợp bởi số lượng hiện vật tại đây lưu giữ rất nhiều. Xây dựng lộ trình số hóa, định lượng hiện vật và đưa ra các giải pháp.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Quản lý bảo tàng, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho rằng: Hoạt động bảo tàng cần chuyển sang dạng kỹ thuật số tất cả những tư liệu - thông tin của các bộ sưu tập và nội dung trưng bày, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành (big data). Đây sẽ là cơ sở cho việc phát triển các nội dung số hiệu quả, cơ sở để bảo quản, phục hồi hiện vật trong trường hợp không may bị hư hại, mất mát, cơ sở để xây dựng các chiến lược quản lý và vận hành bảo tàng.
Ngoài ra, cần thực hiện việc đánh giá trưng bày và khảo sát nhu cầu của khách tham quan một cách khoa học để thực sự hiểu rõ hiệu quả các hoạt động của đơn vị, hiểu rõ lý do khách tham quan đến và không đến bảo tàng. Từ đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, hình thành mối quan hệ tốt với công chúng, mở rộng nhóm công chúng, phân nhóm công chúng theo các tiêu chí riêng để phục vụ tốt hơn trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa. Dần dần nâng cao vị thế của bảo tàng trong quá trình tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những kiến thức căn bản về công nghệ, các bảo tàng mới có thể đặt ra yêu cầu cho đơn vị cung cấp công nghệ để có được các sản phẩm phù hợp, giúp chuyển tải tốt hơn những nội dung của bảo tàng tới công chúng. Bởi lẽ không ai hiểu rõ công chúng cũng như nội dung của bảo tàng hơn chính cán bộ tại bảo tàng đó, và công nghệ mới chỉ là một công cụ hữu hiệu trong kênh giao tiếp giữa bảo tàng và công chúng. Tự thân công nghệ mới không đủ sức hấp dẫn khách tham quan đến với bảo tàng nếu không có nội dung số thực sự hấp dẫn.
Có thể khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung về tìm kiếm nguồn thu, mở rộng đối tượng du khách thì mỗi bảo tàng buộc phải tìm ra hướng đi phù hợp và dài hơi. Bằng việc áp dụng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần với người xem, giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với những tài liệu, hiện vật quý thông qua mạng trực tuyến mà không cần trực tiếp đến bảo tàng.
Ứng dụng công nghệ số sẽ giúp cho du khách có nhiều trải nghiệm hơn, tạo nên sức hút cho công chúng, việc ứng dụng không cần diện tích quy mô lớn và có thể triển khai ngay tại không gian của bảo tàng. Việc ứng dụng các công nghệ mới này sẽ kết hợp với không gian các hội trường, phòng họp để tổ chức lồng ghép với các sự kiện, các cuộc tọa đàm hội thảo về các chủ đề được công chúng quan tâm.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam góp ý: "Trước mắt Bảo tàng cần tổ chức thêm các hoạt động giới thiệu tác giả tác phẩm về những nhà báo nổi tiếng mang lại nhiều dấu ấn, trong lịch sử báo chí Việt Nam, gắn các hoạt động này với sử dụng công nghệ truyền thông mới, thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ trong hoạt động của bảo tàng. Quan trọng hơn nữa là tăng cường sự hợp tác, học hỏi kinh nghiệm với các bảo tàng trong nước và quốc tế. Trong đó tổ chức hợp tác với các bảo tàng báo chí ở trên thế giới. Khai thác tiềm năng, kiến thức quý báu của các chuyên gia, cố vấn về lịch sử báo chí về lịch sử chuyên môn của bảo tàng".
Theo Báo NB&CL(NT)
Các tin khác
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- năm 2024 có thêm thể loại truyền hình và phát thanh là một bước tiến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ban Tổ chức. Điều này không chỉ nâng cao quy mô của Giải mà còn mở rộng sức lan tỏa đến đa dạng đối tượng công chúng.
Sáng 1/12, tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, số 35 Trần Quý Kiên, thành phố Hà Nội, Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 đã chính thức khai mạc.
Nhận lời mời của Liên đoàn Nhà báo Thái Lan (CTJ), đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu có chuyến thăm làm việc tại Thái Lan từ ngày 25-29/11.
Sáng 29/11, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề: “Chủ trương của Đảng về kỷ nguyên mới và tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành quả cách mạng Việt Nam”