Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí: Tăng thời lượng thực hành, thêm kỹ năng nghề
- Cập nhật: Thứ bảy, 5/10/2024 | 4:23:34 PM
Việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, các khóa học của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho mỗi hội viên, nhà báo.
Các giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí sẽ cùng học viên đi thực tế tại hiện trường.
|
Nâng cao kỹ năng thực hành
Vừa qua Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức một số lớp tập huấn về sử dụng điện thoại sản xuất video trên báo chí đa nền tảng, nhà báo Nguyễn Hữu Tiệp - Báo Hànộimới là một trong những học viên tham gia khóa học kéo dài 2 ngày này. Tham gia khóa học anh được trang bị các kỹ năng kiến thức về sản xuất video đa nền tảng, kỹ năng quay phim, sử dụng phần mềm hỗ trợ sản xuất video, kỹ năng tư duy đề tài cho video đa nền tảng, kỹ thuật thực hiện tác phẩm báo chí đa phương tiện…Ngoài ra, anh còn được trực tiếp trao đổi với giảng viên những vấn đề mà mình đang băn khoăn khi triển khai tác nghiệp ở cơ quan mình.
Bên cạnh đó, các giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đều là những nhà báo có nhiều kinh nghiệm làm báo nhiều năm, đang trực tiếp tác nghiệp tạo ra các sản phẩm ở mọi loại hình báo chí. Chính vì thế các kiến thức và kỹ năng truyền đạt đều được xây dựng từ thực tế, các kỹ năng truyền đạt đến hội viên tham dự lớp học đều mang tính "cầm tay, chỉ việc”.
Nhà báo Nguyễn Hữu Tiệp chia sẻ: Tham gia tập huấn, tôi có cơ hội trao đổi trực tiếp với giảng viên, giảng viên biết được các học viên còn đang vướng mắc, gặp lỗi chỗ nào. Chúng tôi biết thêm được việc sử dụng điện thoại trong những trường hợp nào, không cần máy móc cầu kỳ, chỉ với chiếc điện thoại chúng tôi có thể đi vào khu vực như: lũ lụt, mưa bão, cháy nổ…ngoài việc viết tin, bài thông thường phóng viên có thể sản xuất các video ngắn, dạng shot video…tận dụng các tính năng của điện thoại để sản xuất video, hình ảnh đưa lên các nền tảng mạng xã hội và các thể loại báo chí khác nhau.
"Quan trọng là qua các buổi học anh em làm báo các cơ quan báo chí biết nhau, giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau. Tôi thấy từ đầu đến cuối lớp học khá sôi nổi, nhiều vấn đề trong quá trình tác nghiệp được đưa thảo luận. Tất cả mọi người đều hướng đến mục tiêu tác nghiệp nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu làm báo hiện đại, sản xuất video phục vụ phân phối đến đa nền tảng như: Facebook, YouTube, TikTok ... qua tác phẩm mọi người sẽ biết được điểm mạnh, điểm yếu và khắc phục những hạn chế về nghiệp vụ, kỹ năng của mình”, nhà báo Nguyễn Hữu Tiệp thông tin thêm.
Có thể nói, trong thời điểm mà báo chí phải cạnh tranh với mạng xã hội, những tác phẩm báo chí dưới dạng video ngắn, shot video luôn tạo nên sự khác biệt. Khi sản xuất một shot video, các tòa soạn không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất mà còn giúp người xem dễ dàng tương tác và nắm bắt nội dung.
Tuy nhiên, để làm việc việc này đòi hỏi mỗi tòa soạn phải có thêm nguồn nhân lực có kỹ năng, luôn biết cách sáng tạo với thể loại báo chí truyền thông mới này. Chính vì thế trong suốt thời gian qua, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức nhiều khóa học về làm báo đa phương tiện, ứng dụng nghệ mới hiện đại vào quá trình tác nghiệp. Nội dung các buổi học đều mang tính trực quan, sinh động, để mỗi học viên dễ thu lượm được nhiều kiến thức, kỹ năng mới.
Rút ngắn khoảng cách giảng viên - hội viên
Thường xuyên tham gia giảng dạy tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, nhà báo Hoàng Đức Long, Truyền hình Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết, trong quá trình giảng dạy, anh luôn chọn những kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã tích luỹ được trong quá trình tác nghiệp thực tế, thậm chí những có nhiều kỹ năng vừa mới phát hiện cũng được cập nhật vào bài giảng. Tất cả các kiến thức này đều có thể giúp các học viên ứng dụng được vào quá trình tác nghiệp.
"Bên cạnh đó, khi trực tiếp giảng và trao đổi trên lớp, tôi hiểu học viên đang cần những kiến thức và kỹ năng gì để truyền đạt đến cho mọi người. Nếu phóng viên đó muốn hiểu những kiến cơ bản hoặc muốn chuyên sâu về một khâu nào đó trong quá trình tác nghiệp thì giảng viên sẽ nói sâu hơn, quá trình giảng luôn lấy những ví dụ, dẫn chứng thực tế kèm vào” – nhà báo Hoàng Đức Long nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy mỗi lớp học được Trung tâm triển khai đều có mặt của nhiều phóng viên đến từ các cơ quan báo chí khác nhau, mức độ ứng dụng công nghệ và trình độ cũng khác nhau. Vì thế mỗi bài giảng phải đi theo hướng mà để ai cũng có thể tiếp thu được kiến thức mà không cảm thấy nhàm chán. Giảng viên cũng dành thời gian đánh giá, nhận xét chất lượng những tác phẩm mà phóng viên đã làm tại cơ quan mình. Từ đó mọi người sẽ cùng so sánh, phân tích và thấy được điểm được và chưa được để điều chỉnh nâng cao chất lượng hơn cho những tác phẩm sau này. Trong thời gian diễn ra khóa học, học viên không chỉ thực hành trên giảng đường mà còn đi thực tế. Trên cơ sở đề tài được chọn, các nhóm sẽ bàn luận với nhau kỹ càng, phân công nhiệm vụ khi đi thực tế.
Nhà báo Hoàng Đức Long chia sẻ thêm: "Tham gia lớp học, học viên thay đổi được tư duy và cách làm truyền thống. Nhờ thực hành bản thân học viên thấy rằng, cùng một đề tài, cùng một trang thiết bị nhưng có thể sáng tạo ra tác phẩm báo chí chất lượng hơn. Sau lớp học giảng viên vẫn thường xuyên nhắc nhở học viên về thực hành luôn vì "chăm hay không bằng tay quen”. Khi kiến thức, kỹ năng cộng với thực hành thường xuyên mới tạo ra tác phẩm báo chí chất lượng. Mặc dù lớp học kết thúc, nhưng giảng viên và Trung tâm vẫn duy trì nhóm Zalo, các học viên vẫn gửi tác phẩm mình làm được hàng ngày để mọi người cùng đánh giá nhận xét, có khen có chê”.
Nói về những đổi mới trong bồi dưỡng nghiệp vụ, nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay Trung tâm tổ chức được khá nhiều lớp thu hút được số lượng học viên lớn. Các học viên đều cảm thấy thích thú qua mỗi giờ học bởi những cách thức triển khai mới mẻ và thiết thực mà các giảng viên đem lại. Tất cả các khóa học đều hướng đến nội dung làm báo hiện đại.
"Mỗi lớp học chúng tôi cố gắng tăng số giờ gian thực hành, các nhóm phóng viên sẽ đi thực tế tại hiện trường hoặc ở các tòa soạn, phòng thu, sản phẩm sẽ được giảng viên hướng dẫn từ đầu cho đến khi hoàn thiện…Ngoài các lớp về làm báo đa phương tiện, thiết kế đồ họa, báo chí điều tra…, tới đây Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí sẽ tổ chức các khóa đào tạo về sử dụng AI trong tác nghiệp. Ở những lớp học này sẽ mời các giảng viên có kiến thức về báo chí, có kỹ năng sử dụng AI, Trung tâm hi vọng sẽ tiếp tục thu hút đông đảo hội viên hơn” – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí Nguyễn Thị Hải Vân chia sẻ.
Các tin khác
Sáng 1/12, tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, số 35 Trần Quý Kiên, thành phố Hà Nội, Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 đã chính thức khai mạc.
Nhận lời mời của Liên đoàn Nhà báo Thái Lan (CTJ), đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) do đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu có chuyến thăm làm việc tại Thái Lan từ ngày 25-29/11.
Sáng 29/11, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề: “Chủ trương của Đảng về kỷ nguyên mới và tuyên truyền phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành quả cách mạng Việt Nam”
Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17 - Tranh cúp Sao Vàng 2024 sẽ chính thức diễn sáng 1/12 tới đây tại Nhà thi đấu Cầu Giấy. Trước thềm Giải đấu, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng bà Lê Mỹ Ái Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa Báo chí, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức về công tác chuẩn bị cho Giải đấu.