Những ký ức không phai về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
- Cập nhật: Thứ năm, 4/4/2024 | 5:06:54 PM
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng khai giảng ngày 04/4/1949 tại Đại Từ, Thái Nguyên đến nay đã tròn 75 năm thành lập. Những kỷ niệm về trường cũng như hành trình đi học lớp viết báo đầu tiên ấy vẫn in đậm trong tiềm thức của các học viên như nhà báo: Lý Thị Trung, Mai Cương, Trần Kiên, Phạm Viết Thiệu…
Thày trò Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ngày khai giảng, 04/4/1949 (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)
|
1. Hành trình lên chiến khu
Năm 1949, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn khốc liệt. Nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ nhà báo cách mạng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng "nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tuyên truyền báo chí trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi", chỉ định ban Giám đốc gồm 5 người: Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, chủ nhiệm báo Độc lập, Giám đốc; Xuân Thủy, Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Cứu quốc, Phó Giám đốc; Như Phong, Chủ nhiệm báo Cứu quốc Liên khu X, Ủy viên Thường trực; nhà văn, nhà báo Đồ Phồn, Ủy viên giám thị; Tú Mỡ, nhà thơ, nhà báo, Ủy viên đôn đốc.
Giao cho tòa soạn báo Cứu quốc lo xây dựng trường, tổ chức đời sống vật chất (nhà báo Nguyễn Văn Hải phụ trách). Trường đặt trên ngọn đồi thuộc thôn Bờ Rạ, nay thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần gửi thư cho lớp (ngày 09/6 và tháng 7/1949) để động viên tinh thần giảng dạy cũng như học tập của các giảng viên, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Nhà báo Lý Thị Trung cho biết: "Trước khi được cử đi học tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tôi có làm báo viết tay, viết lên thếp giấy, gồm 24 trang, gọi là tờ Tia sáng của Đội Tuyên truyền liên tỉnh phụ nữ Cứu quốc Hải Hưng do đồng chí Hoàng Ngân, lúc đó là Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Liên khu III thành lập".
Bà Trung là người hay viết bài trong tờ Tia sáng, trong đó có bài "Chú tiểu Bình" (nói về em bé bố mất sớm, mẹ không nuôi nổi phải gửi vào chùa) được đồng chí Hoàng Ngân đặc biệt ấn tượng và khen ngợi. Đội tuyên truyền của bà Trung gồm 12 người, công việc là diễn thuyết, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến, dạy văn hóa, giúp đỡ các gia đình tản cư...
Trong một lần đi công tác, đồng chí Hoàng Ngân có gặp Nhà báo Xuân Thủy khi đó là Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh và được biết Tổng bộ sẽ mở lớp đào tạo cán bộ viết báo vào khoảng đầu năm 1949. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để cho đồng nghiệp của mình học tập và phát triển cho tờ báo về sau, chính đồng chí Hoàng Ngân, dù chưa từng gặp Nhà báo Lý Thị Trung bao giờ, đã nhớ ra trong đoàn tuyên truyền có một người phụ nữ viết báo rất hay nên đã có công văn cử bà Lý Thị Trung đi học.
Chia sẻ về quá trình lên học tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nhà báo Lý Thị Trung bồi hồi chia sẻ: "Đi bộ 1 tháng mới lên được Chiến khu để học, khi qua đường số 5, giặc càn quét cho nên bà phải đi cùng đoàn sang đường số 6 qua sông Lục Nam. Đoàn có 10 người thì gần nửa không biết bơi. Nhà thơ Thanh Huyên cho những người không biết bơi vịn vào vai anh để qua sông nhưng tuyệt đối phải trật tự vì đồn giặc đóng ở gần đó. Khi đi học, tư trang của mình chỉ có chiếc bị cói nên khi đến trường, các học viên nam đang chơi bóng liền trêu: "Có thêm dân bị cói khu III rồi".
Còn với học viên Mai Cương (sau nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính) cho biết: Năm 1949, khi đó bà đang công tác tại Ninh Bình, đảm đương trọng trách Thường vụ Thanh niên tỉnh, được kết nạp vào Đảng vào tháng 01/1949. Sau đó, bà được Tỉnh ủy Ninh Bình cử đi học tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng để về làm báo cho Đảng bộ địa phương. Bà Mai Cương nhớ lại: "Khi đi lên Chiến khu để học, qua Hưng Yên thì địch càn, tôi vừa đi vừa chiến đấu cùng chính quyền xã. Có lúc phải nằm ở hầm, địch thì cứ đi rầm rầm bên trên phải nín thở, không dám ho kẻo bị lộ. Sau đó tôi gặp đoàn quân sự của ông Bang Cơ (sau này là chống tôi) và theo đoàn lên Chiến khu Việt Bắc".
2. Những kỷ niệm khó phai
Nhà báo Trần Kiên, sinh năm 1927, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân. Ông là học viên trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949; phóng viên thường trú báo Nhân Dân và Việt Nam Thông tấn xã tại Liên Xô từ năm 1958 – 1963. Nhắc đến những kỉ niệm về lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, nhà báo Trần Kiên (khi theo học lấy tên Hoàng Kiên Trung) như được sống lại với những hồi ức tươi đẹp về lớp học đào tạo báo chí đầu tiên của Đảng.
Đó là những buổi học, thảo luận, sau đó ra đề bài thực hành ngay. Ví dụ, đồng chí Trường Chinh dạy về bình luận, xã luận, sau khi giảng, chia sẻ kinh nghiệm, quy tắc, đồng chí ra đề bài: Viết một bài xã luận về chỉ thị Thi đua ái quốc do Bác Hồ kêu gọi. Sau mấy hôm thì trả bài, đồng chí Trường Chinh nhận xét từng bài, mãi không thấy nói gì đến nhà báo Trần Kiên và Lê Hiền Nam (cùng báo Độc lập), sau đó đồng chí khen bài của Trần Kiên là viết được, xếp thứ nhất.
Với học viên Phạm Viết Thiệu (sinh năm 1924 tại Hà Tĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Hòa Bình, Tạp chí Tuyên truyền) thì được theo học lớp viết báo với ông là một cơ may. Bởi năm 1949, có công văn của Tổng bộ Việt Minh gửi về địa phương cử người đi học lớp báo chí do Tổng bộ lập ra. Ban đầu, tỉnh ủy tính cử một người khác đi học nhưng vì người đó cưới vợ nên không xin dừng, bởi vậy ông Thiệu được cử đi thay.
Trong quá trình học, có một kỷ niệm mà học viên Phạm Viết Thiệu nhớ mãi đó là buổi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Thiệu cho biết: Lần đầu tiên được thực hành phỏng vấn, mà lại là phỏng vấn một vị Đại tướng tài ba nên ông rất "sợ”. Quá trình phỏng vấn và chụp ảnh, nhiếp ảnh thấy trong phòng của Đại tướng ánh sáng không đủ, hiểu được ý định đó, Đại tướng đã cho dỡ mấy tấm lợp tranh xuống để lấy ánh sáng.
Khi đó, nhà báo Phạm Viết Thiệu rất run, tay đưa cho Đại tướng tờ giấy viết sẵn những câu hỏi để Đại tướng xem và trả lời, sau đó ông Thiệu ghi lại. Khi xong việc, Đại tướng có nói với Phạm Viết Thiệu một câu, đại ý khuyên là: Người xưa có câu: "Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn" để răn ta không phải run sợ trước tình huống nào cả.
Còn với một học viên nữ như nhà báo Lý Thị Trung, lớp học ngày ấy rất sôi nổi và có nhiều kỷ niệm rất vui. Chẳng hạn, trong lớp có chia thành các tổ, ông Trần Vũ (sau là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng) ở tổ 6 phải chuyển sang tổ 7 của bà Trung. Vị tổ trưởng tổ 7 này hay họp tổ nên ông Vũ có câu thơ họa theo bài "Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng như sau:
"Tổ 6 xa rồi tổ 6 ơi
Nhớ về tổ cũ nhớ chơi vơi
Mình sang tổ 7 lòng lạnh lắm
Khai hội quanh tuần chết mất thôi".
Còn với học viên Mai Cương, kỷ niệm vui nhất của bà trong suốt quá trình học là: "Trong lớp, chỉ có 3 nữ học viên đó là: Chị Phương Lâm, Lý Thị Trung và tôi. Cả 3 được ưu tiên ngồi bàn đầu ngay cửa ra vào. Các học viên nữ rất thích ngồi ở đây vì khi bắt đầu các giờ học, họ thường được các giảng viên bắt tay".
Lớp học viên đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ngày ấy trưởng thành, đồng cam, cộng khổ, vững vàng song hành cùng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng góp phần vào công cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi cuối cùng. Tuy chỉ mở và đào tạo được một khóa trong thời gian ngắn (3 tháng) nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã đánh dấu thắng lợi bước đầu trên mặt trận tư tưởng, đào tạo báo chí, đặt nền móng cho sự phát triển của nền đào tạo báo chí cách mạng Việt Nam sau này.
Các tin khác
Sáng 1/12, tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, số 35 Trần Quý Kiên, thành phố Hà Nội, Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 đã chính thức khai mạc.
Nhận lời mời của Liên đoàn Nhà báo Thái Lan (CTJ), đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu có chuyến thăm làm việc tại Thái Lan từ ngày 25-29/11.
Sáng 29/11, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề: “Chủ trương của Đảng về kỷ nguyên mới và tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành quả cách mạng Việt Nam”
Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 sẽ chính thức diễn sáng 1/12 tới đây tại Nhà thi đấu Cầu Giấy. Trước thềm Giải đấu, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng bà Lê Mỹ Ái Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa Báo chí, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức về công tác chuẩn bị cho Giải đấu.