Để xây dựng mối quan hệ bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp: 'Không tiếp tay cho những nhà báo xấu xí'
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/10/2024 | 8:07:05 AM
Thực tế cho thấy, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng nhũng nhiễu, đe doạ doanh nghiệp còn rất phổ biến gây sụt giảm nghiêm trọng niềm tin giữa báo chí đối với doanh nghiệp, người dân. Ngược lại các doanh nghiệp cũng đang “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu.
Bà Đặng Thị Phương Thảo khuyến nghị với doanh nghiệp, cần chủ động thông tin, cầu thị minh bạch, xử lý tận gốc và không xử lý khủng hoảng truyền thông bằng tiền, không tiếp tay cho những nhà báo xấu xí. (Ảnh: Sơn Hải)
|
Có những cuộc ngã giá lên tới vài trăm triệu đồng
Tại Diễn đàn "Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ 2 - năm 2024, được tổ chức vào ngày 24/10, ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, doanh nghiệp với chức năng sản xuất kinh doanh rất cần đến báo chí - kênh thông tin uy tín để có thể quảng bá sản phẩm và hoạt động của doanh nghiệp đến các bạn hàng và người tiêu dùng. Thông qua báo chí, các doanh nghiệp cũng hiểu biết về các quy định, chính sách mới từ đó định hướng sự phát triển phù hợp.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thể cũng thẳng thắn nêu lên thực trạng, hàng ngày các doanh nghiệp phản ánh nhận được hàng chục cuộc điện thoại của các phóng viên báo, đài. Sau khi kiểm tra, xác định hầu hết đều là cộng tác viên của các tạp chí. Các cuộc gặp gỡ đều liên quan đến việc tìm hiểu rất sâu về những vấn đề khác nhau của doanh nghiệp, và cuối cùng là đề cập đến việc báo giá, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có thể gây thiệt hại lớn đến kinh tế.
Trả lời về vấn nạn này, ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội Nhà báo Việt nam dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ TT&TT, thời gian qua đã thực hiện các lễ ký kết về xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí, tuy nhiên tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn diễn ra rất nhiều, không chỉ thế vấn nạn này còn xảy ra với chính quyền địa phương và người dân.
Ông Lê Quốc Minh cho hay, theo phản ánh, tỷ lệ những vụ việc như này thường xảy ra ở những tạp chí. Có những tạp chí lập ra với rất nhiều "cái không” - không trụ sở, không ngân sách, không hợp đồng, không lương bổng, do đó sinh ra những cộng tác viên toả đi kiếm nguồn thu theo cách doạ dẫm nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Theo thực tế, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, một phần doanh nghiệp có hoạt động không đúng, báo chí đến làm việc nên cảm thấy sợ hãi, một phần doanh nghiệp e ngại nên đáp ứng yêu cầu của các cơ quan báo chí cho xong, khiến cho đội ngũ cộng tác viên này có nguồn sống bám vào, thậm chí tờ này học tập tờ kia, tạo thành các nhóm đến làm phiền doanh nghiệp.
"Chúng tôi kiến nghị đối với những trường hợp đến đe doạ, nhũng nhiễu, các doanh nghiệp cần mạnh dạn bất hợp tác, báo cáo về Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam để chúng tôi có cơ sở để xử lý quyết liệt", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Theo ông Minh, với những đơn vị sai phạm, Bộ TT&TT đã xử lý rất nghiêm, rút giấy phép hoạt động, có những trường hợp rút cả chứng chỉ văn bản, thẻ nhà báo của lãnh đạo cơ quan báo chí.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền. Ở chiều ngược lại trong mối quan hệ, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí "bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. "Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, thì chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ", ông Minh nói.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngay sau Diễn đàn, VCCI sẽ nỗ lực phối hợp với Báo Nhân Dân trong việc triển khai kế hoạch Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam. VCCI với hệ thống 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên, với mạng lưới 63 hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, việc xác minh, kiểm chứng thông tin về doanh nghiệp sẽ được thực hiện kịp thời, chính xác, hỗ trợ tra cứu thông tin của các tổ chức hay doanh nghiệp nước ngoài khi muốn đầu tư và hợp tác với Việt Nam.
Về vấn đề hợp tác báo chí của doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI đề nghị các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến kênh truyền thông của mình, không chỉ chạy theo quảng cáo trên mạng do các tổ chức nước ngoài chi phối. "VCCI sẽ có trách nhiệm định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam về việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí thực hiện truyền thông trong tương lai", Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định.
Cần chủ động thông tin và không xử lý khủng hoảng truyền thông bằng tiền
Bàn về vấn đề này, dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết, Cục thường xuyên tiếp nhận các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp và các cơ quan báo chí. "Song, vẫn phải khẳng định rằng mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là "không bỏ được nhau”. Do đó cần tìm ra những giải pháp để duy trì và tạo sự đồng thuận một cách tích cực cho mối quan hệ này", bà Thảo nhận định.
"Tính xác thực, minh bạch, khách quan về thông tin kinh tế là vô cùng quan trọng, bởi chỉ cần một thông tin sai lệch thôi cũng sẽ tác động lớn tới giá cổ phiếu, khiến "bốc hơi” tài sản. Bên cạnh đó, các toà soạn cần tăng cường ý kiến tương tác của độc giả từ đó có thể lựa chọn đề tài, tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo chuyên sâu về các vấn đề kinh tế hiện nay", bà Thảo cho biết.
Về phía doanh nghiệp, bà Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, VCCI cần tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ doanh nghiệp về cách thức tiếp xúc với báo chí để minh bạch thông tin, đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả trong mối quan hệ với báo chí. Khuyến nghị với doanh nghiệp, cần chủ động thông tin, cầu thị minh bạch, xử lý tận gốc và không xử lý khủng hoảng truyền thông bằng tiền, không tiếp tay cho những nhà báo xấu xí. Thay vào đó là hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý các vụ việc sai phạm.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã giới thiệu sáng kiến Whitelist - danh sách đơn vị hoạt động có giấy phép, nội dung "sạch”, được khuyến nghị quảng cáo và Blacklist - danh sách kênh mạng xã hội, website có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật và các nhãn hàng không được phép quảng cáo trên đó. Ngoài ra, Bộ cũng có chỉ số đánh giá về mức độ chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp có thể tham khảo những trang thông tin đó để có những hoạt động phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hỗ trợ các cơ quan báo chí về quyền được tiếp cận thông tin của doanh nghiệp và các doanh nghiệp chủ động thông tin với báo chí tạo nên hoạt động thông tin hai chiều, lành mạnh, đi đúng với quy định pháp luật.
"Báo chí không những cung cấp thông tin về mặt tin tức mà còn cung cấp tri thức, kiến thức giúp doanh nghiệp hoạt động đúng hướng giúp người dân tiếp cận thông tin chính xác, khách quan. Các cơ quan quản lý báo chí đang rất nỗ lực trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp", bà Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh.
Các tin khác
Chương trình đã thu hút hơn 100 nhà báo là các biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tại phía Nam tham dự.
Chiều 29/11, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Lễ ra mắt nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin. Nền tảng sách, báo quốc gia có tên miền là sachdientu.vn và ebook.gov.vn.
Thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin - viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội (MXH); Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH là những quy định quan trọng trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ đã ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp.