Ở đâu có bão lũ, ở đó có người làm báo tuyến đầu…
- Cập nhật: Thứ năm, 12/9/2024 | 5:21:43 PM
Siêu bão số 3 Yagi đổ bộ vào Việt Nam, các tuyến thông tin tuyên truyền những ngày này liên tục được cập nhật trên các báo đài. Đồng loạt các cơ quan báo chí, từ việc chỉ đạo, định hướng đến tác chiến hiện trường rồi đến tổ chức thành lập các Quỹ thiện nguyện, kêu gọi sự chung sức của toàn dân… đều làm việc dường như 24/24, không ngừng nghỉ… Thậm chí, có những nhà báo, cơ quan báo chí không quản ngại khó khăn, vừa xung kích trên tuyến đầu thông tin tuyên truyền, vừa dốc lòng dốc sức với hành trình thiện nguyện bằng trách nhiệm và lương tâm...
Nhà báo Thành Đạt (cầm máy ảnh), nhà báo Sơn Bách - Báo Nhân dân tác nghiệp trong bão lũ tại Quảng Ninh, Hà Nội. Ảnh: NVCC
|
Tin vào những giọt nước mắt
Đoàn công tác cơ động của Báo Nhân Dân gồm phóng viên viết, chụp ảnh và truyền hình nhận lệnh lên đường vào vùng tâm bão ngay ngày 8/9 để cập nhật tin tức kịp thời… Giống như mọi chuyến tác nghiệp "điểm nóng” khác, nhà báo Thành Đạt và các đồng nghiệp về Quảng Ninh ngay khi bão đổ bộ, chia sẻ rằng, dù đã có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp bão lũ nhưng chưa bao giờ chứng kiến một trận bão khủng khiếp đến như vậy. Được cơ quan chuẩn bị rất kỹ về phương tiện, trang thiết bị, vật tư, lương thực… và chủ trương tác nghiệp trong tâm thế xung kích nhưng đảm bảo an toàn.
Nhà báo Thành Đạt tâm sự thêm: "Những ngày tác nghiệp qua, ekip chúng tôi thực hiện livestream trực tiếp để cung cấp thông tin một cách chân thực, chủ động, nhanh nhạy nhất về tình hình bão. Trong bối cảnh vừa phải có thông tin nhanh vừa phải đảm bảo an toàn thì kinh nghiệm quan trọng nhất mà tôi áp dụng chính là khi thấy đủ thông tin cần thiết thì phải dừng ngay để truyền tải thông tin về cơ quan tức thì… Nếu quá tham và bị cuốn theo sự kiện thì rất dễ đẩy bản thân vào nguy hiểm. Điều quan trọng nhất là phải giữ an toàn cho chính bản thân mình trước, khi mình an toàn thì mới tác nghiệp tốt được. Thêm nữa, với những khu vực tác nghiệp đặc biệt như vậy, nên sử dụng điện thoại, chuẩn bị cẩn thận thiết bị hỗ trợ như đầu đọc thẻ chẳng hạn. Ở cơ quan có 1 ekip đã chờ sẵn tin tức bất kể giờ nào, cho nên khi hình ảnh nóng nhất chúng tôi chuyển về, ngay lập tức sẽ đến với công chúng… Đây cũng là bài học kinh nghiệm quan trọng trong tác nghiệp của người làm báo mà tôi đã đúc kết được và thấy hiệu quả. Mong là điều này sẽ có ích với những nhà báo trẻ đã và đang tác nghiệp trong bão lũ”.
Tâm sự về câu chuyện và bức ảnh cảm động đang lan truyền trên mạng xã hội những ngày này, nhà báo Thành Đạt kể rằng trong khi tác nghiệp các thông tin quá khủng khiếp về bão, anh cùng nhà báo Sơn Bách đã có thảo luận với nhau về đề tài, cả hai đều cho rằng, hiện tại các hình ảnh trên các báo đều đang đưa quá nhiều về sự tang thương, về nỗi đau, mất mát, nếu chỉ tiếp tục đào sâu vào những tin tức tiêu cực ấy sẽ khiến người dân hoang mang, lo sợ.
"Chúng tôi bàn nhau phải làm khác đi, tìm kiếm những điểm sáng, tích cực, nhân văn, để tiếp thêm hi vọng trong lúc khó khăn này… Chúng tôi bắt đầu tranh thủ mày mò trên những trang MXH và vô tình thấy lời kêu cứu của người con một thuyền trưởng đang mất tích ngoài biển. Ngay lập tức, chúng tôi liên lạc với gia đình, tìm đến tận nơi và chứng kiến câu chuyện về thuyền trưởng Lê Văn Tiến đoàn tụ gia đình một cách thần kỳ sau đúng 12 giờ bị sóng đẩy ngược ra biển. Và "12 giờ sinh tử tìm đường sống từ biển khơi để trở về” với khoảnh khắc đáng nhớ mà tôi chụp được khi người vợ gặp lại chồng và bật khóc… đã ra đời như thế. Đến bây giờ khi kể lại tôi vẫn thực sự xúc động và cứ nhớ mãi về tiếng gọi thất thanh, tiếng khóc vỡ òa khi nhìn thấy chồng từ cõi chết trở về của chị Mùi - vợ anh Tiến” – Nhà báo Thành Đạt nghẹn ngào.
Bức ảnh đặc biệt của nhà báo Thành Đạt được nhiều người chia sẻ, dường như đã và đang nhen lên những ngọn lửa hy vọng và một niềm tin mãnh liệt vào những điều kì diệu sẽ đến, như nhà báo Xuân Ba từng viết: "Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt, cả những giọt nước mắt hạnh phúc, cả những giọt nước mắt đau thương…”.
Chung tay, chung sức, chung lòng trong hoạn nạn
Trong lời kêu gọi hướng về đồng bào bão lũ của Hội Nhà báo Việt Nam đã viết: "Những ngày qua, bão số 3 đã và đang gây lũ lụt trên diện rộng, các tỉnh miền Bắc nước ta hiện gặp tổn thất nghiêm trọng về người và vật chất. Trong những ngày bão lũ, các cấp Hội và đội ngũ những người làm báo không quản ngại khó khăn, gian khổ, chung sức đồng lòng cùng cả nước phòng, chống, khắc phục hậu quả của lũ bão; tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chủ động, linh hoạt trong thực hiện phòng, chống, ứng phó với bão lũ…
Cùng với các lực lượng tuyến đầu chống bão lũ, hội viên nhà báo không ngại hiểm nguy, xung kích giữa tâm bão và trong vùng lũ; đối mặt gian khó, hiểm nguy, chấp nhận hy sinh những quyền lợi thiết thân nhất, nỗ lực hết mình hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời cung cấp thông tin về bão lũ đến với công chúng trong và ngoài nước. Các nhà báo cũng thầm lặng góp sức mình trong việc kêu gọi những tấm lòng nhân ái, sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu đói, gặp nhiều khó khăn trong bão lũ…”.
Trên thực tế, những ngày qua, bên cạnh việc triển khai tác nghiệp linh hoạt, kịp thời, việc hướng về đồng bào bão lụt cũng được rất nhiều cơ quan báo chí hưởng ứng, quan tâm. Hàng loạt các tờ báo như Báo Người lao động, Báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Báo Vnexpress, Báo Tiền phong… đều "vào cuộc” với các chương trình thiện nguyện ý nghĩa.
Một trong những đơn vị đầu tiên triển khai kêu gọi hoạt động an sinh này là báo Người lao động. Nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập cho biết: "Ngay khi bão và hoàn lưu bão Yagi gây thiệt hại khủng khiếp đối với bà con, sáng chủ nhật ngày 8/9/2024 chúng tôi đã phát động chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương” để vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ đồng bào niềm Bắc. Cập nhật đến chiều ngày 11/9/2024 kết quả vận động hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại nặng do bão, lũ đã lên hơn 3 tỷ đồng. Tấm lòng của đồng bào khắp mọi miền và kiều bào ta ở nước ngoài gửi hỗ trợ người dân miền Bắc bị thiên tai vẫn đang tiếp tục nhân lên mỗi giờ. Chương trình này chúng tôi không chỉ triển khai trên báo in, báo điện tử, Fanpage mà còn phối hợp với "Ví Nhân ái” của MoMo, Zalopay với hơn 30.000 nghìn người tham gia đóng góp. Việc phối hợp này giúp chúng tôi nhìn thấy sự đồng lòng của đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài, từ những người ủng hộ hàng trăm triệu, có người ủng hộ 1 nghìn đồng… cho thấy mọi tầng lớp dù giàu hay nghèo, lá lành đang đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều… Thực sự rất cảm động… Những ngày này, chúng tôi dường như đồng hành không nghỉ cùng với đồng bào miền Bắc gặp bão lũ. Các phóng viên toả ra các tỉnh tác nghiệp đồng thời không quản mưa dầm gió núi sạt lở bùn non, đến tận nơi & trao trực tiếp khoản hỗ trợ từ bạn đọc cho nhiều trường hợp cần kíp. Chúng tôi sẽ tiếp tục tình nguyện làm cầu nối để gắn kết triệu tấm lòng nhân ái”.
Có thể nói, còn đó rất nhiều các cơ quan báo chí vẫn đang tiếp tục hành trình là chiếc cầu nối đồng hành về tin tức, về thiện nguyện, về mọi mặt có thể… Hành trình tác nghiệp và hoạt động an sinh chung sức của các cơ quan báo chí, các nhà báo hướng về đồng bào gặp thiên tại bão lũ… vẫn đang lan toả mạnh mẽ. Những lúc này, trong gian khó lại càng yêu thương nhau, càng thôi thúc tinh thần cống hiến và càng có thêm sức mạnh tinh thần lớn lao… như một đồng nghiệp của chúng tôi chia sẻ: Đi làm nhiệm vụ của một nhà báo, để thấy mình còn có ý nghĩa nào đó cho cuộc đời này, để chia sẻ nỗi đau của bà con vùng lũ… Cuộc hành trình của người làm báo hôm nay không chỉ có những dòng tin nơi tuyến đầu mà còn mang một trái tim nhân ái, thương yêu… với đồng bào, đó là nghĩa tình! Với họ, làm việc là một sứ mệnh và đúng nghĩa của một NHÀ BÁO viết hoa.
Theo Báo NB&CL
Các tin khác
Chương trình đã thu hút hơn 100 nhà báo là các biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại phía Nam tham dự.
Chiều 29/11, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Lễ ra mắt nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin. Nền tảng sách, báo quốc gia có tên miền là sachdientu.vn và ebook.gov.vn.
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.