Đài PT&TH tỉnh: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất các chương trình
- Cập nhật: Thứ năm, 19/9/2024 | 7:16:30 AM
Trong ngành phát thanh, truyền hình (PT-TH) hiện nay, ứng dụng công nghệ 4.0 là xu hướng không thể đảo ngược. Thời gian qua, Đài PT&TH tỉnh đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ hiện tại, tạo chuyển biến mới trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.
Ghi hình bản tin thời sự ở trường quay trực tiếp - Đài PT&TH tỉnh.
|
Đài PT&TH tỉnh đã sớm chuẩn bị các điều kiện để ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất các chương trình. Thực hiện Đề án "Phát triển sự nghiệp Đài PT&TH tỉnh Bắc Giang trong kỷ nguyên số giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2030”, nhiều dự án số hóa được đầu tư, nổi bật là dự án "Đầu tư hệ thống trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao phục vụ chuyển đổi số”.
Dự án tập trung đầu tư vào các nền tảng công nghệ lõi của hạ tầng kỹ thuật, công nghệ PT&TH để phục vụ chuyển đổi số như: Hệ thống tổng khống chế đa nền tảng; hệ thống thiết bị trường quay thời sự trực tiếp và các chương trình trực tiếp tương tác đa nền tảng; hệ thống camera chuẩn 4K và phụ kiện cho phóng viên tác nghiệp; hệ thống thiết bị dựng hình chuẩn 4K và phụ kiện; hệ thống thiết bị cho Studio phát thanh trực tiếp...
Hệ thống trường quay thời sự trực tiếp và các chương trình trực tiếp đa nền tảng là trường quay mới với các thiết bị hiện đại nhằm sản xuất những chương trình có chất lượng hình ảnh và âm thanh cao, thời gian sản xuất nhanh. Trường quay có thể sản xuất các bản tin thời sự hoặc chương trình Talkshow hay tương tác trực tiếp với khán giả thông qua hạ tầng mạng xã hội; sản xuất nhiều chương trình để phát sóng trên nhiều nền tảng phục vụ nhiều đối tượng khán, thính giả. Từ nền tảng công nghệ này, ngày 30/5/2023, kênh Truyền hình Bắc Giang (BGTV) chính thức phát sóng trực tuyến trên nền tảng Truyền hình số Quốc gia (ứng dụng VTV go của Đài Truyền hình Việt Nam). Đồng thời đa dạng hóa hình thức truyền dẫn phát sóng như: Số mặt đất, cáp, MyTV, Internet, phát trên vệ tinh Vinasat, BGTVgo và các trang mạng xã hội: Youtube, Facebook, TikTok.
Để đáp ứng kịp thời xu thế phát triển, Đài PT&TH tỉnh đã sớm chuẩn bị tâm thế cho đội ngũ phóng viên (PV), biên tập viên (BTV), kỹ thuật viên (KTV). Ngoài chuẩn hóa đào tạo, đội ngũ này sớm được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn do Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức. Sau nhiều năm đào tạo, cùng với quá trình tự học, các PV, BTV, KTV của Đài đã nâng cao kiến thức, kỹ năng để có thể khai thác, sử dụng được những thiết bị hiện đại.
Trong đợt tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, các PV, BTV, KTV của Đài dễ dàng tác nghiệp từ xa mà không phải làm việc trực tiếp với nhau và vẫn bảo đảm cách ly để phòng dịch. Hay như tuyên truyền phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 vừa qua, mọi diễn biến của cơn bão ở các địa phương, kể cả nơi xa xôi nhất tỉnh, môi trường tác nghiệp khó khăn song thông tin vẫn được PV chuyển về Đài nhanh chóng, bảo đảm cập nhật liên tục.
Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất các chương trình PT&TH không chỉ cho thấy hiệu quả ở tính kịp thời hay tiện dụng trong tác nghiệp mà còn cho phép đa dạng hóa phương thức tác nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm truyền thông. Từ đó, rất nhiều chương trình mang tính chuyên đề, chuyên biệt đã ra đời. Hiện Đài đang duy trì hơn 60 chuyên, tiết mục và luôn có sự cải tiến, đổi mới; đồng thời việc ứng dụng công nghệ mới cho phép các quy trình sản xuất ngày càng hoàn thiện từ khâu lựa chọn đề tài, xây dựng kịch bản, biên tập đến dựng hình, duyệt phát sóng.
Các công nghệ mới của Đài PT&TH tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp ở trình độ cao, nổi bật là tại SEA Games 31, lần đầu tiên Đài truyền hình trực tiếp sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế cùng VTV. Đài đã tiếp cận đa chiều, mở nhiều kênh thông tin ở các hạ tầng khác nhau để phục vụ khán giả, thính giả. Hơn 6 triệu lượt xem sự kiện này trên nền tảng Internet của Đài là minh chứng cho sự trưởng thành đó. Hay như việc gửi tin, phóng sự cộng tác với VTV, các đài địa phương trong cả nước cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Trong ngành PT&TH hiện nay, ứng dụng công nghệ đang là xu hướng không thể đảo ngược. Qua ứng dụng nhiều công nghệ mới đã cải thiện chất lượng nội dung, tăng sự trải nghiệm về hiệu ứng âm thanh, hình ảnh của người dùng và tăng hiệu quả vận hành của các kênh truyền dẫn phát sóng. Tất cả hướng tới mục tiêu tuyên truyền tốt nhất nhiệm vụ chính trị và hướng tới sự hài lòng của khán giả, thính giả theo phương châm "nhanh hơn, xa hơn, thân thiện hơn”.
Các tin khác
Sáng 1/12, tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, số 35 Trần Quý Kiên, thành phố Hà Nội, Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 đã chính thức khai mạc.
Nhận lời mời của Liên đoàn Nhà báo Thái Lan (CTJ), đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu có chuyến thăm làm việc tại Thái Lan từ ngày 25-29/11.
Sáng 29/11, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề: “Chủ trương của Đảng về kỷ nguyên mới và tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành quả cách mạng Việt Nam”
Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 sẽ chính thức diễn sáng 1/12 tới đây tại Nhà thi đấu Cầu Giấy. Trước thềm Giải đấu, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng bà Lê Mỹ Ái Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa Báo chí, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức về công tác chuẩn bị cho Giải đấu.