Chia sẻ kinh nghiệm để đổi mới phương thức, tổ chức hoạt động, nâng cao vai trò của hội viên nhà báo
- Cập nhật: Chủ nhật, 27/11/2022 | 8:47:37 PM
Ngày 27/11, tại Tỉnh ủy Lạng Sơn, Hội Nhà báo Lạng Sơn đăng cai tổ chức Hội thảo Hội Nhà báo các tỉnh miền núi, Trung du phía Bắc và Thủ đô Hà Nội lần thứ XVII năm 2022 với chủ đề “Nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trong tình hình mới”.
Hội thảo “Nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trong tình hình mới”.
|
Thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động ở địa phương
Tham dự hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Hồ Tiến Thiệu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo Hội Nhà báo 14 tỉnh trong khu vực…
Đây là hoạt động nghiệp vụ rất ý nghĩa hàng năm, được tổ chức luân phiên qua các tỉnh với nhiều nội dung, chủ đề bám sát thực tiễn hoạt động tổ chức hội và hoạt động nghiệp vụ báo chí. Là diễn đàn nghiệp vụ để các Hội Nhà báo trong khu vực trao đổi, góp ý kiến về kinh nghiệm, cách làm, bài học rút ra, trao đổi về những ý tưởng, cách làm mới, tư duy mới trong hoạt động và công tác hội.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, nhà báo Hoàng Đình Hôm - Tổng biên tập báo Lạng Sơn, Chủ tịch Hội Nhà báo Lạng Sơn cho biết: Ngày 08/4/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 43 CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam nói chung, Hội Nhà báo các tỉnh trung du - miền núi phía Bắc và Thành phố Hà Nội nói riêng đã không ngừng được củng cố và phát triển. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, chất lượng hoạt động của Hội ngày càng được nâng lên, xứng đáng là ngôi nhà chung của đông đảo báo giới tỉnh, thành phố.
Hội Nhà báo các cấp đã thường xuyên tổ chức, động viên, khích lệ đội ngũ những người làm báo, hội viên tích cực tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách báo chí; củng cố tổ chức Hội, phát triển hội viên; đổi mới nội dung, hình thức Đặc san, Bản tin người làm báo. Tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ báo chí để nâng cao trình độ mọi mặt cho hội viên; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong hội viên, nhà báo qua đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của báo chí cách mạng và Hội Nhà báo các cấp...
Nhà báo Hoàng Đình Hôm cho rằng, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển. Trong đó, hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh, thành phố còn những hạn chế như: Nội dung, phương thức hoạt động của Hội có nơi, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, sức cuốn hút và tập hợp của Hội chưa cao. Ý thức xây dựng Hội của một số hội viên còn mờ nhạt, chất lượng hoạt động của một số cơ sở Hội và hội viên chưa cao.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động ở địa phương mình, trong đó nhấn mạnh về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhà báo; Phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của Chi hội, Câu lạc bộ báo chí; Triển khai văn bản pháp luật về Báo chí tới hội viên, quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức cho hội viên trải nghiệm thực tế để sáng tạo tác phẩm báo chí dự Giải báo chí tỉnh, Giải báo chí Quốc gia; Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu quả công tác Hội; Sự phối hợp chỉ đạo, quản lý trong việc tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo; triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo...
Nhà báo Phạm Vũ Tuấn, Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh chia sẻ tham luận về "Nâng cao chất lượng cuốn Đặc san Người làm báo – kinh nghiệm và thực tiễn”. Theo nhà báo Phạm Vũ Tuấn, qua quá trình thực tế xuất bản, phát hành, cuốn Đặc san Người làm báo Bắc Ninh đã liên tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức thể hiện. Hiện nay Đặc san đã được in toàn bộ 4 mầu, 44 trang trên chất lượng giấy tốt, phát hành định kỳ 2 tháng/số.
Hội Nhà báo Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch trước khi xuất bản từng số cụ thể, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… Hội đã phối hợp với các cơ quan báo chí tỉnh chỉ đạo các hội viên, phóng viên, các chi hội, câu lạc bộ nhà báo trực thuộc Hội tham gia viết, gửi tin, bài, ảnh cho cuốn Đặc san, nội dung Đặc san được thực hiện theo từng chủ đề lớn vào từng thời điển cụ thể trong năm qua đó đảm bảo được yêu cầu về tính nghiệp vụ, tính thông tin thời sự trên từng số Đặc san.
Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hồng – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Lào Cai chia sẻ kinh nghiệm về "Chú trọng công tác bồi dưỡng kỹ năng làm báo hiện đại cho hội viên”. Theo đó để đạt được hiệu quả trong công tác này, Hội Nhà báo cần luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, giúp họ nâng cao bản lĩnh chính trị. Ngoài ra, Hội còn chủ động phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam, chọn cử hội viên tham dự các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch. Khảo sát nhu cầu và nội dung cần đào tạo của hội viên, chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ theo hướng hiện đại. Chủ động mời các nhà báo giỏi lên trao đổi kiến thức kinh nghiệm...
Khẳng định sự đồng hành của Hội Nhà báo Việt Nam với hội nhà báo các địa phương
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương và cảm ơn những nỗ lực, cố gắng, đóng góp của Hội Nhà báo Lạng Sơn cùng các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ tỉnh Lạng Sơn trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị: Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí của tỉnh tập trung đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ hội viên và những người làm báo. Đồng thời tổ chức hội cần quan tâm phát triển hội viên, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên.
Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động, mạnh dạn đổi mới, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; chủ động tham gia và thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao hiệu quả công tác báo chí. Tiếp tục đổi mới phương tiện làm báo, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận nhanh chóng và tận dụng lợi thế của truyền thông xã hội để mở rộng kênh thông tin, kịp thời thông tin đến độc giả để báo chí tiếp tục thực hiện tốt chức năng trở thành cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục tham mưu tổ chức tốt Giải thưởng Báo chí Lạng Sơn hằng năm, đồng thời cần chủ động tham mưu đề xuất cơ chế chính sách, tổ chức hoạt động trong phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Nhân dịp này đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho HNB tỉnh Lạng Sơn cũng như các hội viên Hội Nhà báo tỉnh trong quá trình hoạt động, tổ chức, xây dựng và phát triển. Các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin trên báo chí theo hướng có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, tính định hướng dư luận; thẳng thắn đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, nhất là trên không gian mạng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng gợi ý hình thức, cách thức, địa điểm tổ chức các hội thảo luân phiên nhằm đảm bảo các hoạt động hội thảo theo hướng hấp dẫn, phong phú, hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề hội nhà báo các địa phương, hội viên đang quan tâm, trong đó có nhiều ý kiến là các mô hình hay, những gợi ý gởi mở các vấn đề từ thực tiễn hoạt động.
Trong thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã luôn đồng hành với hội nhà báo các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chung. Việc phối hợp giữa các đơn vị trong Hội Nhà báo Việt Nam với các địa phương cũng được nâng lên một bước.
"Với vai trò là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi tới các địa phương, làm việc với Hội Nhà báo địa phương, cơ quan báo chí trên địa bàn. Những chuyến đi nhằm kết nối chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, góp phần tăng cường vai trò của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh với các cơ quan báo chí với địa phương. Thực tế có một số lãnh đạo Hội nhà báo địa phương rất chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, huy động được các nguồn lực để tổ chức các hoạt động, tạo nguồn thu, tổ chức các giải báo chí mang lại hiệu quả cao" - Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Nhân dịp này Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng yêu cầu hội nhà báo các địa phương chủ động tham gia các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và các cụm thi đua ở cơ sở. Tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, như: Tổ chức giải bóng bàn, tiếng hát người làm báo, hội báo xuân…để cho các hoạt động này được đặc sắc hơn nữa.
Đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, trong thời gian tới Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tích cực tổ chức hoạt động nghiệp vụ cho hội viên nhà báo. Sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện các quy trình đào tạo nghiệp vụ để phát huy được hiệu quả trong công tác bồi dưỡng cho hội viên. Phấn đấu để mỗi hội viên nhà báo có cách thức làm báo chuyên nghiệp cạnh tranh với những phương tiện truyền thông hiện đại khác. Tiếp tục thu hút công chúng đến với báo chí để tuyên truyền hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng.
Ngoài ra, đồng chí Lê Quốc Minh cũng đề nghị hội nhà báo các địa phương cần đẩy mạnh việc tổ chức các giải thưởng báo chí địa phương, tập hợp thu hút các hội viên tham gia các giải báo chí của trung ương.
Vừa qua, Báo Nhân dân đã tổ chức Hội nghị "Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc”, hội nghị đã tập trung làm rõ những yêu cầu đổi mới, sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng, cũng như cách thức tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho báo Đảng; các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng. Trong năm 2023 sẽ tổ chức hội nghị quy mô hơn nữa cho tất cả các cơ quan báo chí cả nước...
Các tin khác
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- năm 2024 có thêm thể loại truyền hình và phát thanh là một bước tiến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ban Tổ chức. Điều này không chỉ nâng cao quy mô của Giải mà còn mở rộng sức lan tỏa đến đa dạng đối tượng công chúng.
Sáng 1/12, tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, số 35 Trần Quý Kiên, thành phố Hà Nội, Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 đã chính thức khai mạc.
Nhận lời mời của Liên đoàn Nhà báo Thái Lan (CTJ), đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu có chuyến thăm làm việc tại Thái Lan từ ngày 25-29/11.
Sáng 29/11, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề: “Chủ trương của Đảng về kỷ nguyên mới và tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành quả cách mạng Việt Nam”