Nâng cao chất lượng hội viên thường trú, tạo sức mạnh đoàn kết trong hoạt động
- Cập nhật: Thứ năm, 13/7/2023 | 4:55:52 PM
Cần tăng cường chất lượng sinh hoạt hội viên, phóng viên thường trú tại Hội Nhà báo địa phương đồng thời cần giải quyết một số vướng mắc ở hướng dẫn, quy định để thu hút hội viên hơn nữa, tạo nên sức mạnh trong các hoạt động trên địa bàn.
Phóng viên thường trú tác nghiệp. Trong ảnh là nhà báo Thành Châu (ngoài cùng bên phải) phỏng vấn gương người Mông làm ăn giỏi ở bản Chang Lơng trên độ cao 1.500m so với mực nước biển.
|
Nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết định 979/QĐ/HNBVN, lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trong cả nước đều có chung một nhận định: Cần tăng cường chất lượng sinh hoạt hội viên, phóng viên thường trú tại Hội Nhà báo địa phương đồng thời cần giải quyết một số vướng mắc ở hướng dẫn, quy định để thu hút hội viên hơn nữa, tạo nên sức mạnh trong các hoạt động trên địa bàn.
Quyết định 979/QĐ/HNBVN - Giải bài toán trong bối cảnh mới
Nhà báo Dương Phước Thu – Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ rằng, từ năm 2010, nhất là sau năm 2015, đội ngũ những người làm báo cả nước tăng lên rất nhanh, số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam còn tăng nhiều hơn; các tổ chức Chi hội, Liên Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam cũng được thành lập mới khá nhiều. Điều này chứng tỏ số cơ quan báo chí và ấn phẩm báo chí các loại ngày càng phát triển về số lượng, nội dung và các loại hình báo chí. Chính vì sự phong phú, đa dạng đó nên hoạt động quản lý báo chí ở địa phương cũng đa đoan, phức tạp, hoạt động Hội Nhà báo tỉnh lại càng phức tạp và nhiêu khê hơn. Một số phóng viên tác nghiệp tại cơ sở đã để xảy ra nhiều hiện tượng tắc trách, vi phạm những quy định về đạo đức nghề nghiệp, về Luật Báo chí nói chung nhưng Hội Nhà báo địa phương không biết xử lý ra sao?
"Trước những vụ việc như thế phải làm thế nào giữ được mối quan hệ hài hòa giữa nhà báo và cơ sở, nơi phóng viên đến tác nghiệp nhưng vẫn bảo đảm được tính khách quan và trách nhiệm bảo vệ hội viên của Hội Nhà báo tỉnh, tính thời sự và phản ánh của các bài báo. Trong lúc ấy nhiều phóng viên hoạt động đã có Thẻ nhà báo, Thẻ hội viên nhưng lại chưa tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương; nhiều nhà báo có Thẻ nhà báo nhưng lại chưa vào hội, chưa nằm trong bất cứ tổ chức nào của Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là điều nan giải để lại hệ lụy nhiều năm cho các cấp hội địa phương” – nhà báo Dương Phước Thu đặt vấn đề.
Trước tình hình chung ấy, ngày 06 tháng 4 năm 2018, Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quyết định số 979/QĐ-HNBVN và Hướng dẫn số 646/HD-HNBVN thực hiện Quyết định 979 về việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương. Đây là lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam có một Quyết định chính thức quy định hội viên thường trú của các cơ quan báo chí phải sinh hoạt tại địa phương nơi họ hoạt động thường trú.
Ông Thu cũng cho biết, trên cơ sở Quyết định 979 của Hội Nhà báo Việt Nam, ngay từ đầu tháng 7 năm 2018, Ban Thường vụ Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động mời các văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc, phóng viên thường trú trên địa bàn ngồi lại cùng bàn và đi đến thống nhất phải thành lập một Chi hội nhà báo thường trú lâm thời, đồng thời chỉ định Ban Thư ký Chi hội, lập danh sách những nhà báo có Thẻ hội viên. Tất cả những người có mặt đều nhận thức được nội dung và ý nghĩa của Quyết định 979 của Hội Nhà báo Việt Nam nên rất ủng hộ việc phải có một Chi hội thường trú tại Huế. Hoạt động của Chi hội thường trú được đánh giá cao, từ việc hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao, tham dự các cuộc họp Ban Chấp hành mở rộng, các hội nghị, gặp mặt báo chí cuối năm, giữa năm do lãnh đạo tỉnh chủ trì; ủng hộ những sáng kiến do Ban Thư ký chi hội đề xuất như giải bóng đá báo chí miền Trung, giải Cầu lông, giải bóng đá phóng viên trẻ…
"Nhìn lại 5 năm thực hiện Quyết định 979 của Hội Nhà báo Việt Nam, 5 năm tổ chức và thành lập Chi hội Nhà báo thường trú tại Huế, có thể khẳng định rằng, việc đưa phóng viên thường trú – hội viên nhà báo về sinh hoạt hội tại địa phương sẽ tạo thêm sức mạnh và sự đoàn kết trong hoạt động báo chí đem lại nhiều lợi ích cho công tác hội, công tác quản lý nhà nước về thông tin báo chí ở địa phương. Để làm tốt việc này hơn nữa trong thời gian tới, theo chúng tôi, ngoài quyết tâm chính trị của Hội Nhà báo Việt Nam, sự nỗ lực của các cấp Hội Nhà báo địa phương, sự đồng thuận và nhận thức sâu về tinh thần của Quyết định 979 của các hội viên nhà báo thường trú tại địa phương còn rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí – mà đa số là cơ quan báo chí Trung ương đối với từng phóng viên được cử về địa phương thường trú” - nhà báo Dương Phước Thu khẳng định.
Tháo gỡ khó khăn để hoạt động hiệu quả
Nghệ An là một tỉnh có số lượng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú đăng ký hoạt động khá đông. Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quyết định số 979-QĐ-HNBVN, ngày 6/4/2018 là một chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho việc quản lý, giám sát hoạt động báo chí trên địa bàn chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, tâm lý chung của các hội viên nhà báo thường trú không mặn mà trong việc đăng ký tham gia sinh hoạt Hội tại địa phương. Trong lúc đó, Quyết định 979 và Hướng dẫn 646 cũng chưa có cơ chế xác định cụ thể vai trò, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo địa phương trong việc quản lý hội viên thuộc diện các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn. Đây là một trong những khó khăn trong việc huy động hội viên là phóng viên thường trú tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương.
Từ kết quả thực hiện quản lý đội ngũ phóng viên và văn phòng đại diện các báo thường trú trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, nhất là sau khi thực hiện quyết định 979/QĐ của Hội Nhà báo Việt Nam về việc sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương, nhà báo Hồ Thị Ngân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Nghệ An cho rằng, để có kết quả thực hiện hiệu quả hơn nữa, thời gian tới cần giải quyết bốn vấn đề. Đây cũng là những vấn đề được phần lớn các lãnh đạo Hội Nhà báo địa phương quan tâm.
Theo đó, nhà báo Hồ Thị Ngân cho rằng, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo các Liên chi hội, Chi hội nhà báo, cơ quan báo chí có đặt văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại địa phương cần phối hợp với Hội Nhà báo địa phương để các phóng viên đăng ký tham gia sinh hoạt tại Chi hội báo chí thường trú tại địa phương. Thứ hai là, hiện nay, một số văn phòng đại diện có khá nhiều cộng tác viên, do tòa soạn hoặc do Trưởng văn phòng đại diện ký giấy giới thiệu hoạt động nghiệp vụ báo chí cho một số cộng tác viên không đủ điều kiện để hoạt động báo chí. Đội ngũ này nhiều người trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng, chủ yếu là đi cơ sở vận động quảng cáo, phát hành, gây phức tạp và ảnh hưởng đến uy tín của báo chí, cần được chấn chỉnh kịp thời. Thứ ba là cần có quy định cụ thể về quyền xét đề nghị kết nạp hội viên mới của các chi hội nhà báo thường trú tại Hội Nhà báo địa phương, trong hướng dẫn thực hiện Quyết định 979 chưa đề cập vấn đề này. Thứ tư là, Quyết định 979 cần cụ thể hóa hơn nữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Hội Nhà báo địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, thực hiện trách nhiệm cũng như bảo đảm quyền lợi cho hội viên thường trú. Qua đó, góp phần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát hoạt động của phóng viên thường trú các cơ quan báo chí tại địa phương về thực hiện Luật Báo chí; Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, hạn chế tối đa những tiêu cực trong hoạt động báo chí tại cơ sở.
Có thể nói rằng, việc triển khai thực hiện Quyết định 979/QĐ-HNBVN về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương sau 5 năm nhìn lại đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các hội viên nhà báo đều có nhiều cố gắng trong hoạt động của Hội và công tác chuyên môn. Bám sát sự chỉ đạo và định hướng của các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí mà hội viên đang sinh hoạt, thực hiện tốt và hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền các thành quả về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương. Thời gian tới, thiết nghĩ việc tổng kết lại vấn đề này để tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp là rất quan trọng. Từ đó, tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan chủ quản và cấp Hội nhà báo địa phương, thống nhất một mô hình hoạt động hiệu quả, tạo thêm sức mạnh, sự đoàn kết trong hoạt động báo chí…
Các tin khác
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II- năm 2024 có thêm thể loại truyền hình và phát thanh là một bước tiến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ban Tổ chức. Điều này không chỉ nâng cao quy mô của Giải mà còn mở rộng sức lan tỏa đến đa dạng đối tượng công chúng.
Sáng 1/12, tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, số 35 Trần Quý Kiên, thành phố Hà Nội, Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 đã chính thức khai mạc.
Nhận lời mời của Liên đoàn Nhà báo Thái Lan (CTJ), đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu có chuyến thăm làm việc tại Thái Lan từ ngày 25-29/11.
Sáng 29/11, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề: “Chủ trương của Đảng về kỷ nguyên mới và tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành quả cách mạng Việt Nam”