Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/4/2024 | 7:30:31 AM
Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...
Được đến Trường Sa là khao khát từ lâu của nhà báo Trần Chí Tuấn - Báo Đại biểu nhân dân.
|
Đong đầy tình thầy - trò yêu thương nơi đảo xa
Hàng năm, Quân chủng Hải quân đều tạo điều kiện để các phóng viên báo chí theo các đoàn công tác ra thăm và làm việc với quân và dân trên đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ duyên được tham gia chuyến công tác đặc biệt này. Khi được chọn đi mỗi phóng viên cũng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng với việc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong suốt hải trình.
Đối với biên tập viên Phạm Hồng Thinh - Báo Giáo dục & Thời đại, khi nhận lệnh được đến với Trường Sa, chị hiểu rằng đây là chuyến công tác vô cùng đặc biệt trong cuộc đời làm báo của bản thân. Đặc biệt thời gian lên mỗi đảo chỉ có vài tiếng đồng hồ nên lúc nào cũng phải đặt mục tiêu tác nghiệp thật tập trung, hiệu quả.
Cảm xúc khi đặt chân lên tàu HQ571 để đến với Trường Sa, với nhà báo Hồng Thinh là niềm háo hức, hồi hộp và hạnh phúc. Ở đó có biết bao bỡ ngỡ của những gặp gỡ, làm quen với các thành viên trong đoàn cũng như trải nghiệm không gian sống mới.
"Trong chuyến công tác này, tôi được gặp thầy - trò trên các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn - dù rất vội vã, hối hả nhưng luôn đong đầy niềm xúc động, yêu thương. Giữa cái nắng, cái gió của biển đảo, tôi được nghe những người thầy trò chuyện về tâm huyết của mình với nghề đưa đò, trong đó có chặng đường vô cùng đặc biệt này. Trong ánh mắt mỗi thầy luôn lấp lánh niềm lạc quan, hạnh phúc khi nói về trường lớp, học trò", nhà báo Phạm Hồng Thinh chia sẻ.
Cũng từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là ngành Giáo dục, trường lớp nơi biển đảo ngày càng được đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo tốt về đời sống để giáo viên yên tâm công tác. Học trò của các thầy cũng rất chăm ngoan, sáng dạ. Dù rằng, có thể, do khí hậu trên đảo khắc nghiệt có sự tác động không nhỏ đến đồ dùng học tập bằng kim loại, máy vi tính… làm việc dạy và học khó khăn hơn nhưng thầy và trò luôn nỗ lực vượt qua.
"Có thể, ở nơi đảo xa thiếu vắng hơi ấm gia đình nhưng bù đắp lại là mái nhà chung được dựng lên bằng tình quân dân trên đảo nên thầy - trò chẳng khi nào ngớt tiếng cười vui…", nhà báo Hồng Thinh mỉm cười và nói.
Cùng với những câu chuyện đầy cảm xúc ấy, nhà báo Phạm Hồng Thinh còn ấn tượng và cảm phục khi gặp Tiến sĩ Đặng Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn.
Nhà báo Hồng Thinh kể: Chị Hoàng Anh rất năng động và vô cùng quan tâm đến việc hỗ trợ trang thiết bị dạy học ở đây nên trực tiếp điện thoại kết nối về đất liền với công đoàn các đơn vị: Đại học Huế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Nhà xuất bản Giáo dục cùng chung tay hỗ trợ laptop, màn hình TV 53 inch và 2 bộ sách dành cho giáo viên tiểu học.
Khi kết nối thành công, chị Hoàng Anh đã mừng rỡ báo tin và bày tỏ: "Đợi thầy giáo về phép, chúng tôi sẽ kết nối để trao các món quà thiết thực tới thầy. Đây là món quà mang trọn tình cảm của các thầy cô giáo ở đất liền đối với Trường Sa”…
Nhà báo Phạm Hồng Thinh xúc động: "Tôi thấy mình thực sự hạnh phúc khi may mắn được trực tiếp đến với Trường Sa để hòa vào niềm vui của những người thầy và người trò nơi đầu sóng ngọn gió - dẫu xa mà luôn gần, luôn đong đầy những sẻ chia, gắn kết, yêu thương chảy từ huyết quản con Lạc cháu Hồng của đất Mẹ Việt Nam!".
Mang Trường Sa gần hơn với đất liền
Mong ước được đến Trường Sa là khao khát từ lâu của nhà báo Trần Chí Tuấn - Báo Đại biểu nhân dân, chính vì thế khi nhận được thông báo đi Trường Sa anh rất háo hức và tự hào.
"Tham gia Đoàn công tác số 6 năm 2024 đến với Trường Sa, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là con tàu mang số hiệu 571 in biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng trên thân boong tàu, tàu to hiện đại như một khách sạn nổi, cùng sự đón tiếp, hướng dẫn rất nhiệt tình của các chiến sĩ thủy thủ đoàn", nhà báo Chí Tuấn chia sẻ.
Sau buổi lễ, mỗi đại biểu đã cầm một con hạc giấy và một bông hoa, đồng lòng thả xuống biển mong các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì biển đảo được an nghỉ nơi vĩnh hằng.
"Đây là điều ấn tượng và xúc động nhất cho bản thân tôi và các thành viên trong đoàn", nhà báo Chí Tuấn bồi hồi.
Vinh dự được dự lễ chào cờ, hát Quốc ca và nghe chiến sĩ đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân trên đảo Trường Sa vô cùng xúc động và thiêng liêng cũng là ấn tượng in sâu trong tâm trí nhà báo Chí Tuấn. Mỗi lời thề khẳng định ý chí và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với nhà báo Chí Tuấn, những ngày tác nghiệp ở Trường Sa là kỷ niệm không thể quên trong suốt cuộc đời làm báo, vừa để mở rộng trải nghiệm cá nhân, đồng thời để có thêm tư liệu và hiểu rõ hơn về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, mang biển đảo xa xôi gần hơn với đất liền.
Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn vì điều kiện nắng gió, thời gian gấp gáp, lịch trình làm việc dày đặc, nhà báo Chí Tuấn chia sẻ, để tác nghiệp hiệu quả, cần chuẩn bị kỹ từ trong đất liền về hành trình các điểm đến. Cần xác định những đề tài quan tâm, quan sát những nhân vật mình dự kiến phỏng vấn, tận dụng mọi thời gian, mọi điều kiện để thu thập tư liệu phục vụ cho công việc của mình.
Tiếc nuối nhất của nhà báo Chí Tuấn cũng như đoàn công tác khi tham gia hải trình lần này là do điều kiện thời tiết và để đảm bảo an toàn, thành viên đoàn công tác không được trực tiếp lên Nhà giàn DK-I gặp tận nơi, trao tận tay những món quà ý nghĩa thiết thực mang đầy ắp tình cảm hơi ấm của đất liền mà phải thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn qua hệ thống VFF.
"Nhà giàn DK-I lẻ loi giữa đại dương mênh mông, gặp lúc biển động sóng to, gió lớn đập vào liên hồi như muốn "nuốt chửng” nhưng các chiến sĩ vẫn bám trụ ở đó để bảo đảm an toàn tuyệt đối chủ quyền biển, đảo của quê hương - một hình ảnh vô cùng kiên cường, bất khuất và đầy tự hào", nhà báo Chí Tuấn bày tỏ.
Nhìn lại hải trình đầy sóng gió nhưng ngập tràn tình cảm quân dân, tình yêu thương đồng bào, đồng chí này, nhà báo Chí Tuấn bồi hồi, sau hành trình đi qua 6 đảo và Nhà giàn DK-I, mỗi nơi đều để lại hình ảnh đẹp với nhiều cảm xúc trào dâng. Nhớ cái cảm giác lắc lư trên tàu; nhớ sự quan tâm, hỗ trợ của Quân chủng Hải quân ưu tiên các nhà báo đi chuyến xuồng đầu tiên để đến các điểm đảo; nhớ những con người da sạm đen vì nắng gió nhưng rất tình cảm thân thương, thắm thiết, đoàn kết; nhớ những tiếng hô "Trường Sa vì Tổ quốc, Tổ quốc vì Trường Sa”.
Trong số các nhà báo, phóng viên tham gia Đoàn công tác số 6, đây là lần thứ 3 nhà báo Mạnh Nghịnh - Phòng Thời sự, Đài PT-TH Thái Nguyên đến với quần đảo Trường Sa.
Anh chia sẻ, dù nhiều lần được đến với Trường Sa nhưng lần nào cũng có những cảm xúc khác biệt. Mỗi lần trở lại Trường Sa, anh đều cảm nhận được sự thay đổi, thay đổi về cảnh quan trên đảo, các công trình nhà ở kiên cố, khang trang hơn, cây cối xanh mát dù thiên nhiên khắc nghiệt.
Nhưng có một điều không thay đổi đó là tình cảm, sự gần gũi của quân dân trên đảo đối với mọi người khi đến thăm quần đảo Trường Sa, sự quyết tâm, bản lĩnh kiên cường của bộ đội Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió...để giữ vững chủ quyền từng tấc đất, sải biển - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Kỷ niệm khó quên nhất đối với nhà báo Mạnh Nghịnh là những ngày sóng lớn, cán bộ chiến sĩ trên tàu cũng say sóng nhưng vẫn cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho các phóng viên tác nghiệp, đặc biệt là việc vận chuyển từ tàu bằng xuồng CQ lên các đảo, sóng lớn, bộ đồ ướt sũng nhưng vẫn cố ôm máy quay, máy ảnh được bọc kỹ trong các bao nilong giúp các nhà báo để sao cho có những hình ảnh chân thực, mang Trường Sa gần hơn với đất liền.
"Tôi còn nhớ, trong chuyến công tác ra Trường Sa năm 2022, một chiến sĩ sẵn sàng bám dây đu trên xuồng để cố giữ chiếc máy ảnh cho một nhà báo, một hình ảnh hết sức xúc động", nhà báo Mạnh Nghịnh nhớ lại.
Ở những chuyến công tác tại Trường Sa, mỗi nhà báo đều cảm thấy trưởng thành hơn, tác nghiệp ngoài đảo, điều kiện thời tiết phức tạp, sóng to gió lớn, say sóng, thời gian ngắn, nhiều đề tài hấp dẫn, mặc dù mệt nhưng ai cũng muốn làm được nhiều nhất có thể để đưa Trường Sa đến thật gần gũi sinh động với khán thính giả.
"Tuy vất vả nhưng so với sự khó khăn, thử thách mà quân dân trên đảo phải trải qua thì thấy chưa thấm tháp gì nên mọi người đều có chung suy nghĩ là phải cố gắng thật nhiều hơn nữa...", anh Mạnh Nghịnh chia sẻ.
Có thể nói, được tác nghiệp ở Trường Sa - vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn là niềm tự hào với mỗi người cầm bút. Rồi đây, sẽ còn nhiều phóng viên tiếp tục theo chân những con tàu vượt sóng trùng khơi ra nơi đầu sóng ngọn gió. Những chuyến đi ấy sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí có giá trị để mang hơi thở của biển đảo quê hương đến gần hơn với đất liền...
Các tin khác
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại là sự kiện cấp quốc gia diễn ra hằng năm, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 với mục đích ghi nhận, tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đối ngoại, đã góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới.
Chiều 2/12, tại Hà Nội, Cuộc họp Tổng kết Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, năm 2024 diễn ra nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác tổ chức Cuộc thi.
Chương trình đã thu hút hơn 100 nhà báo là các biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại phía Nam tham dự.
Chiều 29/11, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Lễ ra mắt nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin. Nền tảng sách, báo quốc gia có tên miền là sachdientu.vn và ebook.gov.vn.