Vẫn là lính biên cương
- Cập nhật: Thứ ba, 10/9/2024 | 10:10:52 AM
Ở làng Cổ Cò, ông Lự có mối quan hệ khá đặc biệt với ông Hà. Hai người đều là cựu chiến binh ở tuổi U60, đều là lãnh đạo khu dân cư và họ thân thiết với nhau còn hơn cả anh em ruột. Năm 1987, hai mươi tuổi, Hà nhập ngũ. Huấn luyện xong, anh được điều động lên biên giới phía Bắc. Mặt trận Hà Giang hồi ấy rất nóng bỏng. Khi đó, Lự đã lăn lộn ở vùng này nhiều năm rồi.
Minh họa: Hiền Nhân.
|
Các điểm tựa từ đồi Tròn, lũng 840, Pa Hán (đông sông Lô) đến đồi Cô Ích, bình độ 1.100 (tây sông Lô), từ Vị Xuyên sang Thanh Thủy, Lự đều đã tham dự cả. Những ngày đông giá rét, nhiều hôm nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện băng giá, tuyết rơi. Trên chốt không có nước uống. Chiến sĩ phải hứng sương, lấy tuyết để lau người. Bộ phận hậu cần hàng ngày cõng nước, cõng cơm nắm, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Tuy gian khổ là thế song tư tưởng anh em chiến sĩ rất kiên định, ngoan cường, quyết bám chốt, đánh địch.
Thiếu úy Đại đội phó Lự cùng các chiến sĩ quần áo, mặt mũi sạm đen, bám đầy khói súng. Chiều hôm ấy, sau loạt cối 82 và pháo mặt đất của đơn vị Lự, quân địch rút chạy khỏi trận địa. Không khí mặt trận yên ắng trở lại. Đại đội trưởng bị thương đã chuyển về tuyến sau. Lự tạm thời chỉ huy đơn vị giữ quyền Đại đội trưởng. Gánh nặng trách nhiệm đè lên vai anh. Người anh mệt lả. Cả ngày chiến đấu giằng co từng tấc đất như thế, ranh giới giữa cái sống cái chết mong manh như thế, đói mệt như thế bảo sao mà không mệt cơ chứ? Điểm danh lại đơn vị chỉ còn hơn nửa quân số. Số hy sinh, số khác thì bị thương. Tất cả đã được đưa về tuyến sau chôn cất và chữa trị. Nhìn số anh em còn lại thấy ai cũng rất mệt mỏi, Lự lo lắm. Anh động viên chiến sĩ tranh thủ ăn lương khô, cơm nắm, nghỉ ngơi cho lại sức rồi phân công canh gác, cảnh giới các vị trí.
Nhá nhem tối, Lự nhận điện đàm của cấp trên, đơn vị anh được bổ sung một số chiến sĩ mới. Số này sẽ lên chốt ngay trong đêm nay. Cấp trên yêu cầu anh cho củng cố công sự, kiểm tra vũ khí, biên chế, bố trí họ vào các vị trí chuẩn bị tốt nhất cho sẵn sàng chiến đấu. Tám giờ tối, số chiến sĩ này đã lên đến chốt. Trong căn hầm chỉ huy, Lự nhìn số lính mới một lượt. Tất cả đều trẻ măng. Toàn tuổi mười tám, hai mươi giống như anh sáu năm về trước. Chợt anh dừng lại ở một cậu lính đang chăm chăm nhìn mình. "Hà! Phải Hà con bác Hưng không?”. Lính mới vừa được nhắc tên cũng reo lên: "Vâng. Em đây! Anh là… là anh Lự phải không ạ?”.
Hai người chạy tới ôm chầm lấy nhau bỏ qua cả điều lệnh lễ tiết. Lự hỏi nhanh về tình hình gia đình, về làng Cổ Cò. Hà vui vẻ cung cấp những thông tin cơ bản nhất. Sau đó, anh quán triệt số chiến sĩ mới, phân công họ về các trung đội. Riêng Hà, anh giữ lại ở chốt chỉ huy. Đêm ấy yên tĩnh. Hai anh em Lự Hà rì rầm tâm sự. Hà ôm súng tin cậy ngồi bên vị chỉ huy, người anh đồng hương của mình. "Tình hình cô Nguyệt của chú thế nào rồi?”, Lự khơi mào câu chuyện. Hà cười: "Chúng em cưới nhau rồi thủ trưởng ơi!”. "Cưới rồi hả? Giỏi. Thế cưới bao giờ? Có đủ tuổi đăng ký kết hôn không đấy?”. Hà thủ thỉ: "Em cưới đầu năm anh ạ. Vừa đủ tuổi đăng ký luôn”. "Chú hai mươi. Cô ấy mười tám. Được. Nhưng mà vẫn hơi sớm đấy”. Lự lẩm nhẩm tính toán. Rồi anh nói: "Yêu nhau từ hồi cấp hai cơ mà”. "Cũng do mẹ Nguyệt cả anh ạ”. "Sao? Bà ấy giục cưới à?”. "Gần như thế. Mẹ Nguyệt ốm nặng, chúng em cưới… chạy tang mà”. "Thế hả? Bà cụ mất rồi à? Bệnh gì mà nhanh thế?”. "Cụ bị đột quỵ, xuất huyết não anh ạ. Chúng em cưới được hai ngày thì cụ đi”. "Thôi… Đành vậy. Số cả đấy chú ạ”. Lự chép miệng thở dài.
Hai anh em ngồi lặng yên. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Mãi sau, Lự lên tiếng: "Không nói chuyện buồn nữa. Nói chuyện vui thôi. Chú cưới Nguyệt trước khi nhập ngũ là tốt rồi. Thế vợ con tớ ở nhà vẫn khỏe chứ? Mải chuyện của chú chưa kịp hỏi gì về Tín và cu tít nhà tớ”. "Chị Tín khỏe. Thằng cu ngoan lắm anh ạ. Nó cũng năm tuổi rồi còn gì?”. "Ừ, năm tuổi rồi. Kết quả của chuyến Tín lên thăm tớ đấy. Ôi! Chẳng biết bây giờ nó trông thế nào nhỉ?”. "Giống anh như đúc”. "Giờ mà được ôm thằng cu một tí thì thích quá”, Lự hít hà mơ màng. Bỗng dưng, Hà nhớ Nguyệt vô cùng. Trăng đẹp thế kia cơ mà. Nguyệt đấy. Nguyệt luôn theo bên anh đấy. Nguyệt là trăng, Hà là sông. Sông trăng đang chảy lên biên giới đây này.
Tự nhiên có ý nghĩ lãng mạn vậy. Giờ này em đang làm gì, Nguyệt ơi? Thương em quá. Cưới xong chưa được bao lâu đã phải xa nhau rồi. Cố lên em nhé. Lự vẫn thủ thỉ: "Năm ấy, Tín dám mò lên đây để thăm tớ đấy. Chú thấy có liều không? Chiến tranh ác liệt như thế mà lên đây nhìn những đồi hoa sim cô ấy còn khe khẽ hát bài "Hoa sim biên giới” nữa chứ. May mà dạo đó tình hình đang tạm yên. Đêm ấy, còn hơn cả đêm tân hôn chú ạ. Kỳ lạ lắm!". Lự tủm tỉm cười, ánh mắt nhìn xa xăm."Giờ mỗi khi nhớ lại hình ảnh Tín bên những khóm hoa sim ven đồi ở khu nhà khách đơn vị cùng tiếng hát nhẹ nhàng của cô ấy hòa với gió biên cương rì rào là bao mệt nhọc tan biến hết chú ạ”.
Trăng biên cương vằng vặc sáng như chưa hề có tiếng súng và chết chóc ở đây. Hà nhìn Lự, nhìn trăng, nhìn về phía bên kia đen ngòm. Phía ấy đang tiềm ẩn những bất trắc khôn lường. Giá như đừng có chiến tranh thì đêm trăng này, kỷ niệm ấy của anh Lự và nỗi nhớ của Hà về Nguyệt sẽ thơ mộng biết bao. Chợt, Lự bừng tỉnh nói: "Chú mới cưới vợ, xa nhau thế này, nhớ lắm đấy. Cả cô ấy nữa”. "Vâng. Nhưng bọn em xác định rồi. Phải đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc lên trên hết. Bố mẹ em cũng dặn em thế anh ạ”. "Đã đành rồi! Anh em mình chiến đấu cùng đơn vị phải cho ra dáng thanh niên làng Cổ Cò chứ. Sẽ ác liệt đấy. Cố lên”. "Anh yên tâm”. Đêm về khuya, Hà bảo Lự tranh thủ chợp mắt, anh canh chừng cho. Thực sự thì Lự cũng đã thiu thiu ngủ tự lúc nào.
Gần sáng, tiếng pháo bất ngờ vang lên, đỏ rực cả trời đêm Thanh Thủy. Lự vùng dậy lệnh cho toàn đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Chưa mở mắt đã mở mồm pháo rồi. Kiểu này hôm nay sẽ ác liệt lắm đây. Tang tảng sáng, đài quan sát báo về, giặc đang dàn quân hướng lên chốt của Lự. Pháo kích của địch cày xới từng mét đất, mỏm đá. Chúng dọn đường cho bộ binh xông lên. Lự nhắc các chiến sĩ bình tĩnh, chờ cho chúng đến thật gần mới nổ súng. Những đôi tai căng ra chờ lệnh. Bất ngờ, Lự phất tay. Quả đạn từ khẩu B41 của chiến sĩ Hải vọt khỏi nòng. Phát B41 của Hải cũng là mệnh lệnh của trận đánh. Tiếp đó là thủ pháo, lựu đạn nổ xen lẫn từng tràng liên thanh của AK dồn dập ập lên đầu địch. Chúng bắt đầu phản kích.
Pháo dội cấp tập. Bộ binh vừa bò vừa bắn. Chúng bắn loạn xạ. Đạn vãi như mưa. Một số chiến sĩ ta dính đạn. Người bị thương, người hy sinh. Lự bình tĩnh chạy dưới hào đôn đốc, chỉ huy bộ đội. Pháo binh của ta chi viện nã đúng đội hình địch. Quả cối từ khẩu đội của Hà góp lửa. Đang lắp tiếp quả đạn nữa thì Hà bất ngờ thấy có một vật gì rơi bịch ngay dưới lòng công sự. Chưa kịp định thần thì Hà bị xô ngã dúi dụi. Ai đó nằm đè lên người anh. Một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên. Đất đá rơi lả tả lên khắp người Hà. Hà dụi mắt nhìn quanh. Khẩu cối văng ra đổ kềnh. Mấy chiến sĩ cùng khẩu đội ngơ ngác. Rồi họ nhận ra Lự. Anh đang nằm đè lên người Hà che toàn bộ phía quả lựu đạn vừa nổ. Hà nghiêng mình lật lại. Anh và Lự nằm vật ra giữa giao thông hào. Có cảm giác lưng mình bị ướt, Hà vòng tay lại sờ. Máu! Trời ơi! Máu ướt hết, đỏ lòm cả bàn tay rồi! Thế nhưng Hà vẫn không có cảm giác đau đớn gì cả.
Quay sang Lự, Hà vội sờ nắn khắp người Lự. Lự nhìn Hà khẽ nói: "Chú không sao chứ?”. "Không. Anh bị rồi. Ở đâu thế? Để em xem nào?”. Hà hỏi dồn, lo lắng. Lự lắp bắp: "May quá. Tớ phát hiện được, nhặt ném đi, không thì…”. Mấy chiến sĩ xúm lại đỡ Lự. Cánh tay trái của anh đẫm máu. Máu cũng chảy loang lổ trên mặt Lự. Hà bảo mấy chiến sĩ tiếp tục chiến đấu. Anh băng bó, ga rô cho Lự. Lự cho cậu liên lạc truyền mệnh lệnh chỉ huy cho trung đội trưởng trung đội một thay anh. Sau khi băng bó xong, Lự xua tay, nói với Hà: "Tớ không sao đâu. Chú quay lại vị trí chiến đấu đi. Kiên quyết giữ chốt bằng mọi giá”. Đặt Lự nằm trong hầm, Hà lao lên phía trước. Cả đơn vị bám sát, hiệp đồng chặt chẽ, đánh lui địch hết đợt này đến đợt khác. Chiều muộn, địch rút. Bộ phận hậu cần mới tiếp cận được chốt. Họ tiếp tế lương khô, cơm nắm và chuyển thương binh về tuyến sau. Lự cũng phải rời trận địa. Chốt của đơn vị Lự vẫn được giữ vững. Sau trận đánh này, phía địch ngừng tấn công. Thế rồi, chúng lần lượt rút khỏi các cao điểm đã chiếm đóng của ta trong những tháng tiếp đó. Vậy là Hà tham gia đúng một trận đánh trong chiến tranh biên giới phía Bắc.
Trận đánh ấy, nếu không có Lự thì anh cũng đã gửi xác nơi biên cương rồi. Anh mang ơn Lự nhiều lắm. Lự là người đã sinh anh ra lần thứ hai. Sau mấy tháng điều trị, Lự được điều về Đoàn an dưỡng 235. Rất may, anh còn giữ được cánh tay. Tuy vậy, bàn tay anh rúm ró, co quắp. Năm ngón tay lúc nào cũng chụm vào nhau méo xệch. Đủ ngón cả đấy mà chẳng cầm nắm được gì. Sau đó thì anh giải ngũ cùng tấm thẻ thương binh về làng. Hà phấn đấu rèn luyện trở thành đảng viên, hoàn thành nghĩa vụ quân sự cũng đã về sau Lự mấy tháng.
Số phận tiếp tục gắn kết hai người với nhau. Về làng, Lự làm bí thư chi bộ, Hà làm trưởng thôn. Mấy khóa liên tục, cặp bài trùng này đã làm bộ mặt làng Cổ Cò ngày mỗi ngày đổi mới. Hiện giờ, cả hai đang cùng chi bộ, dân làng xây dựng "Khu dân cư kiểu mẫu”, trở thành điểm sáng của xã trong phong trào xây dựng "Nông thôn mới nâng cao”. Ông Hà vẫn thường kể lại trận đánh hôm đó rồi kết luận: "Không có ông Lự thì tôi không còn sống để về với mọi người đâu. Ông ấy là người thứ hai sinh ra tôi đó”. Nghe vậy, ông Lự cười nhỏ nhẹ: "Ai ở trong hoàn cảnh ấy cũng thế cả thôi chú ạ. Lính biên cương í mà. Có gì đâu mà chú cứ nhắc mãi?”. "Gì chứ lại không gì à?" - ông Hà cười lớn đáp - "Ơn của anh tôi nhớ suốt đời, thủ trưởng cũ, đồng chí bí thư chi bộ của tôi ạ”.
Các tin khác
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ Khai mạc Tuần phim vào hồi 19 giờ ngày 2/12/2024 tại Điện ảnh Quân đội nhân dân và trình chiếu tám bộ phim khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.