Đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh: Xây dựng Hội vững mạnh, báo chí Bắc Giang chuyên nghiệp, nhân văn

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/9/2024 | 7:14:30 AM

Đổi mới là tinh thần xuyên suốt nhiệm kỳ Đại hội X Hội Nhà báo tỉnh. Nhân Đại hội XI, nhiệm kỳ 2024-2029, đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh chia sẻ về công tác Hội, hoạt động báo chí và những định hướng lớn trong nhiệm kỳ tới.

Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chúc mừng Hội Nhà báo tỉnh nhân gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chúc mừng Hội Nhà báo tỉnh nhân gặp mặt kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).

Có thể nhìn nhận, nhiệm kỳ Đại hội X Hội Nhà báo tỉnh là nhiệm kỳ của sự đổi mới. Từ tinh thần đổi mới, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch Covid-19 song Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả thuộc top đầu cả nước.

Lan tỏa tinh thần đổi mới

- Nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí của tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra. Vậy tinh thần đổi mới thể hiện như thế nào và kết quả nổi bật là gì, thưa đồng chí?

Tinh thần đổi mới thể hiện trước hết trong lãnh đạo, chỉ đạo. Ngay sau Đại hội X, Thường trực Hội và lãnh đạo các cơ quan báo chí xác định các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Hội, xây dựng báo chí Bắc Giang phát triển theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tinh thần đổi mới thể hiện qua nhiều nhiệm vụ, từ giáo dục chính trị tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, hoạt động xã hội đến phối hợp tổ chức các cuộc thi báo chí gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương...

Dù gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch Covid-19 bùng phát; nhân sự làm báo giảm do tinh giản biên chế trong khi công việc của các cơ quan báo chí ngày càng tăng song để có thêm kênh thông tin chính thống về tình hình địa phương, Báo Bắc Giang đã xuất bản báo điện tử tiếng Anh, tiếng Trung; nâng cấp báo điện tử. Báo in tăng gấp đôi lượng phát hành (trung bình 15 nghìn tờ/kỳ), in màu tất cả các trang. Đài PT-TH tỉnh tăng thời lượng phát sóng truyền hình 24h/ngày trên vệ tinh Vinasat-2, Internet, truyền hình cáp, MyTV, K+. Phát sóng phát thanh 12h/ngày. Đã nâng cấp Trang thông tin điện tử. Hội Nhà báo tỉnh ra mắt trang thông tin điện tử để tạo diễn đàn sinh hoạt nghiệp vụ cho hội viên. Tạp chí Văn nghệ Sông Thương cũng có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức.

Còn nhiều việc khác thể hiện tinh thần đổi mới và đích đến là để Hội Nhà báo thực sự là "ngôi nhà chung” của hội viên; các cơ quan báo chí tuyên truyền kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội là bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đồng chí, đổi mới rõ nhất trong công tác trên thời gian qua là gì?

Không chỉ nhiệm kỳ này mà những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ luôn được Hội quan tâm. Đổi mới rõ nét nhất là nội dung đào tạo bám sát xu hướng phát triển của báo chí; hình thức thực hiện đã chuyển từ thông tin một chiều sang tọa đàm trao đổi; bồi dưỡng theo chuyên đề gắn với tuyên truyền nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh như công tác xây dựng Đảng, tuyên truyền đại hội Đảng các cấp; bồi dưỡng kỹ năng xử lý thông tin đa phương tiện, kinh nghiệm thực hiện tác phẩm báo chí chất lượng cao... Nhìn chung, do đáp ứng yêu cầu thiết thực, bổ ích nên việc gắn "học” với "hành” được hội viên quan tâm đã tạo chuyển biến trong chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhóm tác giả Trần Đức - Trịnh Lan (Báo Bắc Giang) đoạt Giải C, Giải báo chí Diên Hồng lần thứ 2, năm 2023.

- Cùng với xây dựng đội ngũ, Hội đã có những hình thức gì để tạo sân chơi nghiệp vụ bổ ích cho hội viên?

Hội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí phát động nhiều giải báo chí, nổi bật như thi viết về "Nghị quyết của Đảng và cuộc sống hôm nay”, "Giảm nghèo”, "Dân vận khéo”, các cuộc thi ảnh… Có thể nói năm nào, giới báo chí Bắc Giang cũng có các cuộc thi báo chí. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trong bộn bề khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, Hội Nhà báo tỉnh đã có cách làm sáng tạo qua việc phối hợp phát động cuộc thi "Bắc Giang trên tuyến đầu chống dịch Covid-19”, tạo thành đợt tuyên truyền sâu rộng góp phần cùng cả hệ thống chính trị sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Bên cạnh góp phần tích cực vào nhiệm vụ tuyên truyền, các cuộc thi báo chí tạo cơ sở cho việc tuyển chọn tác phẩm chất lượng tham dự các giải báo chí và nhiệm kỳ qua được coi là "nhiệm kỳ vàng” của báo chí Bắc Giang với hơn 40 giải báo chí Trung ương. Trong số đó có nhiều giải danh giá như 4 giải C Giải báo chí quốc gia; 1 giải Nhì, 1 giải Ba Giải báo chí viết về công tác xây dựng Đảng - Giải Búa liềm Vàng; 1 giải Nhất, 1 giải Nhì cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; 1 giải Ba Giải Diên Hồng… Những giải thưởng trên đã khích lệ tinh thần lao động sáng tạo và là minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của báo chí Bắc Giang.

Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số báo chí

- Đồng chí vừa nói đến xu hướng phát triển của báo chí, phải chăng đó là công việc chuyển đổi số, là chuyển từ phương thức tác nghiệp truyền thống sang tác nghiệp đa phương tiện, hiện đại?

Đúng vậy. Chuyển đổi số là yêu cầu đòi hỏi khách quan, nhiệm vụ trọng tâm của báo chí cả nước, trong đó báo chí Bắc Giang không thể đứng ngoài cuộc.

Chuyển đổi số báo chí là quá trình thay đổi toàn diện từ khâu tổ chức, phương pháp, cách thức làm việc; là chuyển đổi từ mô hình, cách làm truyền thống sang ứng dụng công nghệ hiện đại… để cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng cao. Báo chí là ngành nghề phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động của đời sống xã hội nên tất yếu phải đi đầu trong chuyển đổi số.

- Vậy chuyển đổi số được các cơ quan báo chí của tỉnh triển khai như thế nào và quá trình thực hiện đã vượt qua khó khăn, trở ngại gì, thưa đồng chí?

Trước hết, xin chia sẻ khó khăn, thách thức trước. Dù là xu hướng tất yếu song nhận thức của nhiều hội viên, trong đó có cả lãnh đạo cơ quan báo chí về yêu cầu, đòi hỏi của chuyển đổi số còn chưa đầy đủ. Thói quen, tư duy làm báo theo kiểu truyền thống; tâm lý trọng kinh nghiệm, ngại đổi mới còn phổ biến. Rồi cơ sở vật chất, nhân lực chuyển đổi số khó khăn...

Phóng viên Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại huyện Lục Ngạn trong mùa lũ.

Xác định chuyển đổi số phải toàn diện, thực hiện từng bước, các cơ quan báo chí của tỉnh đã tập trung triển khai và thu được thành quả bước đầu. Cách đây hơn 10 năm, Báo Bắc Giang đã xây dựng thành công tòa soạn điện tử, hiện đã và đang hoàn thiện tòa soạn hội tụ; đã chuyển từ cách làm truyền thống, quen tác nghiệp cho báo in sang làm báo điện tử; từ mỗi phóng viên chỉ quen làm một việc nay đã tác nghiệp, thể hiện tác phẩm cho nhiều loại hình báo chí.

Đài PT-TH tỉnh là điểm sáng về chuyển đổi số. Triển khai dự án "Đầu tư hệ thống trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao phục vụ chuyển đổi số”, kênh Truyền hình BGTV đã chính thức phát sóng trực tuyến trên nền tảng Truyền hình số quốc gia. Năm qua, Đài PT-TH tỉnh đứng thứ 5/60 đài tiên phong thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc.

Cùng đó, quản trị tòa soạn của các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại hơn; đã chú trọng thực hiện các tác phẩm báo chí mới như Longform, E-magazine, Infographics… Đã xây dựng các trang Fanpage, YouTube, TikTok để lan tỏa thông tin đến bạn đọc.

Đứng im đồng nghĩa lạc hậu

- Thành tựu thì đã rõ, vậy còn điều gì mà theo đồng chí, nếu có sự tập trung cao hơn thì kết quả sẽ toàn diện hơn?

Trước hết là nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa thật phong phú, hấp dẫn. Một số hội viên, nhà báo còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu sâu sát thực tế nên còn ít tác phẩm chất lượng cao. Còn nhiều nhân tố mới, điển hình tiên tiến chưa được kịp thời tuyên truyền nhân rộng; tính phản biện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa cao. Cùng đó là nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền… Nếu Thường trực Hội và các cơ quan báo chí có sự tập trung hơn, sáng tạo, nhạy bén hơn thì kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ toàn diện hơn.

Vậy trong nhiệm kỳ tới, Hội và các cơ quan báo chí của tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa đồng chí?

Thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; KT-XH của đất nước còn gặp không ít khó khăn. Với Bắc Giang, bên cạnh thuận lợi là cơ bản cũng có những khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, bên cạnh thuận lợi và cơ hội, hoạt động Hội và công tác báo chí đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Với tinh thần "đứng im đồng nghĩa tụt hậu”, nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên là xây dựng Hội thực sự vững mạnh; làm tốt công tác thu hút, tập hợp, hướng hội viên hành nghề đúng tôn chỉ mục đích, đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội từ thiện; thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhất là thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa.

Các cơ quan báo chí tiếp tục bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền kịp thời nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh; cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo, việc làm bình dị mà cao quý của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Kịp thời phê phán những hành vi phản văn hóa; phản bác thông tin xấu độc, sai sự thật, các quan điểm sai trái, thù địch để góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội XI Hội Nhà báo tỉnh, đồng thời hướng tới kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí có nhắn gửi gì đến đội ngũ hội viên, nhà báo của tỉnh?

100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam là hành trình dài báo chí đồng hành cùng dân tộc với cả thăng trầm và vinh quang. Tự hào truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, tôi mong muốn các hội viên, nhà báo tiếp tục trau dồi phẩm chất, năng lực, đạo đức nghề nghiệp; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới trên mọi phương diện. Nỗ lực, cố gắng của mỗi người sẽ tạo sức mạnh tổng hợp đưa báo chí Bắc Giang phát triển với diện mạo tươi mới hơn, khẳng định rõ hơn vai trò trong việc định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào và vinh quang của mỗi hội viên, nhà báo.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí


Các tin khác
Lễ Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024.

Sáng 1/12, tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, số 35 Trần Quý Kiên, thành phố Hà Nội, Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 đã chính thức khai mạc.

Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) thăm tòa soạn báo in của Tập đoàn báo chí Matichon.

Nhận lời mời của Liên đoàn Nhà báo Thái Lan (CTJ), đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu có chuyến thăm làm việc tại Thái Lan từ ngày 25-29/11.

Quang cảnh hội nghị

Sáng 29/11, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề: “Chủ trương của Đảng về kỷ nguyên mới và tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành quả cách mạng Việt Nam”

Bà Lê Mỹ Ái Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa Báo chí, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Giải. Ảnh: Sơn Hải

Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 sẽ chính thức diễn sáng 1/12 tới đây tại Nhà thi đấu Cầu Giấy. Trước thềm Giải đấu, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng bà Lê Mỹ Ái Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa Báo chí, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức về công tác chuẩn bị cho Giải đấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự