Tăng cường thông tin đối ngoại và đấu tranh mạnh mẽ trên không gian mạng
- Cập nhật: Thứ tư, 7/8/2024 | 2:39:35 PM
Sáng 7/8, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức “Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024” cho lãnh đạo, cán bộ tại 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ và lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương.
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận tại Hội nghị.
|
Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình và Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Các hoạt động thông tin đối ngoại của Hòa Bình luôn bám sát định hướng chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời bám sát chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại tỉnh đã biên soạn, phát hành 1.000 Cuốn Sổ tay công tác thông tin đối ngoại”.
Trước tình hình diễn biến thế giới và khu vực còn nhiều phức tạp, nhanh và khó lường, dự báo sẽ mang đến cả những thuận lợi thời cơ và khó khăn thách thức đối với Việt Nam trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, đòi hỏi phải đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ mới nhằm thực hiện có hiệu quả, đột phá trong công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 47/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57- KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Trình bày tại Hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Quan điểm của Chính phủ trong việc thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị là nhằm phát triển hệ thống báo chí nước ngoài có tầm ảnh hưởng uy tín trên thế giới và củng cố hệ thống văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống văn bản thông tin ở nước ngoài”.
Cũng theo ông Dũng, trước việc các thế lực thù địch chống phá trên không gian mạng rất mạnh mẽ, bởi vậy các cấp các ngành, hệ thống báo chí và từng cá nhân liên quan cần tăng cường thông tin đối ngoại trên không gian mạng, đặc biệt trên các mạng xã hội.
Với việc truyền thông đang thay đổi nhanh chóng, ông Dũng cũng cho rằng chúng ta cần thay đổi tư duy xây dựng tuyên truyền thông tin đối ngoại, ví như thay vì làm một bộ phim cả tiếng đồng hồ để giới thiệu ca ngợi hình ảnh của Việt Nam, thì chỉ cần xây dựng các clip ngắn hấp dẫn để có sức thu hút hơn đối với những người dùng trên mạng xã hội.
Ngoài ra, trong tham luận của mình, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam ra nước ngoài cần phải tính tới việc huy động nguồn lực của toàn dân.
Thay vì chỉ sử dụng cơ quan báo chí, truyền hình truyền thống và các cơ quan của nhà nước, chúng ta cũng cần phải tận dụng các nguồn lực khác như những người có ảnh hưởng (KOLs) trên mạng xã hội hay các doanh nghiệp tư nhân. Dẫu vậy, cũng theo ông Dũng, điều này cũng cần phải được triển khai thận trọng, nên chọn những KOLs có hiểu biết sâu rộng, có thái độ tích cực về Việt Nam, thay vì chỉ muốn "tăng view”, "câu view”.
Theo đó, Việt Nam muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước Đông Nam Á và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, ổn định và bền vững lâu dài; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò trở thành thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp phát, chính đáng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuân lợi để phát triển đất nước…
Trong Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe chuyên đề về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề quyền con người; thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, định hướng công tác nhân quyền trong thời gian tới, nhấn mạnh trọng tâm công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền.
Về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền nhấn mạnh rằng bên cạnh các giải pháp đấu tranh truyền thống thì chúng ta cũng cần tận dụng các tiến bộ công nghệ, ứng dụng công nghệ số và các xu thế truyền thông mới để đấu tranh phản bác các tư tưởng sai trái, thù địch nhằm chống phá Việt Nam về vấn đề nhân quyền, như việc sử dụng các hình thức đưa tin nhanh, các video ngắn ngọn trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Vũ Minh, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao cho biết trong tham luận của mình rằng việc bảo đảm quyền con người được Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và được bảo đảm, nêu trong các văn kiện pháp lý quan trọng nhất của đất nước.
Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam chủ động tích tham gia tất cả các diễn đàn LHQ về quyền con người, đặc biệt ta đã từng là thành viên UBNQ (2000-2003), 2 lần làm thành viên HĐNQ (2014-2016, 2023-2025), 2 lần làm thành viên ECOSOC (1998-2000, 2016-2018)… Việt Nam đang tích cực tham gia HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, với 8 lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy hợp tác.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 57-KL/TW. Quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền, đẩy mạnh thông tin đối ngoại về tình hình nhân quyền Việt Nam nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước.
Các tin khác
Chương trình đã thu hút hơn 100 nhà báo là các biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại phía Nam tham dự.
Chiều 29/11, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Lễ ra mắt nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin. Nền tảng sách, báo quốc gia có tên miền là sachdientu.vn và ebook.gov.vn.
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.