Giữ nếp nhà làng Sấu
- Cập nhật: Chủ nhật, 8/12/2024 | 5:51:56 PM
Thôn Sấu (người dân quen gọi là làng Sấu), xã Liên Chung (Tân Yên) nằm trên gò đồi thấp ven sông Thương, cách trung tâm TP Bắc Giang hơn 10 km. Trải qua bao năm tháng, ngôi làng vẫn giữ nét kiến trúc cổ xưa với nhà gỗ, tường đất, mái ngói rêu phong thấp thoáng bên những rặng tre già. Làng Sấu hôm nay mang vẻ đẹp của không gian làng quê Bắc Bộ xưa.
Người dân làng Sấu bên những nếp nhà xưa. Ảnh: NGUYỄN HỮU THÔNG.
|
Lời thầm thì từ những ngôi nhà cổ
Tôi tới thăm làng Sấu vào sáng mùa đông. Khi lớp trẻ bắt đầu kéo nhau lên thành phố, xuống trung tâm huyện và đến các nhà máy trong tỉnh làm việc cũng là lúc những người trung niên trong làng ra đồng chăm cây màu vụ đông. Mùa này, quanh làng Sấu bạt ngàn hành, tỏi, ngô, khoai xanh mướt, báo hiệu một mùa bội thu. Đứng trên bờ đê nhìn xuống, làng Sấu khuất sau những rặng tre già, gốc sấu lớn, nhấp nhô nhà cao tầng, xen lẫn những mái ngói nâu xám, nhuốm màu thời gian.
Ngôi nhà của ông Giáp Hùng Phán. |
Đi vào sâu trong làng là những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo. Giữa những ngôi nhà được ngăn cách bởi tường gạch, cay đất, phủ đầy rêu xanh và giàn hoa giấy, bìm bìm rực rỡ. Nhiều bức tường đã bị phong hóa, mòn vẹt, trơ mạch vữa.
Biết tôi muốn tìm hiểu về những ngôi nhà cổ, ông Nguyễn Văn Thăng, Trưởng thôn Sấu xăng xái dẫn đến nhà ông Giáp Hùng Phán, chủ ngôi nhà gỗ, kết cấu 5 gian, tường xây gạch thô không trát, mái lợp ngói mũi ngả màu nâu sẫm. Sân, thềm nhà, bậc tam cấp lát gạch gốm đỏ. Hai bên nhà chính là dãy nhà ngang, nhà bếp. Khu nhà nằm ngang sườn đồi nên có thế tay ngai, không gian thoáng đãng.
Ông Phán xởi lởi mời khách ngồi uống nước trên bộ tràng kỷ đen bóng. Trong lúc ông pha trà, tôi có dịp chiêm ngưỡng nét kiến trúc, chi tiết chạm khắc trên khung gỗ. Bàn tay tài hoa của người xưa hiện lên trong từng nét khắc tinh xảo, mềm mại của hoa văn "phượng lộn” (phượng quay đầu vào nhà) ở kẻ hiên; vành màn chữ vạn; họa tiết hoa văn vốn cổ trên kẻ nhà, câu đầu và trên nhiều cấu kiện khác. Giữa nhà là gian thờ tự với hoành phi, câu đối trang trọng. Hai bên là gian phòng khách, phòng ngủ và chứa vật dụng. Ngôi nhà của ông Phán được đánh giá đẹp nhất làng do có 4 bức tranh tứ quý "xuân - hạ - thu - đông” nét khắc cầu kỳ kê trên quá giang đầu hồi. Thấy tôi mải mê chụp ảnh, ông Phán cười, nói:
- Từ khi xây dựng nông thôn mới, làng tôi thay đổi nhiều rồi. Sao anh không tìm hiểu những hộ đã xây nhà tầng, nhà vườn sang trọng?
- Nhà tầng, biệt thự bây giờ nhiều lắm, chỉ những ngôi nhà gỗ thuần Việt mới hiếm, đáng gìn giữ, bảo tồn cho con cháu biết và hiểu về đời sống, sinh hoạt của cha ông ngày trước bác ạ - Tôi đáp.
Ông Phán (bên trái) giới thiệu về phù điêu hoa văn "phượng lộn" trên kẻ hiên nhà mình. |
Cùng khách nhấp ngụm trà nóng, ông Phán hướng mắt về phía ban thờ, hồi tưởng về ông cha mình. Ông kể: "Ông nội tôi là cụ Giáp Văn Lượng. Cụ dựng ngôi nhà này năm 1954, trước khi tôi được sinh ra 5 năm”. Nếp nhà gỗ được cụ Lượng mua của một gia đình giàu có ở Bố Hạ (Yên Thế), trả bằng 2 gánh khoai lang và 1 con bò tháu (bò nhỡ). Lúc mua, căn nhà đã bị bỏ hoang, bìm bìm leo quanh cột vì chủ nhà đi sơ tán. Nói đoạn, ông Phán xoa tay vào vết trầy xước sâu hoắm ở chân cột nhà, xuýt xoa:
- Mảnh bom của Pháp phạt mất một mảng thân cột, ông nội tôi không khắc phục được đành để làm kỷ niệm. Tính ra, năm nay phần nhà gỗ được 165 tuổi. Vì lúc ông tôi mua, ngôi nhà đã tròn 100 năm rồi. Nhiều hộ trong làng đã bán hoặc phá bỏ những căn nhà gỗ cũ. Năm trước, có người ở thành phố đến trả giá 7 tỷ để mua nếp nhà này nhưng tôi từ chối. Bởi với tôi, ngôi nhà không chỉ là gia sản mà còn là tâm huyết các cụ để lại cho con cháu - ông Phán tâm sự.
Chia tay ông Phán, chúng tôi đến thăm nhà cụ Nguyễn Thị Tạ. Năm nay đã sang tuổi 93 nhưng cụ Tạ vẫn minh mẫn, đỡ đần con cháu việc nhà. Ngôi nhà của cụ Tạ có nét kiến trúc tương đồng với ngôi nhà ông Phán, cũng làm bằng gỗ lim, có 5 gian. Chỉ khác là các nét hoa văn trang trí được tạo tác đơn giản nhưng vẫn còn chắc chắn, chưa bị mối mọt. Trong nhà còn nguyên bộ tràng kỷ, tủ chè, hoành phi, câu đối, ban thờ cửa võng. Cụ Tạ tâm sự, nếp nhà gỗ được bố chồng cụ mua của một gia đình ở Bố Hạ, rồi thuê thuyền chở xuôi theo sông Thương về làng Sấu từ trước khi cụ về làm dâu. Cụ chỉ biết, nếp nhà gỗ khi ấy cũng đã hơn 100 năm.
Làng Sấu có 186 hộ, hơn 800 nhân khẩu. Hiện trong làng còn khoảng 20 ngôi nhà gỗ. Nhiều nếp nhà được các cụ mua từ huyện Yên Thế hoặc tỉnh bạn về rồi dựng lại. Sau này con cháu sửa sang, thay thế tường cay đất bằng tường gạch gốm. |
- Bây giờ người ta chuộng nhà tầng, chỉ có số ít còn giữ nhà cổ này. Dạo trước có mấy anh làm văn hóa trên tỉnh, trên huyện về bảo cố giữ gìn ngôi nhà cho khách đến tham quan nhưng thằng cháu tôi đã dỡ mất 1 gian để xây nhà trần rồi. Cổng nhà cũ cùng tuổi với ngôi nhà nó cũng bịt lại vì khó dắt xe, khiến mấy anh chụp ảnh đến đây cứ tiếc ngẩn ngơ. Vài năm nữa, tôi và ông nhà khuất núi, không biết con cháu có giữ lại nhà cổ nữa không? - Cụ Tạ giãi bày vẻ tiếc nuối.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Thăng cho biết, làng Sấu có 186 hộ, hơn 800 nhân khẩu. Hiện trong làng vẫn còn khoảng 20 ngôi nhà gỗ cổ truyền Bắc Bộ. Nhiều nếp nhà được các cụ mua từ huyện Yên Thế hoặc tỉnh bạn về rồi dựng lại. Sau này con cháu sửa sang, thay thế tường cay đất bằng tường gạch gốm. Chỉ một số hộ do kinh tế còn khó khăn nên vẫn giữ tường đất cũ khiến nhà bị xuống cấp, cần trùng tu. Lớp trẻ sau này có nhiều hộ khá giả, tự tìm mua nhà gỗ về xây cất, phục dựng không gian xưa, trong đó có hộ anh Giáp Văn Giang. Năm 2011, anh Giang cất công xuống Nam Định mua một nếp nhà cổ 5 gian về dựng trong vườn. Việc làm của anh góp phần khích lệ nhiều hộ khác giữ gìn và bảo tồn những ngôi nhà cổ.
Cần có chính sách hỗ trợ, bảo tồn
Người già trong làng kể lại, hàng trăm năm trước, bờ bãi vùng đất Liên Chung được dòng sông Thương bồi đắp nên cánh đồng màu mỡ, giao thông đường thủy thuận tiện. Vì thế, người dân quần tụ sát bờ sông, cùng nhau phát bãi, trồng lúa, trồng hoa màu, buôn bán, cuộc sống ấm no. Vùng này có rừng sấu lớn nên bà con đặt tên là làng Sấu. Mãi sau này, khi KT-XH phát triển, người làng Sấu và làng Bến (cạnh làng Sấu) mới chuyển lên đồi cao, hợp thành làng Sấu ngày nay.
Tuy nhiên, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp rồi chống Mỹ, đời sống người dân làng Sấu gặp nhiều khó khăn. Bà con chủ yếu làm nghề nông nên thu nhập không cao. Còn nhớ, năm 2009, nhà văn Mai Phương từng viết về làng Sấu (quê hương của chị) trong tác phẩm "Ði về phía bờ sông”, bài viết có đoạn: "Người làng tôi vẫn ngày đêm mong sẽ có đường bê tông để trẻ đi học đỡ bẩn, sẽ có trường mầm non khang trang cho các bậc cha mẹ gửi con mà yên tâm làm lụng. Nhưng không biết đến bao giờ Khu danh thắng núi Dành với cảnh sắc nên thơ và giống sâm Nam quý hiếm mới trở thành điểm du lịch mang lại thu nhập cho người dân? Câu hỏi ấy cần sự đồng lòng của nhân dân trong xã và sự giúp đỡ thật nhiều của cấp trên. Băn khoăn nhất vẫn là làm sao cho người dân no ấm hơn lên từ đồng đất”. Đó không chỉ là mong ước của người dân làng Sấu mà cũng là mong mỏi của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thăng khoe, được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là sự nỗ lực tăng gia, sản xuất và đóng góp của người dân làng Sấu, gần 10 năm qua, hơn 30 km đường trục, đường ngõ xóm trong làng đã được trải bê tông sạch đẹp. Người dân hiến đất, đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao; phục dựng các công trình văn hóa tâm linh như: Đình Đanh, nghè Là Tin, điếm Đông, chùa Cống Phường,… Chợ Hòa Bình cũng được xây mới khang trang, giúp người dân tiêu thụ nông sản thuận lợi. Cây hành, tỏi của làng trở thành đặc sản, được quy hoạch trồng trên cánh đồng mẫu rộng 18 ha. Nhiều hộ đã tham gia sản xuất sâm Nam núi Dành. "Nem nướng Liên Chung”, thứ ẩm thực bình dân của người làng Sấu và xã Liên Chung nay đã được nâng tầm thành sản phẩm OCOP 4 sao, bán ở khắp mọi miền đất nước,… Trong làng đã có trường học mới khang trang, nhiều người con làng Sấu tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Nhờ tích cực phát triển sản xuất nên thu nhập bình quân đầu người của làng đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm, cao gấp nhiều lần so với những năm trước.
Cũng bởi có thu nhập cao, nhiều hộ trong làng Sấu đã dỡ bỏ nhà cổ, xây nhà hiện đại nên những nếp nhà thuần Việt dần mai một. Theo quy hoạch của huyện Tân Yên, xã Liên Chung sẽ trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Do đó, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo tồn, giữ gìn những ngôi nhà cổ ở làng Sấu là cần thiết để phát triển du lịch địa phương. Điều này không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập nhờ du lịch, tiêu thụ sản phẩm đặc sản mà còn lưu giữ không gian sống của người dân làng quê Bắc Bộ xưa, tạo cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Các tin khác
Sau hơn 6 tháng khởi động, sự kiện HOTLIST 2024 - dự án tôn vinh những thương hiệu, cá nhân có đóng góp nổi bật vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam vừa chính thức khép lại, với nhiều hạng mục tìm được chủ nhân xứng đáng và chuỗi hoạt động sôi nổi, hiệu quả.
Ngày 23/12, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức Triển lãm ảnh “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Sự kiện mang đến những hình ảnh đẹp về đất nước, con người và những thành tựu phát triển của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đặc biệt là nhân dân Thái Lan và bà con kiều bào.
Dù năm 2024 chưa khép lại nhưng những con số thống kê ấn tượng cho thấy, đây là năm khởi sắc của ngành du lịch, khẳng định sự phục hồi và bứt phá mạnh mẽ, hứa hẹn bùng nổ của ngành công nghiệp không khói này trong năm 2025.
Việt Nam đứng thứ 36 trong danh sách 40 quốc gia đẹp nhất thế giới còn Hy Lạp là nơi đẹp nhất 2024, trên tổng 89 điểm đến.